Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội): Đổi mới phương thức thay vì sửa đổi, bổ sung chỉ tiêu thống kê
Trong bối cảnh hiện nay, số liệu thống kê vô cùng quan trọng đối với các quyết sách kịp thời cũng như các quyết định của nhà kinh doanh. Trong phòng chống dịch COVID-19 vừa qua thấy rõ, chúng ta không thể dùng số liệu thống kê của báo cáo quý trước đó mà phải là những con số nóng, kịp thời.
Số liệu thống kê hiện nay không chỉ là những con số khô khan mà thực sự số liệu thống kê là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá. Tôi kỳ vọng, sửa đổi Luật Thống kê lần này là phải luật hóa việc kê khai, cung cấp các số liệu thống kê bằng công nghệ số để hình thành lên những kho dữ liệu quốc gia về tất cả thông tin kinh tế - xã hội. Và đây cũng là điều kiện tiên quyết để phát triển nền kinh tế số.
Với kho số liệu số, thì bất kỳ thời điểm nào, cơ quan thống kê cũng chiết xuất được các chỉ tiêu thống kê mà các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp yêu cầu. Nếu chúng ta làm được, thì cơ quan thống kê đang nắm giữ được kho tài nguyên số.
Với việc nâng từ 186 chỉ tiêu lên 222 chỉ tiêu thống kê, tôi đánh giá đó là sự dũng cảm của ngành thống kê. Tuy nhiên, nếu chúng ta vẫn duy trì thực hiện phương thức thống kê như cũ chỉ thay đổi về đầu ra là chỉ tiêu, với đòi hỏi của các bộ, ngành như hiện nay thì cơ quan thống kê không thể thực hiện được.
Chính vì vậy, việc thay đổi Luật Thống kê lần này, chúng ta cần sửa đổi một cách căn bản, không chỉ dừng lại ở việc sửa đổi các chỉ tiêu thống kê mà sửa đổi từ phương thức thu thập thông tin, sử dụng công nghệ số hóa, để từ đó cơ quan thống kê hình thành nên các kho dữ liệu.
Tôi cho rằng, nếu ngành thống kê không đi đầu trong việc chuyển đổi số thì các ngành khác, lĩnh vực khác, chuyển đổi số được. Và ngành thống kê không chuyển đổi số, có được các kho dữ liệu thì chúng ta không thể có cơ sở tiên quyết trong phát triển nền kinh tế số.
Đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn TP Hồ Chí Minh): Cần cụ thể hơn danh mục chỉ tiêu thống kê
Luật Thống kê sửa đổi nhằm cung cấp thông tin thống kê chính xác, khách quan, kịp thời phản ánh đúng tình hình kinh tế xã hội, giúp các nhà phân tích hoạch định, điều hành chính sách vĩ mô một cách hiệu quả hơn, đảm bảo yêu cầu, phù hợp thông lệ quốc tế.
Tôi tán thành việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thống kê; đồng thời, nhất trí với phạm vi sửa đổi của Luật Thống kê. Số liệu thống kê rất quan trọng. Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương sử dụng số liệu thông tin thống kê, đánh giá, phân tích, dự báo tình hình trong hầu hết các lĩnh vực. Tuy nhiên, số liệu thống kê đang công bố, chúng ta mới có được con số dự báo, tới khoảng tháng 2, tháng 3 năm sau, chúng ta mới có con số ước cụ thể.
Với yêu cầu báo cáo đánh giá, phân tích tình hình cuối năm, chúng ta cần có dự thảo báo cáo về tình hình kinh tế xã hội, phát triển của các ngành… nhưng tính kịp thời chưa đáp ứng được. Do đó, Luật Thống kê sửa đổi cần có số liệu chi tiết, kịp thời để các ngành, địa phương có giải pháp, xây dựng kế hoạch phát triển cho năm sau tốt hơn.
Hiện, số liệu thống kê ban hành theo 2 giá; đó là: giá hiện hành là giá thực tế bình quân của năm hiện hành thực tế đang phản ánh và giá so sánh (giá cố định năm 2010). Tuy nhiên, khi áp dụng năm gốc mới cần phải tính toán dãy số theo giá so sánh của giai đoạn trước đó theo giá của năm gốc mới để có được dãy số dùng cho phân tích và dự báo.
Về các danh mục chỉ tiêu thống kê đã cập nhật, phản ánh đánh giá, dự báo và đo lường kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… Tuy nhiên, dự thảo danh mục chỉ tiêu thống kê ban hành cần phải bổ sung cụ thể hơn về các chỉ tiêu phản ánh chất lượng, hiệu quả, đầu tư xã hội, các hệ số mang tính lan tỏa, mức độ liên kết, đảm bảo quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng… Theo đó, chúng ta cần bổ sung một số chỉ tiêu như: tính hiệu quả các chỉ số phản ánh bình quân chung của nền kinh tế, bình quân chung của ngành để làm cơ sở xây dựng định mức.
Cùng với đó, Luật Thống kê sửa đổi cần làm rõ hơn khái niệm nội hàm quy định cụ thể, đo lường về quy mô kinh tế số, đóng góp của các ngành vào kinh tế số và kinh tế số đóng góp vào các ngành như thế nào.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề: Bổ sung nhằm làm rõ quy trình biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn nhằm bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời phản ánh tình hình mới, bối cảnh mới phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước; căn cứ Điều 18 Luật Thống kê về điều chỉnh, bổ sung danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia và dựa trên nguyên tắc, phương pháp thống kê đã được quốc tế công nhận, các quy định của Luật Thống kê, các Luật chuyên ngành có liên quan, khả năng có thể tính toán các chỉ tiêu thống kê do các Bộ, ngành đề xuất và thực tiễn triển khai của các quốc gia khác trên thế giới, cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu và đề nghị chỉ tập trung sửa đổi những nội dung lớn, đã được xác định rõ và thực hiện được ngay bảo đảm kịp thời cung cấp thông tin sát thực với tình hình phát triển của đất nước, phản ánh thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam trong thời kỳ mới.
Đặc biệt phản ánh đầy đủ, kịp thời các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Những nội dung bổ sung nhằm làm rõ quy trình biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia; không ảnh hưởng, tác động đến các nội dung trong các điều, khoản khác của Luật hiện hành.
Những nội dung khác là những nội dung lớn, phức tạp, đòi hỏi phải có thời gian nghiên cứu cũng như đánh giá thực tiễn trong nước và quốc tế, sẽ tiếp tục nghiên cứu và chưa đề xuất sửa đổi, bổ sung trong lần này.
Đối với các ý kiến liên quan đến đánh giá lại GDP, quy trình đánh giá lại GDP, cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến góp ý và tiếp tục rà soát. Quy trình rà soát, quy định cụ thể vai trò của địa phương, sự phối hợp của các bộ, ngành trong việc đánh giá lại quy mô GDP sẽ được quy định tại Nghị định quy định nội dung sau khi Luật này được thông qua.
Nội dung dự án Luật đang quy định theo hướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư định kỳ 5 năm thực hiện rà soát về việc đánh giá lại quy mô GDP, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội, chỉ thực hiện đánh giá lại GDP trong trường hợp có sai số hoặc chênh lệch lớn.