Tiện ích từ kết nối dữ liệu
Cuối tháng 9/2023, ông Hà Văn Lũng (phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) phải đi cấp cứu trong đêm do cao huyết áp. Cấp cứu gấp trong đêm nên người nhà của ông không kịp chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ. Tuy nhiên, khi đến bệnh viện Xanh Pôn, chiếc thẻ căn cước công dân (CCCD) có gắn chip của ông Lũng đã phát huy tác dụng. Chỉ cần xuất trình thẻ CCCD, gia đình ông Lũng đã hoàn thành các thủ tục về bảo hiểm y tế (BHYT).
“Trước đây, phải xuất trình thẻ BHYT giấy, chứng minh nhân dân. Quên giấy tờ sẽ rất “lằng nhằng” về thủ tục. Từ khi tích hợp thẻ BHYT vào CCCD rất tiện lợi”, ông Lũng chia sẻ.
Đây là một trong những lợi ích dễ nhận thấy của chuyển đổi số khi chia sẻ kết nối dữ liệu giữa bảo hiểm xã hội và cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư. Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, đến cuối tháng 9/2023, hệ thống dữ liệu BHXH đã xác thực trên 91,2 triệu thông tin nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư. Đồng thời, hệ thống của BHXH Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ trên 131 triệu lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho CSDL quốc gia về dân cư. Toàn quốc đã có 12.597 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip (đạt 98,2% tổng số cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc).
Trong khi đó, do phải nộp cho trường bản sao giấy khai sinh cho con, chị Hà Diệu Linh (Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội)đã lên Cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) khai báo và làm theo hướng dẫn. Sau một ngày, chị đã có bản sao chứng thực gửi qua đường bưu điện nộp cho trường học đúng thời gian. “Dịch vụ công khá tiện với những người không có thời gian trong giờ hành chính như tôi, tuy nhiên sử dụng dịch vụ còn thấy bất cập như giao diện chưa hợp lý khi dùng điện thoại di động, cập nhật thông tin giải quyết, thanh toán trực tuyến chưa thuận tiện”, chị Linh góp ý.
Hiện nay, nhiều người dân bắt đầu thực hiện DVCTT để giảm thời gian đi lại và cũng là do yêu cầu từ phía cơ quan công quyền. Theo Bộ TTTT, sau phiên họp chuyên đề nâng cao việc cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn bộ quá trình vào tháng 6/2023 và công bố bảng xếp hạng các cổng dịch vụ công trực tuyến, đến nay việc cung cấp DVCTT theo hướng toàn trình trên tổng số đủ điều kiện là 100% và có sự chuyển biến.
Đặc biệt, trên Cổng Dịch vụ công (DVC) quốc gia đã ghi nhận tích hợp liên thông với 150 hệ thống thông tin, CSDL của các cơ quan, đơn vị; công khai toàn bộ hơn 6.300 thủ tục hành chính (TTHC), trong đó đã cung cấp 4.543 DVCTT (tăng 95 DVC so với tháng 8/2023); tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến tại bộ, ngành đạt 78,55%, tại địa phương đạt 68,59%.
Trong 9 tháng năm 2023, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 5,6 triệu tài khoản đăng ký, hơn 87,37 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 13 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; hơn 19,8 triệu hồ sơ trực tuyến được thực hiện; hơn 13 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 4.000 tỷ đồng.
Lũy kế đến nay, Cổng có hơn 9,7 triệu tài khoản (tăng hơn 3,34 lần so với cùng kỳ năm ngoái); hơn 243 triệu hồ sơ đồng bộ (tăng hơn 1,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái); hơn 22,6 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích…. Tính đến hết tháng 9/2023, đã có 34/63 địa phương tham mưu, ban hành Nghị quyết của HĐND về miễn, giảm phí, lệ phí thực hiện DVCTT nhằm thu hút người dân tham gia dịch vụ này.
Chung tay giải bài toán khó
Theo Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Huy Dũng, dữ liệu số và nền tảng số là những thành tố cơ bản trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Do đó, Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia đã xác định là năm 2023 là “Năm dữ liệu số quốc gia”.
Thị trường dữ liệu ngày càng trở nên quan trọng khi Việt Nam hướng tới nền kinh tế chuyển đổi số. Theo Vietnam - Briefing, năm 2020, thị trường dữ liệu của Việt Nam được định giá 858 triệu USD và dự kiến đạt 1,82 tỷ USD vào năm 2023. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của thị trường dự kiến là 5,32% trong giai đoạn 2023-2027. Tuy nhiên, tuy tốc độ tăng trưởng dữ liệu cao và số lượng dữ liệu cần khai thác lớn, nhưng thị trường dữ liệu ở Việt Nam hiện chủ yếu do các công ty nước ngoài nắm giữ, chiếm khoảng 70-80% thị phần. Các công ty nội địa của Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT, CMC, FSI,… và một số doanh nghiệp công nghệ khác chỉ chiếm 20% thị phần còn lại.
