Không để tin giả ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội

Theo một thống kê gần đây, hiện nay dân số Việt Nam đạt hơn 97,3 triệu người, trong đó có 72 triệu người sử dụng mạng xã hội - tương đương 73% dân số.

Lý do lớn nhất dẫn đến sự gia tăng này là do tác động của COVID-19 và khoảng thời gian giãn cách xã hội trước đó đã làm thay đổi thói quen và gia tăng thời gian tương tác với thế giới mạng. Điều này cho thấy sự tác động của thế giới ảo đến đời sống xã hội thực tại là rất lớn.Chính vì thế, các thông tin xấu, độc, thông tin sai sự thật nếu không được chấn chỉnh, xử lý kịp thời sẽ có tác động tiêu cực không nhỏ, làm rối loạn trật tự, an toàn xã hội.

Nhận diện, xử lý các đối tượng đăng thông tin sai lệch

Dịch COVID-19 bùng phát đã làm nạn tin giả trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết. Nhiều tin giả đã được phát tán tràn lan, gây bức xúc trong xã hội. Những đối tượng đưa thông tin giả, thông tin sai sự thật đã bị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội.

Chú thích ảnh
Thông tin đăng tải về việc người dân bức xúc tự thiêu tại phường Trường Thọ, TP Thủ Đức là không chính xác. Ảnh:ttbc-hcm.gov.vn

Điển hình là vào chiều 19/7/2021, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện và lan truyền hình ảnh một người đàn ông tự thiêu trên địa bàn phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) kèm theo những bình luận "bức xúc về cách chống dịch COVID-19, người dân phẫn uất, bức bách tự thiêu".

Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an Thành phố Hồ Chí Minh) phối hợp với Công an thành phố Thủ Đức, Công an quận Bình Thạnh đã xác minh và làm việc với ông Phan Hữu Điệp A (60 tuổi, trư ở Phường 19, Quận Bình Thạnh) vì đã có hành vi đăng tin xuyên tạc, sai sự thật liên quan đến dịch COVID-19 trên tài khoản cá nhân. Bước đầu, ông A đã thừa nhận hành vi sử dụng hình ảnh cắt ghép lồng ghép nội dung xuyên tạc về vụ tự thiêu rồi phát tán lên Facebook.

Trong quá trình làm việc, cơ quan chức năng đã phát hiện trên Facebook của người này thường xuyên đăng nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc, bôi nhọ Đảng, Nhà nước Việt Nam và đã tham gia hội nhóm trên mạng chống phá Đảng và chính quyền. Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp Sở Thông tin và truyền thông giám định tài liệu, nội dung mà cơ quan công an thu giữ được của đối tượng để tiến hành xem xét khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Phan Hữu Điệp A theo quy định pháp luật.

Trước đó, ngày 15/7, Bộ Y tế đã lên tiếng bác bỏ thông tin sai sự thật về đại dịch phát tán trên mạng xã hội. Trong những ngày qua trên mạng xã hội lan truyền đoạn tin nhắn được cho là của Bộ Y tế cung cấp thông tin về một nghiên cứu của Singapore cho rằng COVID-19 là loại vi khuẩn bị nhiễm phóng xạ gây ra đông máu và làm chết người. Tin nhắn còn khẳng định có thể điều trị COVID-19 bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và chống đông máu...

Ngoài ra, cơ quan chức năng các tỉnh, thành phố đã nhận diện, xác minh nhiều tài khoản mạng xã hội khác có hành vi cố tình đăng thông tin sai sự thật đối với tổ chức, cá nhân không chỉ đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 mà còn đối với nhiều lĩnh vực khác, gây ảnh hưởng rất xấu đời sống xã hội trong thời gian qua.

Thống kê của Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tiên điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết:  Trong 5 tháng đầu năm 2021 Trung tâm đã công bố dán nhãn 37 tin giả; cập nhật 38 tin xử phạt các cá nhân đưa thông tin giả, sai sự thật từ cơ quan báo chí; tổng đài 18008108 hướng dẫn người dân về báo tin giả tiếp nhận 2.395 cuộc gọi đến... Sáu tháng đầu năm, các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt 5 trường hợp cá nhân với tổng số tiền là hơn 177 triệu đồng, trong đó có những trường hợp liên quan đến việc cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của cá nhân các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; không trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin chính thức theo quy định; cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật...

Theo Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam, các tin giả liên quan dịch COVID-19 đang là thông tin được cảnh báo và xử phạt hành chính nhiều nhất thời gian gần đây. Từ thực tiễn công tác chỉ đạo, quản lý, giám sát thông tin trên không gian mạng thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch COVID-19 có dấu hiệu gia tăng, trong đó tập trung chủ yếu vào việc kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vaccine COVID-19, xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vaccine của Chính phủ, việc sử dụng Quỹ vaccine phòng COVID-19.
 
Các thông tin giả, tin sai sự thật cũng liên quan đến diễn biến dịch bệnh tại các điểm nóng như: Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam; xuyên tạc về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương... Việc xuất hiện nhiều thông tin xấu độc cùng số lượng lớn các video clip "tự phát" được phát tán tràn lan trên không gian mạng đã làm giảm niềm tin của người dân, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội; nếu không xử lý tốt sẽ dễ phát sinh điểm nóng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Tạo thói quen tích cực khi tham gia mạng xã hội

Với vai trò, trách nhiệm được giao, Bộ Thông tin và Truyền thông đã, đang quyết liệt triển khai các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các thông tin giả, thông tin sai sự thật. Mới đây, ngày 17/6/2021, Bộ đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng xã hội. Bộ Quy tắc hướng đến xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam.

Đây là bộ khung cơ sở để các tổ chức địa phương, cơ quan, đơn vị, các ban, ngành dựa vào đó đưa ra quy định của mình và có điều kiện ràng buộc với những người trong phạm vi cơ quan tổ chức địa phương đó. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng triển khai giải pháp công nghệ rà soát phát hiện các hành vi vi phạm. Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội có bản chất là tập hợp tất cả các quy định về các hành vi ứng xử, chuẩn mực đạo đức, văn hóa trên môi trường mạng và có tính chất khuyến nghị đối với các tổ chức, cá nhân, nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội.

Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội chỉ mang tính chất khuyến cáo, khuyến nghị nhưng khi xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật, các tổ chức, cá nhân sai phạm sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật. Hiện nay, về cơ bản, các quy định về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội đã được quy định rất rõ trong các Luật và Nghị định liên quan. Cụ thể, theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP hành vi tung tin đồn thất thiệt trên mạng sẽ gây kích động dư luận, gây hoang mang tinh thần người dân, ảnh hưởng đến trật tự, an ninh xã hội; thậm chí đã dẫn tới nhiều vụ việc gây thiệt hại về vật chất, tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của người khác từ những tin đồn không được kiểm chứng có thể có thể bị phạt từ 10 đến 100 triệu đồng. Tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi người tung tin đồn thất thiệt lên các trang mạng xã hội có thể bị xử lý hình sự về tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" được quy định tại điều 288 Bộ Luật Hình sự 2015, có thể bị phạt tù từ 3 tháng -7 năm tù...

Cùng đó, hàng loạt công văn gửi các bộ, ngành đã được Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai, như: ngày 28/5/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội. Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các Sở Thông tin và Truyền thông, Công an các địa phương cần tăng cường rà soát, phát hiện kịp thời những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội; chủ động xử lý nghiêm khắc các đối tượng vi phạm trên địa bàn.

Mới đây, ngày 23/72021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản số 2765/BTTTT-PTTH&TTĐT về việc thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ và tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về COVID-19 trên mạng gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Một trong những nội dung chính của văn bản này, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao chủ động thực hiện nghiêm túc quy định về phát ngôn, cung cấp thống tin cho báo chí; cử người phát ngôn, chủ động cung cấp thông tin, trong mọi tình huống bảo đảm thông tin được cung cấp nhanh nhất, không bị động, bất ngờ; tuân thủ kỷ luật phát ngôn, thống nhất đầu mối phát ngôn, tránh tình trạng cùng một sự việc nhưng các ngành, địa phương lại phát ngôn không thống nhất dẫn tới việc bị suy diễn, xuyên tạc.

Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường rà quét, phát hiện kịp thời tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch tại bộ, ngành, địa phương. Khi phát hiện tin giả, tin sai sự thật, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cần chỉ đạo lực lượng công an, các lực lượng có liên quan kịp thời xác minh đối tượng phát tán tin giả, phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông để thẩm định nguồn tin, công bố, cảnh báo tin giả, tin sai sự thật; chủ động xử lý nghiêm các đối tượng phát tán thông tin vi phạm pháp luật trên địa bàn.

Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo lực lượng báo chí, truyền thông trực thuộc bám sát chỉ đạo, định hướng tuyên truyền, làm nổi bật mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng cua nhân dân là trên hết; nắm bắt dư luận truyền thông nước ngoài để phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông và lực lượng báo chí cả nước kịp thời phản bác luận điệu xuyên tạc, chủ động cung cấp thông tin cho người dân.

Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dùng các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới và cả những đối tượng sử dụng các nền tảng, để người dân có thay đổi về nhận thức, một khi viết gì, đăng tải gì trên không gian mạng cần cẩn trọng hơn.
 
Theo nhiều chuyên gia, để hạn chế tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng nói chung, mạng xã hội nói riêng, bên cạnh các công cụ pháp luật, giải pháp nâng cao ý thức của các cấp, ngành, doanh nghiệp và người sử dụng vẫn là quan trọng nhất, bởi chỉ khi nào mỗi người sử dụng đều tự giác dùng mạng xã hội một cách văn minh, mới đẩy lùi được thông tin xấu độc, thông tin sai lệch.

Phúc Hằng (TTXVN)
Tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật  trên mạng xã hội về COVID-19
Tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội về COVID-19

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa có công văn gửi các Bộ ngành và UBND các tỉnh thành về việc tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về COVID-19 trên mạng xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN