Theo ông Nguyễn Dung, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 818/QĐ-TTg ngày 7/6/2010 phê duyệt Đề án "Điều chỉnh quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010 - 2020". Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai và thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và trùng tu hệ thống di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới (bao gồm văn hóa vật thể và phi vật thể).
Di tích Minh Thành Lâu thuộc hệ thống di tích Cố đô Huế trong giai đoạn trùng tu. |
Đến nay, đã có hơn 170 công trình thuộc hệ thống di tích Cố đô Huế được bảo tồn, trùng tu và tu bổ. Các công trình đã được bảo tồn, tu bổ đã góp phần khép lại không gian hoang phế, đổ nát ở Kinh thành, Hoàng thành, các đàn, miếu và một số lăng vua triều Nguyễn, tiêu biểu là các di tích: Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Hiển Lâm các, cụm di tích Thế Miếu, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, điện Long An, tổng thể đàn Nam Giao, lăng Gia Long, chùa Thiên Mụ, cung An Định, 10 cổng Kinh thành Huế…
Những kết quả trong công tác trùng tu di tích Huế thể hiện sự tuân thủ Công ước quốc tế về bảo tồn di tích, Luật Di sản Văn hóa và các Quy chế bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa - danh lam thắng cảnh, các quy định trong xây dựng cơ bản, đảm bảo sự chuẩn mực về bảo tồn và tính chân xác của các công trình.
Đáng chú ý, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế còn thực hiện thành công nhiều đề tài nghiên cứu như: Gạch lát nền trong di tích; hệ thống giếng cổ trong di tích; hệ thống lịch sử xây dựng các công trình kiến trúc triều Nguyễn"; sưu tầm sắc phong triều Nguyễn. Trung tâm cũng đã xuất bản hai tập cuối Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ tục biên, Tập san Di sản Huế - nghiên cứu và bảo tồn (tập 2); tham gia tích cực các lễ hội Xã Tắc, Nam Giao… trong khuôn khổ Festival Huế, góp phần giới thiệu, quảng bá về di sản văn hóa Huế - di sản thế giới.
Ngoài ra, nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài đã hỗ trợ trùng tu di tích Cố đô Huế. Điển hình, Quỹ Toyota Nhật Bản tài trợ cho hơn 10 đề tài nghiên cứu khoa học của các cán bộ nghiên cứu thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế với kinh phí khoảng 100.000 USD.
Các tổ chức như Fulbright Program, Ford Foundation (Hoa Kỳ), Đại học NewYork, Tập đoàn Rhone Polenc (Pháp), Japan Foundation, Đại học Waseda, JICA, ACCU (Nhật Bản), Korea Foundation… tài trợ cho cán bộ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tham gia các chương trình đào tạo và khảo sát tại một số nước có kinh nghiệm về công tác quản lý và bảo tồn nhằm nâng cao năng lực quản lý và bảo tồn di sản .
Đáng chú ý, nhóm chuyên gia đến từ Cộng hòa Liên bang Đức đã giúp phục hồi các bức tranh tường ở cung An Định vốn đã bị hư hại đạt kết quả khả quan. Phương pháp mà các nhóm chuyên gia người Đức thực hiện trong quá trình phục hồi các bức tranh tường là nghiên cứu, phân tích các lớp sơn (vữa), thành phần hóa học của các lớp bột màu và chất dung môi.
Nhật Bản thông qua UNESCO hỗ trợ trùng tu di tích Ngọ Môn; trùng tu Hữu Tùng Tự (Lăng Minh Mạng); hỗ trợ lập hồ sơ đề nghị Nhã nhạc Huế là Kiệt tác Di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại và dự án bảo tồn và phát huy những giá trị Nhã nhạc Huế. Còn Ba Lan đã cử các chuyên gia đến từ Xí nghiệp Bảo tồn Tài sản Văn hóa Ba Lan (PKZ) giúp Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế xử lý chống mối mọt và bảo tồn trùng tu công trình Thế Tổ Miếu.
Bên cạnh đó, bước đầu, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã thực hiện và lưu trữ một số bộ hồ sơ về Nhã nhạc cung đình Huế như: Hồ sơ khoa học về bài bản Nhã nhạc “Tam Thiên”, “Phúc lục dịch”, “Cung ai”, “Ca Thài trong tế Nam Giao”...
Trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế tiếp tục tạo được dấu ấn khi giành 4 huy chương vàng, 5 huy chương bạc trong cuộc thi Nghệ thuật sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc với hai vở tuồng: Bi kịch vua thi sĩ, Về tìm lại cội nguồn. Nhà hát cũng tiếp tục hoàn chỉnh hai hồ sơ: “Bát tiên hiến thọ” và “Phục trang Tuồng cung đình Huế”. Đồng thời, nhà hát tích cực tổ chức các hoạt động biểu diễn phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật truyền thống cung đình của du khách.
Nếu năm 1996, di tích Huế mới chỉ đón khoảng trên dưới 2.000 lượt khách/năm thì đến năm 2016, Huế đã đón hơn 2,3 triệu lượt khách, trong đó có gần 55% là khách quốc tế...