Khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin tại các 'điểm nóng'

Ngày 19/12, Văn phòng Ban Chỉ đạo khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Văn phòng Ban Chỉ đạo 33) đã tổng kết công tác năm 2017.

Khu vực ô nhiễm chất độc dioxin tại sân bay Biên Hòa. Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN

Tại buổi tổng kết, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam, nên Văn phòng Ban Chỉ đạo 33 sẽ giải thể và chuyển Văn phòng này về Tổng cục Môi trường.

Công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học thời gian tới vẫn còn rất nhiều việc phức tạp, bởi vậy công việc của Văn phòng Ban Chỉ đạo 33 tiếp tục được thực hiện, nhằm tham mưu cho Bộ về công tác đánh giá, kiểm soát môi trường trước, trong và sau khi khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng, năm 2017, Văn phòng Ban Chỉ đạo 33 đã tập trung tư vấn, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin tại các "điểm nóng" về ô nhiễm như sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa, thúc đẩy hợp tác quốc tế đặc biệt là đối với Hoa Kỳ; xác định vùng còn nguy cơ phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin phục vụ xây dựng chính sách đối với nạn nhân chất độc hóa học/dioxin.

Văn phòng đã hỗ trợ Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phối hợp với Công ty BJC Hàn Quốc, nghiên cứu thử nghiệm tẩy độc đất nhiễm dioxin bằng phương pháp vi sinh Hàn Quốc tại sân bay A Sho huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Kết quả thử nghiệm cho thấy công nghệ này mang lại hiệu quả cao và tốn ít chi phí hơn so với dùng các biện pháp khác, phù hợp với mức độ tồn lưu tại sân bay A Sho và các khu vực khác.


Năm 2018, Văn phòng Ban Chỉ đạo 33 sẽ đẩy mạnh công tác đánh giá, giám sát, quan trắc tác hại của dioxin đối với môi trường và con người trước, sau và trong quá trình xử lý dioxin tại các điểm nóng Đà Nẵng, Biên Hòa; tăng cường hợp tác quốc tế về nghiên cứu, đánh giá và xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan nhằm giám sát, giảm thiểu phơi nhiễm dioxin đối với môi trường và con người; phát triển nghiên cứu sức khỏe môi trường đảm bảo an toàn tại các khu vực có nguy cơ phơi nhiễm dioxin; có kế hoạch và biện pháp hạn chế các nguồn phát thải dioxin từ công nghiệp, xử lý rác thải; quan trắc môi trường dioxin và các chất giống dioxin, nâng cao năng lực nghiên cứu và khắc phục hậu quả của dioxin.

Ba nhiệm vụ tiếp tục được Văn phòng Ban Chỉ đạo 33 thực hiện gồm “Khảo sát, đánh giá hiện trạng thông tin, tư liệu, cơ sở dữ liệu đang lưu trữ trong nước liên quan đến chất độc da cam/dioxin”, “Khảo sát, đánh giá hiện trạng công tác truyền thông và hiểu biết của các nhóm đối tượng cộng đồng về các nội dung liên quan chất độc hóa học/dioxin, đề xuất nội dung, giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức”, “Khảo sát, đánh giá hiện trạng ô nhiễm tồn lưu chất độc hóa học/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam trong đất/trầm tích khu vực Bắc Trung Bộ, phục vụ khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường”.

Minh Nguyệt (TTXVN)
Thử nghiệm tẩy độc đất nhiễm dioxin bằng vi sinh tại sân bay A Sho
Thử nghiệm tẩy độc đất nhiễm dioxin bằng vi sinh tại sân bay A Sho

Ngày 13/11, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE), Công ty BJC Hàn Quốc phối hợp với UBND huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế) tổ chức hội thảo về kết quả nghiên cứu thử nghiệm tẩy độc đất nhiễm dioxin bằng phương pháp vi sinh Hàn Quốc tại sân bay A Sho - huyện A Lưới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN