Kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, mục tiêu xây dựng dự án Luật nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập của Luật Kinh doanh bảo hiểm với các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Mục tiêu tiếp theo là cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm kết hợp với việc cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, khách hàng, sự an toàn của cả hệ thống, tiết giảm chi phí xã hội.
Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) gồm 8 chương, 156 điều; cụ thể hóa 7 nhóm chính sách đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 121/NQ-CP ngày 31/12/2019.
Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm. Việc sửa đổi nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh và cùng với thị trường tiền tệ - tín dụng và thị trường chứng khoán trở thành các kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. So với Luật hiện hành, dự thảo Luật có phạm vi điều chỉnh bao quát hơn, đã bổ sung nội dung quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; bổ sung quy định về đối tượng áp dụng để quy định rõ, cụ thể hơn những đối tượng được điều chỉnh bởi luật.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương
Thời gian còn lại của buổi làm việc sáng, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế. Sau đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về nội dung này.
Báo cáo tóm tắt về dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Nghị quyết được xây dựng dựa trên 5 quan điểm. Trong đó, một nguyên tắc quan trọng là các cơ chế đặc thù phải được nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương; có tác động lan tỏa vùng miền; gắn với đề cao tính tự lực, tự cường, phát huy tính năng động, sáng tạo. Các cơ chế phải phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước, không ảnh hưởng lớn đến vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương theo quy định của Hiến pháp; không làm tăng bội chi ngân sách nhà nước và trần nợ công đã được Quốc hội quyết định; tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền của địa phương...
Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng với 6 cơ chế chính sách, tỉnh Thừa Thiên - Huế 6 cơ chế chính sách, tỉnh Nghệ An 6 cơ chế chính sách và tỉnh Thanh Hóa 8 cơ chế chính sách.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cơ bản nhất trí với quy định về hiệu lực thi hành áp dụng từ ngày 1/1/2022 và có thời hạn 5 năm. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị quy định thời hạn thực hiện thí điểm các cơ chế đặc thù này chỉ đến hết năm 2025 để bảo đảm phù hợp với kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.
Về chính sách dư nợ vay, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra nhất trí với dự thảo Nghị quyết và cho rằng, quy định này góp phần tạo dư địa để thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế có thể huy động tối đa nguồn lực, thúc đẩy đột phá trong phát triển. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc nâng mức trần tổng dư nợ vay, vì thực tế hiện nay, các địa phương trên chưa vay được hết mức trần theo quy định hiện hành và trong giai đoạn 2021 - 2025 tổng mức bội chi ngân sách của các địa phương chỉ là 0,3% GDP.
90,85% dân số tham gia bảo hiểm y tế
Trong phiên họp chiều cùng ngày, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về nội dung này.
Báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020, cho thấy đến hết ngày 31/3/2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ đã ban hành 68 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện (27 nghị định, 6 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 35 thông tư).
Trong năm 2020, Ngân sách nhà nước hỗ trợ cho người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện hơn 137,6 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2019. Đáng chú ý, cơ quan Bảo hiểm Xã hội đã thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 cho tất cả các thủ tục hành chính (27/27 thủ tục), kết nối, tích hợp và cung cấp 15 dịch vụ công trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Năm 2020, cơ quan Bảo hiểm Xã hội đã tiếp nhận, giải quyết trên 85 triệu hồ sơ giao dịch điện tử. Bên cạnh đó, các đơn vị được thanh tra, kiểm tra đã chấp hành truy đóng số tiền 145,5 tỷ đồng (đạt 98%). Sau kết luận thanh tra, kiểm tra, các đơn vị đã khắc phục 831/1.358 tỷ đồng còn phải thực hiện (tương đương 61%); đã thu hồi về Quỹ Bảo hiểm xã hội 5 tỷ đồng (đạt 96%); thu hồi về Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp 271 triệu đồng (đạt 11%).
Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày Báo cáo về việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong hai năm 2019-2020. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về nội dung này.
Theo Báo cáo tóm tắt, tính đến 31/12/2020, số người tham gia bảo hiểm y tế 87,96 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số; trong đó, ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng trên 51 triệu người. Tổng số chi do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng năm 2020 gần 40 nghìn tỷ đồng, bằng 37% tổng số thu tiền đóng bảo hiểm y tế. Năm 2020, cả nước có hơn 167 triệu lượt khám chữa bệnh, giảm hơn 10% so với năm 2019.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, tổng thu Quỹ Bảo hiểm y tế hơn 110 nghìn tỷ đồng; chi bảo hiểm y tế năm 2020 hơn 104 nghìn tỷ đồng. Tổng số thu Quỹ bảo hiểm y tế lớn hơn tổng số chi Quỹ Bảo hiểm y tế hơn 5 nghìn tỷ đồng. Dự kiến, số dư Quỹ Bảo hiểm y tế lũy kế đến cuối năm 2020 khoảng 33 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế vẫn còn khó khăn, vướng mắc về công tác thu quỹ bảo hiểm y tế; giao dự toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; tạm ứng kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; cân đối quỹ…
Sau đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về: Tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020; Việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong hai năm 2019-2020.