Tham dự sự kiện có lãnh đạo USIP, đại diện Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Mỹ, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), các quan chức chính quyền, giới nghiên cứu, các nhóm vận động chính sách, tổ chức phi chính phủ, đại diện ngoại giao của Việt Nam, Lào và Campuchia. Đối thoại diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Joe Biden vừa có chuyến thăm Việt Nam, đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, đối thoại tập trung vào các nỗ lực giải quyết hậu quả chiến tranh và tác động với quá trình thúc đẩy quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam. Nội dung đối thoại tập trung vào các chủ đề như: Xây dựng hòa bình ở Đông Nam Á; Công tác tìm kiếm và khắc phục hậu quả chiến tranh; Vấn đề hòa giải thông qua nghệ thuật và văn hóa; Công bố Báo cáo của USIP về chất độc da cam ở Việt Nam; Tọa đàm về lãnh đạo trẻ Mỹ - Việt Nam; Công tác khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng hòa bình ở Campuchia; Những bước tiến và thách thức trong khắc phục hậu quả chiến tranh ở Lào; Các kinh nghiệm và bài học về chương trình hỗ trợ người khuyết tật sau chiến tranh; Các chương trình nghiên cứu về Việt Nam; Ứng dụng công nghệ số trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh.
Phát biểu khai mạc, bà Lise Grande - Chủ tịch USIP - vui mừng chia sẻ về bước phát triển mới, quan trọng của mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững giữa Mỹ và Việt Nam, đồng thời bày tỏ kỳ vọng về đột phá trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh thời gian tới.
Chia sẻ với các đại biểu tại đối thoại, Tiến sĩ Mira Rapp-Hoopper - Trợ lý đặc biệt của Tổng thống Biden kiêm Giám đốc cấp cao về Đông Á - châu Đại Dương của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ - cho rằng quan hệ hai nước đang bước sang trang mới hết sức có ý nghĩa vì mục đích hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững ở khu vực cũng như toàn cầu.
Phát biểu tại hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA), cho biết hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh được đánh giá là nền tảng trong quan hệ Việt Nam - Mỹ, góp phần quan trọng vào quá trình hòa giải, hàn gắn và xây dựng lòng tin giữa hai nước, mở ra những cơ hội hợp tác mới trong những lĩnh vực quan trọng khác. Hàng loạt dự án đã và đang được triển khai, ghi nhận những nỗ lực chung trong hợp tác Việt Nam - Mỹ về khắc phục hậu quả chiến tranh. Trong thời gian tới, để sự giúp đỡ của Mỹ đối với Việt Nam trong khắc phục hậu quả chiến tranh hiệu quả hơn và tương xứng với mối quan hệ hai nước trong thời kỳ mới, hai bên cần xây dựng cơ chế hợp tác một cách ổn định, lâu dài, có hệ thống; Mỹ cần thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong xử lý môi trường, khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học/dioxin tại Việt Nam; tiếp tục triển khai hiệu quả các dự án hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật là nạn nhân của bom mìn và chất độc da cam; Mỹ hỗ trợ xây dựng trung tâm phân tích chất độc dioxin, cơ sở khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, cung cấp thuốc; đẩy mạnh công tác truyền thông về khắc phục hậu quả chiến tranh; tăng cường hoạt động giao lưu giữa nạn nhân chất độc da cam, khuyết tật với bạn bè Mỹ...
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, Tim Rieser, Trợ lý của cựu Thượng nghị sỹ Patrick Laehy, một trong những nhân vật có đóng góp quan trọng của phía Mỹ trong việc thúc đẩy hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, chia sẻ: “Hợp tác trong giải quyết hậu quả chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ là một ví dụ điển hình cho các nước khác. Chưa có nước nào từng là cựu thù mà lại có sự hợp tác như vậy. Trong rất nhiều năm, Việt Nam đã dành nhiều thời gian và nỗ lực giúp chúng tôi tìm kiếm lính Mỹ mất tích trong chiến tranh. Điều đó đã mở ra cánh cửa cho các chương trình khắc phục hậu quả chiến tranh của Mỹ, bắt đầu là Quỹ hỗ trợ nạn nhân chiến tranh Laehy, chương trình mà Thượng nghị sỹ Laehy khởi xướng từ những năm 1980 rồi từ đó mở rộng ra các chương trình ứng phó với vấn đề bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, vốn vẫn đang tiếp tục là một vấn đề lớn ở một số khu vực ở Việt Nam. Mỗi năm chúng tôi hỗ trợ nhiều triệu USD nhằm giải quyết vấn đề bom mìn còn sót lại sau chiến tranh và vấn đề chất độc màu da cam và dioxin. Tôi cho rằng những chương trình này đã đưa hai nước lại gần nhau hơn và tạo nền tảng cho hòa giải và hợp tác, điều đã dẫn tới việc Tổng thống Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký đối tác chiến lược toàn diện ở Hà Nội. Các chương trình giải quyết hậu quả chiến tranh là trung tâm của sự hợp tác sau chiến tranh giữa hai nước”.
Đánh giá về hội thảo, bà Phương Erin Steinhauer, Chủ tịch Hội Việt Nam (Vietnam Sociaty), cho rằng cuộc đối thoại về di sản chiến tranh và hòa bình là cơ hội tuyệt vời để nói về những gì đã xảy ra giữa Việt Nam và Mỹ nhằm giải quyết hậu quả chiến tranh. Rất nhiều tiến bộ đã đạt được. Dư luận rất vui mừng khi Tổng thống Biden ký thỏa thuận nâng cấp quan hệ đối tác với Việt Nam lên một tầm cao mới. Hiện nay, Hội Việt Nam sử dụng nghệ thuật và văn hóa như một cách để gắn kết mọi người lại với nhau thông qua việc người Mỹ thay đổi nhận thức về Việt Nam, từ một đất nước chiến tranh sang một đất nước với di sản 4.000 năm. Điều này cũng có ý nghĩa đối với những người Mỹ gốc Việt muốn kết nối lại và hiểu biết hơn về văn hóa cũng như cội nguồn của họ.
Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, nhưng việc khắc phục hậu quả chiến tranh vẫn là điều mà các bên liên quan đang nỗ lực quan tâm giải quyết, coi đây là động lực để thúc đẩy quan hệ song phương Việt Nam - Mỹ.