Trả lời đại biểu Lê Thanh Vân về vấn đề siết tín dụng bất động sản, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, thị trường bất động sản gồm nhiều chủ thể, thu hút được nhiều nguồn đầu tư khác, tín dụng chỉ là một kênh.
Trong nhiều năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước đều có chủ trương mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hiệu quả, hướng dòng tiền vào sản xuất kinh doanh, kiểm soát lĩnh vực rủi ro. Sự rủi ro mất vốn là điều quan tâm nhất của các ngân hàng. Ngân hàng chỉ cho vay khi khách hàng đáp ứng được đủ điều kiện.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, một rủi ro lớn khác là thanh khoản. Cho vay bất động sản thường kỳ hạn cho vay dài, giá trị lớn. Nếu cho vay không kiểm soát thì có thể khi khách hàng đến rút tiền chưa đòi được khoản tiền cho vay dài hạn với bất động sản.
"Ngân hàng Nhà nước có áp lực trong kiểm soát rủi ro như vậy, việc cho vay là của ngân hàng và khách hàng nhưng phải đảm bảo an toàn hệ thống", bà Hồng khẳng định.
Về lo ngại tăng giá, thổi giá trong thị trường bất động sản, bà Hồng cho hay đã có quy định chỉ đạo ngân hàng thương mại khi cho vay phải đánh giá tài sản đảm bảo. Tổ chức tín dụng cho vay có tài sản đảm bảo ở những địa bàn mà giá bất động sản bong bóng cao thì phải cẩn trọng kiểm soát rủi ro.
Về nhu cầu mua nhà để ở và sửa chữa, theo Thống đốc có 2,2 triệu tỉ đồng dư nợ bất động sản thì có tới 65% cho nhu cầu ở và sửa chữa nhà, phục vụ tiêu dùng. Với nhu cầu mua nhà với người thu thập thấp, cũng có chính sách và hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng đã triển khai cho vay cho đối tượng như mua nhà ở xã hội…
Nêu quan điểm thêm sau phần trả lời của Thống đốc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng việc phát triển tài chính vi mô là hoạt động quan trọng, hỗ trợ cho nhiều đối tượng tiếp cận vốn, đặc biệt là người yếu thế, phòng chống tín dụng đen, nên phải khuyến khích phát triển chứ không gây khó khăn.
"Nói không có siết nhưng mấy tháng nay thị trường trái phiếu rất èo uột, doanh nghiệp muốn huy động vốn nhưng khó khăn. Thị trường bất động sản cũng như vậy. Cần thanh tra, kiểm tra, giám sát từ xa, tránh trường hợp mất bò mới lo làm chuồng thì rất dở, nếu để trường hợp mất bò nhưng không dám làm lại chuồng để nuôi bò thì còn dở hơn. Tất cả thị trường phải thông suốt, vừa giám sát quản lý chặt nhưng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường, chấn chỉnh xử lý méo mó chứ không thể đóng cửa hay hạn chế thị trường, nên tài chính kinh tế không thể để giật cục, phải nhất quán và thông suốt, phải có dự phòng", Chủ tịch Quốc hội nói.