Các giải pháp xử lý các dữ liệu thông tin của nước ngoài thường có chi phí lớn và chưa thực sự tối ưu với các bài toán dữ liệu đặc thù của Việt Nam, đồng thời các vấn đề về bảo mật thông tin cũng đặt ra nhiều bài toán lớn cho nhà nước và các doanh nghiệp công nghệ cùng chung tay giải quyết.
Do đó, Bộ TTTT xác định việc tạo ra dữ liệu và khai thác dữ liệu chính là thay đổi căn bản của chuyển đổi số, với dữ liệu số chính là “nguyên liệu đầu vào” thiết yếu để khởi động quá trình chuyển đổi số toàn diện của mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Quan trọng hơn là nguồn dữ liệu sẽ nằm tại Việt Nam.
Về phía doanh nghiệp, bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp công nghệ Việt là cần làm chủ công nghệ, đẩy nhanh công tác nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, giải pháp mới, các giải pháp Make in Vietnam để có thể tiếp cận và khai thác hiệu quả nguồn dữ liệu của chính quốc gia mình.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương hiện còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Nguồn dữ liệu nhiều nhưng việc thu thập, lưu trữ, phân tích dữ liệu khai thác và chia sẻ sử dụng chung các nguồn dữ liệu có giá trị đã thu thập được chưa hiệu quả, dẫn đến lãng phí nguồn lực…
Theo Cục Chuyển đổi số, về dữ liệu số, thời gian gần đây ghi nhận sự chia sẻ tích cực thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) do Bộ TTTT quản lý. Trung bình hàng ngày có khoảng 1,4 triệu giao dịch thực hiện thông qua NDXP. Quan trọng nhất là các CSDL về dân cư đã kết nối chính thức với 15 đơn vị bộ, ngành, 1 doanh nghiệp Nhà nước là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương để phục vụ khai thác thông tin; cán bộ, công chức, viên chức kết nối, đồng bộ dữ liệu với 100% các bộ, ngành, địa phương...
Thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ Chuyển đổi số quốc gia và hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10, Bộ TTTT đề nghị các đơn vị đẩy mạnh triển khai kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu hai chiều với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hoàn thiện các chức năng của hệ thống về dữ liệu mở, giao diện người dùng, tổng hợp, trực quan hoá dữ liệu. Cổng DVC quốc gia cần tiếp tục được nâng cấp, bảo đảm vận hành thông suốt, tránh “tắc nghẽn” trong quá trình tích hợp, cung cấp DVCTT phục vụ người dân và doanh nghiệp. Qua đó, giảm thiểu giấy tờ, thời gian cho người dân và doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội:
Chính quyền luôn là khách hàng lớn và tiên phong trong các dịch vụ chuyển đổi số. Từ đó lan toả đến lĩnh vực kinh tế số, xã hội số. Trên bình diện doanh nghiệp, chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ do có nhiều người dùng là đối tượng trẻ, sau đó dần lan toả đến khối sản xuất.
Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn toàn thông tin:
Chuyển đổi số có nhiều hướng tiếp cận, trong đó có một hướng tiếp cận được nhiều người đồng thuận, đó là “điều hành theo số liệu”. Có nghĩa là các chỉ đạo điều hành, các quyết định được đưa ra dựa trên phân tích số liệu chứ không phải dựa theo cảm tính hoặc các yếu tố tác động khác. Tuy nhiên, để có thể điều hành theo số liệu được thì trước tiên phải có dữ liệu, sau đó là các thao tác xử lý như làm sạch dữ liệu, phân tích dữ liệu sau đó biểu diễn dữ liệu để người sử dụng có thể dễ dàng tiếp cận và khai thác thông tin. An toàn thông tin mạng có vai trò quan trọng với các hệ thống công nghệ thông tin, nhưng với mục tiêu “Năm dữ liệu số Việt Nam” thì việc các hệ thống lưu trữ dữ liệu lớn ngày càng nhiều. Đây cũng là mục tiêu tấn công của kẻ xấu, một khi khai thác được điểm yếu của hệ thống và xâm nhập vào trong hệ thống lưu trữ, chúng có thể truy cập dữ liệu của hàng triệu người.