Dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo công trình di tích Điện Kiến Trung bao gồm gia cường móng bê tông cốt thép; phục hồi tường xây bằng gạch vồ; phục hồi gạch lát nền, sàn; phục hồi dầm, sàn bê tông cốt thép 2 tầng; phục hồi hệ mái ngói; phục hồi bờ nóc, bờ quyết; ô hộc, cuốn thư, chi tiết trang trí ngoại thất; phục hồi phào chỉ nội thất; phục hồi màu tường, ô hộc, lan can; phục hồi tranh tường, trần trang trí nội thất; sơn son thếp vàng... Dự án còn bao gồm việc lắp đặt thiết bị trưng bày nội thất Lầu Kiến Trung; tu bổ, bảo quản móng bao ngoài, móng tường, chân tường Đông Cung Lâu, Ngự Thư phòng; tu bổ, bảo quản móng bao ngoài, móng tường, chân tường, nền Võ Hộ giá phòng, Ngự phê phòng...
Điện Kiến Trung được khởi công xây dựng vào 2/1921 dưới triều Khải Định, đến năm 1923 thì hoàn tất. Ngôi điện này trở thành nơi sinh hoạt và làm việc của 2 vị vua cuối cùng của triều Nguyễn là Khải Định và Bảo Đại. Năm 1932, vua Bảo Đại (1925 - 1945) đã cho cải tạo lại nội thất, lắp đặt thêm các tiện nghi Tây phương, còn phần ngoại thất vẫn giữ nguyên. Từ đó, điện Kiến Trung trở thành nơi ở của cả gia đình nhà vua. Điện Kiến Trung là công trình tiêu biểu nhất, quan trọng nhất đánh dấu một giai đoạn độc đáo và đặc sắc bổ sung cho kiến trúc cung đình Huế.
Về mặt mỹ thuật, Điện Kiến Trung có đầy đủ những đặc điểm của một công trình phong cách Đông Dương với sự kết hợp giữa Á và Âu. Trên hình khối bố cục đậm chất châu Âu, điện Kiến Trung được tô điểm bởi các chi tiết trang trí hoa văn, họa tiết, con giống mang đậm bản sắc của hoạ tiết cung đình, tạo nên xu hướng thẩm mỹ đặc trưng. Đây chính là phong cách kiến trúc Đông Dương do người Việt Nam sáng tạo ra và là những giá trị văn hóa, lịch sử đáng trân trọng.
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 29/8/1945, điện Kiến Trung trở thành chứng nhân của sự kiện vua Bảo Đại có cuộc tiếp xúc đầu tiên với Phái đoàn Chính phủ lâm thời để chính thức họp bàn thoái vị, trao lại quyền điều hành đất nước cho Chính phủ Cách mạng nước ta. Vào năm 1947, công trình bị chiến tranh phá hủy...