Đạt nhiều bước tiến quan trọng
Báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo cho thấy, thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án 896 năm 2019, đến nay Văn phòng Ban Chỉ đạo 896 và các bộ, ngành, địa phương đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án theo đúng tiến độ đề ra. Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã đạt nhiều bước tiến quan trọng, trong đó đã tham mưu đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và nguồn vốn dự án.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo, năm 2019, Bộ Công an đã tổ chức rà soát, đề xuất điều chỉnh nguồn vốn từ các dự án khác, dự án chưa cấp bách để bố trí khoảng 1.598 tỷ đồng. Phần vốn còn lại của dự án 1.487 tỷ đồng, sẽ được bố trí trong nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025. Đến nay, các khó khăn vướng mắc về bố trí vốn, điều chỉnh chủ trương đầu tư và phương án lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được tháo gỡ. Bộ Công an đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và hoàn thiện thủ tục pháp lý dự án để tổ chức triển khai đảm bảo đúng tiến độ, đạt hiệu quả.
Bộ Công an đã rà soát, bố trí nhân lực tại Công an các cấp, nhất là việc bố trí 10.022 Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã tại 3.139 xã, 287 thị trấn để chuẩn bị phục vụ triển khai và vận hành hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, đến hết tháng 3/2020 có 95% tổng số xã trên toàn quốc triển khai xong số Công an chính quy về xã, 61/63 tỉnh đã hoàn thành 100%, chỉ còn Quảng Ngãi, Nghệ An. Đây là việc làm rất quan trọng để triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, quản lý và làm “sống” các dữ liệu.
Bộ trưởng dẫn chứng, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng về việc điều tra để lập danh sách người nước ngoài và công dân Việt Nam từ nước ngoài nhập cảnh về nước đang cư trú tại địa phương từ ngày 7 - 24/3/2020 phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, chỉ trong 48 giờ, lực lượng Công an đã thống kê, rà soát được ngay, đó chính là nhờ lực lượng ở cơ sở. Nếu không có lực lượng này, không thể thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Khi hoàn thành cơ bản bước đầu Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sẽ tạo thuận lợi và tiết kiệm ngân sách cho nhiều chiến dịch tổng điều tra cơ bản khác, thời gian qua, nhiều cuộc điều tra rất không chính xác vì không có hạ tầng cơ sở để đối chiếu.
“Cơ sở dữ liệu về dân cư tổng hợp rất nhiều dữ liệu khác, là cơ sở dữ liệu gốc quan trọng để triển khai các dữ liệu như hộ tịch, nhà ở, y tế, bảo hiểm, ngân hàng… Chúng tôi xác định dự án Cơ sở dữ liệu về dân cư là dự án công nghệ thông tin lớn, đặc thù, triển khai trên phạm vi toàn quốc và thực hiện trong thời gian ngắn. Đây là thách thức lớn đối với lực lượng Công an, phải huy động tối đa lực lượng mới hoàn thành được mục tiêu về dịch vụ công trực tuyến, hướng tới Chính phủ điện tử. Chính phủ điện tử không phải chỉ liên quan đến các cơ quan nhà nước, mà toàn bộ người dân phải nắm vững và thụ hưởng thì mới thành công”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Phối hợp chia sẻ dữ liệu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Theo Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh, năm 2019, cơ quan này đã hoàn thành các nội dung nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo đặt ra, cũng như nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội và cải cách thủ tục hành chính. Đến nay, cơ bản hoàn thành việc xây dựng dữ liệu của trên 96 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp, trong đó trên 85 triệu dữ liệu của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là tương đối chính xác, bởi đã được thường xuyên đối chiếu, cập nhật trong quá trình thụ hưởng của người dân. Hiện, số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế khoảng 160 triệu lượt/năm, dữ liệu này thường xuyên được cập nhật.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đang thực hiện tốt việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội với các bộ, ngành, địa phương liên quan, trong đó năm 2019 đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia - là một trong những đơn vị được Thủ tướng giao thực hiện xác thực điện tử qua cơ sở dữ liệu của 85 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng phối hợp với Bộ Tư pháp liên thông, chia sẻ dữ liệu cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; phối hợp với Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) chia sẻ dữ liệu liên quan đến tổ chức, cá nhân có thu nhập để đảm bảo việc tham gia bảo hiểm xã hội; chia sẻ dữ liệu hộ gia đình với Bộ Y tế để phục vụ công tác khám, chữa bệnh; chia sẻ dữ liệu với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong thực hiện bảo hiểm thất nghiệp. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, hiện Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc liên thông thủ tục để đảm bảo khi đăng ký kinh doanh, đồng thời sẽ tiến hành cấp ngay mã số bảo hiểm xã hội và quản lý lao động tham gia bảo hiểm xã hội.
Vận hành thử nghiệm vào cuối năm 2020
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, năm 2020 là năm cuối nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV, cũng là năm cuối thực hiện Đề án 896. Trong khi đó, để thực hiện Đề án thành công, vẫn còn 3 nhiệm vụ, nhóm nhiệm vụ rất quan trọng, gồm: Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thu thập, cập nhật thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; ban hành văn bản thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính theo các Nghị quyết của Chính phủ. Phó Thủ tướng đề nghị mỗi thành viên Ban Chỉ đạo phải chủ động hơn, quyết liệt hơn, thực hiện nhiệm vụ theo đúng phương châm hành động của Chính phủ để tạo sự bứt phá, hiệu quả đối với các nhiệm vụ được giao.
Chỉ rõ, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có vai trò quyết định trong nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, là cơ sở dữ liệu quan trọng trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới nền kinh tế số, xã hội số, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an cần khẩn trương thực hiện các bước xây dựng Cơ sở dữ liệu này để đưa vào vận hành thử nghiệm cuối năm 2020, sử dụng, khai thác từ năm 2021, tiếp tục hoàn thiện trong giai đoạn 2022-2025. Bộ Công an phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu công dân phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, trước hết là Cổng Dịch vụ công quốc gia, cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh theo quy định.
Đồng thời, Bộ Công an thực hiện nghiêm thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về bố trí vốn, điều chỉnh chủ trương đầu tư và phương án lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ngoài nguồn vốn do Bộ Công an đã chủ động cân đối, nguồn vốn còn lại Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất bố trí vào nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành bám sát tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hoàn thành việc ban hành các văn bản hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành để thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính quy định trong các Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý của bộ, ngành mình. Riêng Bộ Nội vụ, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị quyết đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ trong tháng 4/2020 và ban hành kế hoạch để thực hiện (hiện nay chỉ riêng Bộ Nội vụ chưa hoàn thành nhóm nhiệm vụ này).
Bộ Công an, Bộ Tư pháp tiếp tục triển khai cấp số định danh cá nhân tại các địa phương theo đúng quy định của Luật Căn cước công dân, Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong quá trình nhập dữ liệu công dân, Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và chính quyền các địa phương để bảo đảm thông tin chính xác; đối với các trường hợp thiếu, sai sót thông tin, hai Bộ chỉ đạo cơ quan, đơn vị có liên quan thông tin cho công dân và phối hợp chặt chẽ với công dân trong đính chính, sửa đổi, bổ sung thông tin còn thiếu hoặc chưa chính xác trước khi cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Lưu ý Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội lùi thời hạn khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của Luật Căn cước công dân cho đến khi hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng nhắc nhở các bộ, ngành trong việc xây dựng các cơ sở dữ liệu liên quan để tạo hệ thống dữ liệu quốc gia phong phú, nhưng các dữ liệu này phải được kết nối, chia sẻ chung, không để lãng phí, không tích hợp được.