Tại buổi lễ, lãnh đạo tỉnh Bình Phước cùng nhân dân thị xã Bình Long đã ôn lại lịch sử, bày tỏ tiếc thương trước mất mát to lớn của đồng bào An Lộc do đế quốc Mỹ thả bom B52 trong cuộc chiến tranh từ năm 1972.
Mộ 3.000 đồng bào An Lộc là nơi ghi dấu một quá khứ đau thương của chiến tranh đối với người dân Bình Long. Đây là ngôi mộ tập thể của 3.000 người chết trong giai đoạn Chiến dịch Nguyễn Huệ diễn ra suốt 32 ngày đêm (từ 13/4 đến 15/5/1972).
Chiến dịch Nguyễn Huệ mở màn với hướng tiến công chủ yếu trên đường 13 với khu vực quyết chiến là Lộc Ninh và An Lộc (thuộc tỉnh Bình Long - nay là thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước). Chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt, địch tập trung hỏa lực, pháo, đạn, bom, B52, cày nát mặt đất, hàng ngàn đồng bào bị giết hại, tài sản, nhà cửa bị phá hủy; chúng thả bom vào bệnh viện nơi mà phần lớn đồng bào ta tập trung tránh đạn pháo khiến hàng ngàn người chết. Để giải quyết những người dân tử nạn trong chiến sự ở An Lộc địch đã dùng xe ủi, ủi hàng ngàn tử thi xuống hố chôn, tạo nên một ngôi mộ tập thể 3000 người.
Ngày 1/4/1985, Mộ 3.000 người đã được Bộ Văn hóa - Thông tin ( này là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích Lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Dự án tu bổ, tôn tạo di tích mộ tập thể 3.000 người được khởi công xây dựng vào ngày 1/7/2013 trên khu đất tọa lạc tại phường An Lộc, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước diện tích 4.309 m2. Tổng kinh phí xây dựng hơn 35,7 tỷ đồng.
Công trình bao gồm các hạng mục: Tượng đài tưởng niệm cao 12,6m, chất liệu đá tự nhiên, khung bê tông cốt thép; Khu mộ; Nhà bia tưởng niệm, diện tích 18 m2; Nhà đón tiếp, diện tích 202 m2 chia làm 3 khu vực chính: sảnh đón tiếp, không gian đón tiếp, trưng bày; Cổng chính; Khu sân vườn tổng thể; Hệ thống cấp, thoát nước, chống sét, điện chiếu sáng tạo hiệu quả thẩm mỹ được thiết kế đồng bộ thống nhất.