Bên lề Quốc hội: Để bảo hiểm trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế

Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV tiến hành cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với nhiều nội dung điều chỉnh, bổ sung liên quan đến chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm, quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, quỹ bảo vệ người được bảo hiểm... Bền lề kỳ họp sáng 25/10, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với các đại biểu liên quan đến các nội dung này. 

Chú thích ảnh
Người lao động đến làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Đoàn Bắc Ninh): Cần quan tâm chính sách bảo hiểm nông nghiệp

Với vai trò trụ đỡ, góp phần quan trọng trong nền kinh tế, nông nghiệp, nông thôn, nông dân là những lĩnh vực được Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn quan tâm; trong đó, có chương trình xây dựng nông thôn mới, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn để nâng cao đời sống của người dân.

Tuy nhiên, thực tế qua các chương trình giám sát của Quốc hội cho thấy còn nhiều vướng mắc hiện nay khiến năng suất lao động chưa được cải thiện, giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp cũng như cao đời sống người nông dân còn khó khăn.

Theo đó, những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách có thể cải thiện được vướng mắc này như rà soát về tích tụ ruộng đất, chính sách thúc đẩy công nghiệp vào nông nghiệp để nâng cao giá trị và năng suất. Đặc biệt, chính sách giảm thiểu rủi ro trong hoạt động nông nghiệp do yếu tố thời tiết và nhiều yếu tố khác thông qua bảo hiểm.

Trong khi hiện nay yếu tố khó khăn của nông nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn đầu tư liên quan đến chính sách về tài sản đảm bảo nhưng bảo hiểm gần như không hướng đến đối tượng này. Người dân vẫn rất khó khi huy động vốn, đầu tư lớn nhưng rủi ro chưa được chia sẻ.

Theo tôi, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) lần này cần quy định rõ hơn, để bảo hiểm nông nghiệp không chỉ là khuyến khích, từ đó phát huy được vai trò của bảo hiểm vì mục tiêu an sinh, xã hội, đặc biệt là chương trình phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, các sản phẩm bảo hiểm liên kết với các sản phẩm bảo hiểm y tế do nhà nước thực hiện.

Đại biểu Vũ Trọng Kim (Đoàn Nam Định): Kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế

Việc Quốc hội xem xét Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) lần này rất quan trọng, giúp kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế.

Nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu(EVFTA)…, việc sửa đổi các quy định về kinh doanh bảo hiểm đã có hơn 20 năm góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, cùng với thị trường tiền tệ - tín dụng và thị trường chứng khoán trở thành các kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Đáng chú ý, mở rộng đối tượng nhà đầu tư nước ngoài, cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm, cũng như bổ sung quy định quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm tạo hành lang an toàn cho người tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp mà không chỉ doanh nghiệp trong nước mà đối với doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ khuyến khích các đối tượng tham gia bảo hiểm nhiều hơn. Trong khi doanh số bảo hiểm tăng lên góp phần tạo nguồn thu cho nền kinh tế quốc gia, cùng với đó người dân có cơ hội tiếp cận đời sống tốt hơn. 

Đại biểu Lê Anh Tuấn (Đoàn Hà Tĩnh): Tránh chồng chéo các loại hình bảo hiểm

Bảo hiểm là hình thức quản lý rủi ro và được sử dụng để hạn chế những rủi ro ngẫu nhiên hoặc các tổn thất có thể xảy ra, nói cách khác ngành dịch vụ bảo hiểm góp vai trò quản trị các nền kinh tế. Đã đến lúc cần phải sửa đổi toàn diện Luật Kinh doanh bảo hiểm để đáp ứng yêu cầu phát triển ngành dịch vụ này trong giai đoạn mới, hội nhập kinh tế quốc tế.

Song, tôi băn khoăn về các hình vi nghiêm cấm như dự thảo luật quy định việc xúi giục, ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm, bởi quy định sẽ khó khả thi để áp dụng. Thực tế, quy định phải có căn cứ xử lý tuy nhiên việc chứng minh lại rất khó vì cần có bằng chứng đi kèm. 

Ngoài ra, dự thảo quy định doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể kết hợp các loại hợp đồng bảo hiểm trong một hợp đồng bảo hiểm. Quy định này có thể hiểu, doanh nghiệp bảo hiểm có thể ký kết hợp đồng bảo hiểm con người, hợp đồng bảo hiểm tài sản và thiệt hại trong cùng một hợp đồng. Như vậy thì doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có thể cung cấp cả sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ. 

Tuy nhiên, cũng trong dự thảo quy định doanh nghiệp bảo hiểm không được phép kinh doanh đồng thời bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe. Do vậy, tôi đề nghị cần rà soát, quy định chặt chẽ, thống nhất về các loại hợp đồng này.

Thuý Hiền - Diệp Anh (Thực hiện)
Sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm là điều cần thiết
Sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm là điều cần thiết

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được xây dựng nhằm mục tiêu hoàn thiện quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập của Luật Kinh doanh bảo hiểm với các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN