Theo thống kê, Việt Nam có 168 đại học và 520 trường cao đẳng, trung cấp có đào tạo CNTT và điện tử viễn thông. Mỗi năm, các trường này tuyển sinh khoảng 76.000 sinh viên CNTT, điện tử viễn thông. Đây là ngành kỹ thuật có số lượng chỉ tiêu tuyển sinh lớn nhất cả nước.
“Nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch bán dẫn của Việt Nam chủ yếu tập trung trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Hiện nay, Việt Nam đã dần hình thành cộng đồng doanh nghiệp thiết kế vi mạch, với hơn 30 doanh nghiệp và hơn 5.000 kỹ sư thiết kế, được đánh giá là một trong các cộng đồng lớn của khu vực”, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Cục phó Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông cho biết.
Hiện, các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào lĩnh vực này có Viettel và FPT Semiconductor với khoảng 200 nhân viên. Còn lại, khoảng 50 công ty nước ngoài đến từ Nhật, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc đã đầu tư tại Việt Nam với đội ngũ nhân lực ước tính hơn 5.000 kỹ sư, có thể đảm nhận công việc hầu hết các mảng trong khâu thiết kế. Trong đó, phân bổ nhân lực tập trung nhiều nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh (85%), sau đó là Hà Nội (8%) và Đà Nẵng (7%).
Mới đây, hợp tác vi mạch bán dẫn là điểm nhấn trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam và Mỹ. Theo đó, từ ngày 17/9/2023 đến ngày 23/9/2023, trong chuyến tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính công tác tại Mỹ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng cùng một số tập đoàn công nghệ trong nước đã làm việc và ký các biên bản ghi nhớ hợp tác cùng với một số tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn như Synopsys, Marvell, Qualcomm,... nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Tuyên cho biết, trong giai đoạn tới, chiến lược vi mạch bán dẫn sẽ đề ra các giải pháp nhằm nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, phát huy tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực này.