Hướng tới đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước

Ngày 30/3, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với Cục Quản lý tài nguyên nước và các đơn vị liên quan để nghe báo cáo về tình hình xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành. Ảnh: Hồng Giang/TTXVN

Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, triển khai nhiệm vụ này, Cục đã tham mưu với Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các địa phương tiến hành đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 201/2013/NĐ-CP, xác định những nội dung còn bất cập, vướng mắc thực hiện trong thực tế. Những vấn đề phát sinh trong quy định của pháp luật về tài nguyên nước, pháp luật liên quan để xác định nội dung cần sửa đổi, bổ sung.

Kết quả tổng hợp các báo cáo của các Bộ, địa phương và rà soát, đánh giá việc thực thi Nghị định số 201/2013/NĐ-CP cho thấy, cần phải đơn giản hóa một số thủ tục hành chính; bổ sung cụ thể các trường hợp khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển, nước dưới đất phải đăng ký...

Một số nội dung của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP hiện nay không còn phù hợp do sự điều chỉnh của Luật Quy hoạch, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thủy lợi, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và một văn bản quy phạm pháp luật khác gây khó khăn cho việc tìm hiểu, nghiên cứu và áp dụng khi thi hành; chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục chấp thuận sử dụng mặt nước hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh du lịch, giải trí gây khó khăn trong việc quản lý, bảo vệ nguồn nước các hồ chứa ở địa phương...

Để giải quyết những vướng mắc, tồn tại nêu trên, Cục Quản lý tài nguyên nước đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP, trong đó: Dự kiến sửa đổi, bổ sung khoảng 27/49 điều; bổ sung 8 điều mới hoàn toàn về nội dung, giữ nguyên 20 điều; đưa các nội dung của Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30/5/2014 quy định việc đăng ký khai thác nước dưới đất, mẫu hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các đơn vị tham dự đã góp ý, bổ sung một số nội dung liên quan đến các yêu cầu về rút ngắn thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia cấp phép trong lĩnh vực tài nguyên nước; quy định cụ thể các trường hợp thay đổi, điều chỉnh quy mô công trình cho phù hợp với thẩm quyền cấp phép của Bộ và địa phương; đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho địa phương đặc biệt là Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện thực hiện theo chủ trương của Chính phủ… nhằm tiếp tục hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP.

Thứ trưởng Lê Công Thành đánh giá, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước được Cục Quản lý tài nguyên nước xây dựng tương đối đầy đủ và công phu. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị, Cục Quản lý tài nguyên nước cần chú trọng nội dung sửa đổi đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm tối đa thời gian về cấp phép tài nguyên nước. Đồng thời, Cục Quản lý tài nguyên nước tiếp thu ý kiến của các đơn vị liên quan để nhanh chóng hoàn thiện dự thảo Nghị định sớm trình Bộ để trình Chính phủ phê duyệt, góp phần quản lý hiệu quả tài nguyên nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Diệu Thúy (TTXVN)
Sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, bền vững
Sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, bền vững

Là đồng bằng châu thổ lớn thứ ba trên thế giới, bên cạnh tiềm năng nước ngầm khá dồi dào, Đồng bằng sông Cửu Long còn được thụ hưởng nguồn phù sa và nước ngọt từ phía thượng lưu và tiếp giáp biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN