Cơ quan xây dựng Đề án cũng đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước phải được quản lý, giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết, Đề án này chỉ mang tính chất là khung, sau khi Chính phủ thông qua, các bộ, ngành và các tập đoàn, tổng công ty phải xây dựng từng Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thuộc lĩnh vực mình quản lý.
Gợi ý cho Bộ Tài chính bổ sung, hoàn thiện Đề án, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan này phân tích sâu hơn kết quả của quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thời gian qua để nhận định rõ nhược điểm, các mục tiêu không đạt được để có hướng khắc phục thời gian tới.
Có thể kể đến các vấn đề như: Tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ còn nhiều, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả hoạt động, năng suất lao động, hàm lượng khoa học kỹ thuật, sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước...
Cụ thể, doanh nghiệp nhà nước dẫn dắt cho nền kinh tế thì phải có năng lực quản trị tiên tiến về công nghệ, nhân sự, tài chính, đầu tư và có chiến lược hoạt động, có năng suất lao động cao hơn trước. Bộ Tài chính cũng như các Bộ liên quan tiếp tục đánh giá tính hiệu quả của hành lang pháp lý trong quản lý và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước để vừa bịt kín các “kẽ hở”, vừa tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho doanh nghiệp nhà nước phát triển trong bối cảnh không sử dụng ngân sách nhà nước cho tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: chinhphu.vn |
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ quan tâm tới việc tổ chức thực hiện Đề án nhằm đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả, hiệu lực, phát huy được vai trò của doanh nghiệp nhà nước đối với nền kinh tế. “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước hiện nay, tự các Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện và được đánh giá không đầy đủ.
Tới đây, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được thực hiện theo hệ thống dọc thì việc phân cấp, phân quyền phải thể hiện rõ ràng, gắn kết chặt chẽ với việc xử lý các doanh nghiệp, dự án yếu kém”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt vấn đề.
Bổ sung cho yêu cầu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về xác định rõ những yếu kém của doanh nghiệp nhà nước cần phải được khắc phục, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp dẫn số liệu của Bộ cho biết: Thời gian qua, các doanh nghiệp nhà nước làm được 2 đồng thì “ăn” 1 đồng. Nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước dành tới 90% lợi nhuận để chi trả cho vấn đề lương bổng. Thế nên mục tiêu tăng tỷ suất lợi nhuận trên vốn sở hữu không đạt được.
Không chỉ vậy, có những tập đoàn trước khi cổ phần hóa chỉ có 5 phòng chức năng nhưng sau cổ phần hóa lên tới 15 phòng do cổ phần hóa không thực chất, vốn nhà nước vẫn còn nhiều, ông Doãn Mậu Diệp cho biết.
Vụ trưởng Vụ Tiền lương- Lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Tống Thị Minh cho biết thêm một nghịch lý là nhân sự có chất lượng cao thì bị trả lương thấp, còn lao động trình độ thấp thì lại được trả lương cao. Doanh nghiệp nhà nước có số lượng lao động lớn, lương trung bình của người lao động là 7 triệu đồng/người/tháng, cao hơn mức bình quân của các khối doanh nghiệp khác. Như vậy là doanh nghiệp nhà nước trả lương cho lao động trình độ thấp cao gấp 1,3 lần so với thị trường bên ngoài và trả lương cho lao động trình độ cao thì lại thấp hơn bên ngoài - bà Tống Thị Minh bức xúc nói.
Do đó, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đề nghị Đề án cần đặt ra các mục tiêu cụ thể, định lượng về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong 5 năm tới. Còn bà Tống Thị Minh kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung pháp luật về công chức, viên chức, đổi mới cơ chế giá vốn cho doanh nghiệp nhà nước theo hình thức thuê vốn đi kèm các điều kiện ràng buộc để doanh nghiệp nhà nước tự chủ trong trả lương cho cán bộ, nhân viên.
Đối với vấn đề sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nêu, trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công ích cũng nên để doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh với doanh nghiệp nhà nước. Trong hoạt động công ích mà doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện như chỉnh trang đô thị, cấp nước, nếu có doanh nghiệp tư nhân xin tham gia đầu tư, kinh doanh với kế hoạch kinh doanh bài bản, hiệu quả hơn thì chính quyền phải ủng hộ và doanh nghiệp nhà nước phải “nhường sân” cho doanh nghiệp tư nhân. Cơ chế này thể hiện đúng tinh thần doanh nghiệp nhà nước chỉ tham gia lĩnh vực tư nhân không làm được, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nói.
Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước Lãnh đạo các Bộ như Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Đề án cũng như các văn bản hướng dẫn thực hiện cần làm rõ quy định về xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước để tránh làm mất vốn nhà nước.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn băn khoăn: Chúng ta đang xây dựng một cơ quan quản lý vốn nhà nước, khi cơ quan này hoạt động thì các bộ, ngành, địa phương không còn quản lý lĩnh vực này nhưng Đề án vẫn xây dựng theo hướng phân cấp cho các bộ, ngành địa phương. Ông Hà Công Tuấn cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Để Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện Đề án, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan này bám sát Nghị quyết số 05 của Hội nghị Trung ương 4 về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế liên quan tới các nội dung đổi mới cơ chế kiểm soát viên, kiểm soát nội bộ, phân biệt rõ loại doanh nghiệp giữ 100% vốn nhà nước và cơ chế kiểm soát phù hợp nguồn vốn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.
Ngoài mục tiêu kép tổng quát đã đề cập, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình với các bộ về việc Đề án cần đặt ra các mục tiêu định lượng cụ thể hơn như cổ phần hóa bao nhiêu doanh nghiệp nhà nước, số lượng vốn nhà nước bán ra, tỷ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp tới năm 2020 dự kiến còn bao nhiêu, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu...
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tài chính quán triệt chủ trương “không lạm dụng tái cơ cấu, doanh nghiệp nhà nước nào có khả năng phục hồi mới tái cơ cấu, không thì phải xử lý luôn”.
Về hành lang pháp luật, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ rà soát lại hệ thống pháp luật quy định thể chế, chức năng quản lý nhà nước, đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, hệ thống pháp luật liên quan tới cổ phần hóa, phương thức định giá doanh nghiệp nhà nước, quản trị doanh nghiệp, giám sát nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp nhà nước… để tiếp tục sửa đổi, bổ sung.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Đề án cần làm rõ các giải pháp huy động nguồn lực thị trường tham gia tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; phân công, phân quyền rõ ràng cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, các bộ, địa phương trong quyết định các vấn đề liên quan tới tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nhất là các vấn đề liên quan tới lao động dôi dư, đất đai.