Họp Tổ công tác liên ngành về việc Việt Nam tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Ngày 1/4, Tổ công tác liên ngành về việc Việt Nam đảm nhận cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức họp định kỳ nhằm tổng kết công tác tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc của Việt Nam trong quý 1/2021; thảo luận phương hướng công tác thời gian tới, trọng tâm là chuẩn bị cho lần thứ 2 Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (tháng 4/2021). Đây là cuộc họp đầu tiên do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang chủ trì trên cương vị Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành.

Chú thích ảnh
Khoảnh khắc công bố kết quả bầu cử  Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020- 2021 đối với đoàn Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các cơ quan thuộc Tổ công tác liên ngành (Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ban Đối ngoại Trung ương) và đại diện một số bộ, ngành hữu quan làm công tác tham mưu, tuyên truyền về đối ngoại (Ban Nội chính Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Bộ Thông tin và Truyền thông) cùng đại diện các đơn vị liên quan của Bộ Ngoại giao.

Tại cuộc họp, sau khi nghe báo cáo của Bộ Ngoại giao và qua thảo luận, các đại biểu thống nhất cho rằng tình hình chính trị-an ninh, kinh tế-xã hội trên thế giới trong quý 1/2021 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường do ảnh hưởng kéo dài của đại dịch COVID-19, xu thế cạnh tranh giữa các nước lớn, nhiều căng thẳng, bất ổn tiếp diễn tại các điểm nóng ở khu vực Trung Đông-Bắc Phi, Đông Phi, Mỹ Latinh, châu Á, đặc biệt là chính biến tại Myanmar đang thu hút nhiều quan tâm, theo dõi của cộng đồng quốc tế.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã điều chỉnh phương pháp làm việc để thích ứng với hoàn cảnh đại dịch, tiếp tục bao quát xử lý khối lượng công việc lớn với tổng số 83 cuộc họp chính thức cấp Đại sứ, 7 cuộc họp không chính thức, thông qua 27 văn kiện liên quan đến tình hình ở tất cả các khu vực và thảo luận nhiều vấn đề, chủ đề như: chống khủng bố, an ninh và khí hậu, tiếp cận vaccine COVID-19, an ninh lương thực.

Các đại biểu cho rằng Việt Nam đã chủ động tham gia, đóng góp và hoàn thành tốt nhiệm vụ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong Quý 1/2021, xử lý các công việc tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc một cách cân bằng và phù hợp, trên cơ sở đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả của Đại hội Đảng lần thứ XIII, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ phát triển, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc và nâng cao vị thế của đất nước, đưa hợp tác của Việt Nam với các nước, đối tác quốc tế đi vào chiều sâu.

Về phương hướng tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thời gian tới, nhất là việc chuẩn bị cho việc Việt Nam lần thứ 2 đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 4/2021, các đại biểu đã trao đổi nhiều biện pháp cụ thể nhằm chuẩn bị cho việc Việt Nam tổ chức 3 sự kiện điểm nhấn gồm: Phiên Thảo luận mở cấp Bộ trưởng trực tuyến về “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn” do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chủ trì vào ngày 8/4; Phiên Thảo luận Cấp cao trực tuyến về “Tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột” dự kiến do Chủ tịch nước chủ trì vào ngày 19/4; Phiên Thảo luận cấp Bộ trưởng về chủ đề “Bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang” do lãnh đạo Bộ Ngoại giao chủ trì vào ngày 27/4.

Đây là các hoạt động đối ngoại đa phương quan trọng diễn ra ngay sau thành công rất tốt đẹp của Đại hội Đảng lần thứ XIII, góp phần cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đảng và triển khai Chỉ thị 25-CT/TW ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bộ, ngành hữu quan và Tổ công tác liên ngành trong việc tham mưu, tổ chức triển khai việc tham gia, đóng góp của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thời gian qua, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ và các mục tiêu, yêu cầu đề ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và các khu vực còn nhiều diễn biến khó lường, phức tạp.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang đề nghị các bộ, ngành hữu quan tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin, thúc đẩy các vấn đề ưu tiên và quan tâm lợi ích của Việt Nam, đồng thời chú trọng công tác nghiên cứu, dự báo và thông tin tuyên truyền để đảm bảo thực hiện thành công nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 4/2021 và các công việc trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ tại Hội đồng Bảo an.

TTXVN/Báo Tin tức
Việt Nam chính thức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
Việt Nam chính thức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Trong tháng 4/2021, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Đây là kỳ Chủ tịch thứ hai, đồng thời cũng là kỳ Chủ tịch cuối cùng của Việt Nam trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ 2020-2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN