Khai mạc triển lãm 'Những tấm gương bình dị mà cao quý' lần thứ 6

Ngày 15/5, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khai mạc triển lãm "Những tấm gương bình dị mà cao quý" lần thứ 6 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Đây là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa sâu sắc nhân kỷ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2018) và sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cùng các đại biểu tham quan triển lãm. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Triển lãm trưng bày gần 300 hình ảnh, bài viết khẳng định việc học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ đã được Đảng, Nhà nước ta phát động ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời với phong trào thi đua "Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại!".

Trong các phong trào thi đua đó, hàng ngàn tập thể, cá nhân khắp mọi miền Tổ quốc đã ra sức thi đua trong lao động, sản xuất, chiến đấu, góp phần xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh như Bác Hồ hằng mong muốn.

Thông qua những hình ảnh, bài viết, Ban Tổ chức giới thiệu tới người xem 128 tấm gương điển hình tiên tiến (58 tập thể, 70 cá nhân) được lựa chọn từ gần 300 tấm gương đã được Ban Tuyên giáo các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) và Tổng cục Chính trị (Bộ Công an) giới thiệu và tôn vinh. Mỗi tấm gương là một câu chuyện cảm động, mang  tính nhân văn sâu sắc về những con người bình dị đã vượt lên hoàn cảnh, số phận, dám nghĩ, dám làm, hết lòng, hết sức vì lợi ích của cộng đồng, vì sự bình yên và phồn vinh của đất nước.

Đồng thời, Triển lãm cũng giới thiệu tới người xem các tác phẩm đoạt giải trong hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đợt I (2016-2018)".

Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Vũ Mạnh Hà chia sẻ: Triển lãm "Những tấm gương bình dị mà cao quý" được triển khai trong 6 năm qua là một hoạt động chính trị, văn hóa hết sức có ý nghĩa. Triển lãm không chỉ giới thiệu, tôn vinh những tấm gương “Người tốt, Việc tốt” trên khắp mọi miền đất nước, mà còn góp phần thể hiện sâu sắc hơn về việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, mỗi người có thể tìm ra cho mình phương pháp học tập và làm theo Người thiết thực nhất.

Trong 128 tấm gương điển hình tiên tiến được tôn vinh có anh Hồ Văn Vai, người đảng viên gương mẫu đã hiến tặng gần 290 m2 đất ở của gia đình để xây dựng điểm trường mầm non cho các cháu nhỏ tại bản 2, xã Thuận, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Anh cũng tích cực vận động đồng bào định canh, định cư, không phá rừng làm rẫy, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống cây, con mới có năng suất cao vào sản xuất.


Nhờ vậy, cuộc sống của bà con nơi đây đã thay đổi đáng kể, bộ mặt thôn bản được khởi sắc. Anh cũng thường xuyên đến tận các gia đình có con em đang tuổi trưởng thành để tuyên truyền, vận động, khuyến khích các cháu chăm chỉ học tập, tham gia các phong trào văn hóa lành mạnh do địa phương tổ chức.

Anh Tạ Đình Huy, người được gọi là “Nhà sáng chế chân đất”, “Nhà sáng chế của nông dân” – một trong 17 cá nhân được tôn vinh là nông dân có sáng kiến, sáng chế hay nhất do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bình chọn năm 2015, cũng nằm trong danh sách 128 gương mặt được tôn vinh trong Triển lãm lần này...

Triển lãm mở cửa đón khách tham quan đến cuối tháng 9/2018, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, phố Ngọc Hà, Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội.

Minh Huệ (TTXVN)
Báo chí cần tiếp tục tôn vinh 'Những tấm gương bình dị mà cao quý'
Báo chí cần tiếp tục tôn vinh 'Những tấm gương bình dị mà cao quý'

Tối 8/6, tại Hà Nội, Ban tổ chức đã trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 9 giải Khuyến khích cho các tác giả đoạt giải cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 8.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN