Học và làm theo Bác bằng việc làm thiết thực

Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại tỉnh Tuyên Quang đã dần đi vào nề nếp và có chiều sâu, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động cho mỗi một cán bộ, đảng viên, người dân.


Hiệu quả sâu rộng


Bằng những việc làm, hoạt động cụ thể và thiết thực, phong trào đã tạo được sức lan tỏa rất lớn.


Để triển khai Chỉ thị 03, trong 3 năm qua, Tuyên Quang đã ban hành tới 126 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp tỉnh cũng đã triển khai hướng dẫn, quy định chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được bổ sung vào chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp và chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp; hàng năm thực hiện nghiêm túc việc sơ kết, đánh giá thực hiện.

 

Lớp học mầm non ở thôn Nà Mỏ, thị trấn Na Hang.


Qua kiểm điểm, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã đề ra hơn 4.250 việc còn hạn chế, yếu kém cần tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp để khắc phục, sửa chữa. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, lãnh đạo toàn diện các mặt công tác, đồng thời lựa chọn việc “làm theo” tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm trong 4 lĩnh vực đột phá: Đầu tư phát triển hệ thống giao thông, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển du lịch, phát triển công nghiệp. Nhờ vậy, đến nay toàn tỉnh Tuyên Quang đã bê tông hóa được gần 1.890 km đường giao thông nông thôn, xây dựng được một số vùng sản xuất hoàng hóa tập trung diện tích lớn như: Chè gần 8.300 ha, mía hơn 10.700 ha, cam sành gần 3.000 ha… Cùng với đó, tỉnh Tuyên Quang xây dựng được 504 mô hình “Gánh cơm nuôi trẻ”; 69 mô hình thôn, xóm, tổ dân phố “Năm không” (không có tội phạm, không có tệ nạn xã hội, không mất đoàn kết trong cộng đồng, không có hộ nghèo, không có khiếu kiện trái pháp luật)…

 

Điểm sáng Na Hang


Điểm trường mầm non của thôn Nà Mỏ, thị trấn Na Hang (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) vừa được hoàn thành đưa vào sử dụng, khá khang trang, là công trình của “lòng dân” nơi đây. Chị Triệu Thị Xuyến, người dân thôn Nà Mỏ, tâm sự: “Thôn nằm cách xa trung tâm thị trấn Na Hang, lại chưa có điểm trường mầm non, nên trước đây gia đình nào muốn cho con đi học mẫu giáo phải đến trường trung tâm thị trấn cách nhà hơn chục km, rất vất vả, vì đường đi lại khó khăn. Khi biết chủ trương của thị trấn xây dựng điểm trường mầm non ở thôn Nà Mỏ nhưng gặp khó khăn vì không có đất, gia đình tôi đã bàn bạc và quyết định hiến 300 m2 đất, giúp thôn có đất xây dựng điểm trường mầm non”.


Ông Bàn Tài Ngan, Trưởng thôn Nà Mò, cho biết: Thôn Nà Mỏ có 24 hộ, 100% là đồng bào dân tộc Dao, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 70%. Cuộc sống các hộ dân trong thôn còn rất nhiều khó khăn, nhưng học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và hiểu được lợi ích từ việc phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi, việc xây dựng điểm trường mầm non rất được người dân ủng hộ. Ngoài gia đình chị Xuyến, còn 4 hộ nữa cũng tự nguyện hiến đất để xây điểm trường mầm non của thôn như gia đình ông Bàn Tài Ngan hiến 350 m2, Bàn Đức Quân hiến 300 m2, Triệu Văn Hang hiến 200 m2, Bàn Văn Mán hiến 100 m2...


Ông Hoàng Văn Trình, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Na Hang, cho biết: Nếu các gia đình ở thôn Nà Mỏ không tự nguyện hiến đất thì địa phương không biết bao giờ mới có đất để xây được điểm trường mầm non cho các em, vì quỹ đất dự phòng của xã không còn mà kinh phí để đền bù giải phóng mặt bằng cho các hộ dân lại không có.


Không chỉ ở thị trấn Na Hang, tại các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Tuyên Quang, nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, nhiều hộ gia đình cũng tự nguyện hiến hàng trăm m2 đất để xây dựng điểm trường mầm non của thôn. Điển hình như gia đình ông Trần Tử Bình, thôn Đồng Trò, xã Tứ Quận, (huyện Yên Sơn) tự nguyện hiến hơn 1.000 m2 đất; gia đình anh Bàn Ngọc Bằng, ở thôn Nà Pàu, xã Yên Hoa (huyện Na Hang), là hộ nghèo, đông con nhưng đã hiến 200 m2 đất; gia đình ông Triệu Văn Thanh, ở thôn Pắc Quang, xã Hồng Thái (huyện Na Hang) hiến 300 m2 đất… để xây trường mầm non của thôn.


Với những hành động học tập Bác thiết thực, cụ thể là hiến đất, đóng góp kinh phí (hơn 32 tỷ đồng) của người dân, đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành xây dựng 317 phòng học, 294 nhà vệ sinh cho các lớp mầm non; 100% lớp mầm non 5 tuổi có đủ phòng học, đồ chơi, thiết bị dạy học. Tuyên Quang cũng là một trong số ít các tỉnh miền núi đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.


Đồng chí Phạm Minh Huấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Tuyên Quang, cho biết: Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị, thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp; chú trọng công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên; gắn việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh với việc thực hiện phong trào thi đua ở cơ sở. Bên cạnh đó, kịp thời phát hiện, biểu dương gương người tốt, việc tốt và các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để nhân rộng ra toàn tỉnh...

 

Bài và ảnh: Vũ Quang Đán

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN