Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết, trong suốt 50 năm tồn tại và phát triển, 35 năm triển khai hoạt động tìm kiếm MIA hỗn hợp, được sự quan tâm sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng với sự đồng lòng của lãnh đạo ba Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, với sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương các cấp, VOSMP đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định, VOSMP không thể đạt được kết quả đó nếu không có sự ủng hộ, hợp tác và giúp đỡ của nhân dân, trong đó nhiều người vượt lên trên sự mất mát, đau thương của chính mình, với tấm lòng nhân ái, bao dung, đã hết lòng góp sức vào các hoạt động MIA tại địa phương.
"Chúng ta không viết lại được lịch sử nhưng với thiện chí, nỗ lực, chúng ta đã và đang chung tay xây dựng tương lai tươi sáng cho hai nước. Ngày hôm nay, Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành những người bạn và đối tác toàn diện, đúng như tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập trong bức thư gửi Tổng thống Truman tháng 2 năm 1946.
Chúng ta cùng xây dựng và củng cố quan hệ hợp tác, cùng khắc phục những hậu quả chiến tranh. Đó là cách tốt nhất để hàn gắn vết thương trên đất đai, trên cơ thể và trong tâm hồn và quan trọng hơn, điều đó giúp chúng ta xây dựng lòng tin, cơ sở quan trọng để hai nước chúng ta "mãi mãi là bạn" như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu trong chuyến thăm lịch sử tới Hoa Kỳ vào năm 2015", Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nhấn mạnh.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc bày tỏ tin tưởng, dưới sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao hai bên cùng sự đồng lòng của ba Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an và các đối tác Hoa Kỳ, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan hữu quan và chính quyền địa phương các cấp, sự ủng hộ của nhân dân và cựu chiến binh hai nước, hợp tác MIA hai nước sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhân đạo, góp phần duy trì nền tảng vững chắc, đưa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ lên tầm cao mới.
Chia sẻ tại Lễ kỷ niệm, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc.E Knapper nhấn mạnh, hai nước đều có sự phát triển trong 50 năm qua. Từ một lịch sử xung đột và chia rẽ, hai nước đã trở thành Đối tác toàn diện của nhau. Hoa Kỳ nỗ lực ủng hộ một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng, độc lập và tự cường. Tuy nhiên, có được như ngày hôm nay, Đại sứ khẳng định đó là nhờ quan hệ bền bỉ giữa cơ quan hợp tác MIA hai nước, mối quan hệ được thiết lập từ trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ, giúp tạo cơ sở vững chắc để thúc đẩy quan hệ song phương Hoa Kỳ - Việt Nam.
Cách đây 50 năm, chỉ hai tuần sau khi Hiệp định Paris được ký kết ngày 27/1/1973, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thành lập cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích để chủ trì giải quyết vấn đề MIA.
Sau cuộc chiến tranh tại Việt Nam, vấn đề MIA được đặt ra là vấn đề mang tính chất nhân đạo với mong muốn cùng hợp tác giải quyết vấn đề này, tiến tới bình thường hóa quan hệ hai nước. Ngay từ rất sớm, quan chức hai bên đã có các cuộc tiếp xúc, trao đổi, song cách tiếp cận còn khác nhau cùng với bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và nội bộ hai nước khi đó, hợp tác ban đầu giữa hai nước gặp nhiều trở ngại.
Đến 15 năm sau, ngày 25/9/1988, Việt Nam và Hoa Kỳ đạt được thống nhất chung, chính thức tổ chức đợt hoạt động hỗn hợp đầu tiên kéo dài 10 ngày, điều tra 7 vụ MIA tại 6 tỉnh phía Bắc. Đến nay, hai bên đã hoàn tất 150 lượt hoạt động hỗn hợp như vậy. Đợt 151 đang diễn ra khẩn trương, tích cực với mong muốn chung là sớm hồi hương hài cốt những quân nhân Hoa Kỳ mất tích trở về quê nhà.
Sau 35 năm triển khai các hoạt động hỗn hợp, hai nước đã đạt được những thành tựu rất quan trọng như: Tiến hành 160 đợt trao trả hài cốt, góp phần bàn giao 734 trường hợp quân nhân Hoa Kỳ mất tích sau chiến tranh. Trong số 1.973 trường hợp quân nhân Hoa Kỳ mất tích, nay chỉ còn 1.239 trường hợp cần tiếp tục tìm kiếm.
Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu đã dành thời gian tưởng niệm 16 cán bộ Việt Nam và chuyên viên Hoa Kỳ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ MIA vào ngày 7/4/2001.