Đây cũng chính là nền tảng quan trọng trong tiến trình phát triển quan hệ giữa hai nước. Mặc dù vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, nhưng hai nước trong những năm qua đã không ngừng nỗ lực hợp tác và đạt được nhiều kết quả trong giải quyết hậu quả chiến tranh, trong đó tập trung vào lĩnh vực xử lý bom mìn, tẩy độc chất độc hóa học/dioxin, hỗ trợ người khuyết tật, góp phần hòa giải nỗi đau chiến tranh, xây dựng lòng tin giữa hai nước và biến hai nước từ “cựu thù” trở thành những đối tác hợp tác toàn diện của nhau.
Theo phóng viên TTXVN tại thủ đô Washington, đây là một phần nội dung của Hội thảo “Khắc phục hậu quả chiến tranh: Chặng đường hòa giải và hợp tác tương lai giữa Việt Nam và Mỹ” do Văn phòng Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về khắc phục hậu quả bom, mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (gọi tắt là Văn phòng 701) phối hợp với Viện Hòa bình Mỹ (USIP) tổ chức tại thủ đô Washington, Mỹ vào ngày 26/3 tại trụ sở của USIP.
Phát biểu tại hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, nhấn mạnh sự tin cậy giữa hai chính phủ Việt Nam và Mỹ đã đem lại mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước như hiện nay, đồng thời cho rằng những gì khó khăn nhất trong quá khứ nay lại trở thành tốt nhất cho hợp tác trong tương lai. Ông cho rằng hai bên nên hướng về tương lai nhiều hơn nữa bởi cả hai nước đã có không ít thời gian để thử thách sự tin tưởng lẫn nhau qua hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh.
Nhân dịp này, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, bày tỏ sự cảm kích và trân trọng đối với sự giúp đỡ của Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, Phó Chủ tịch Ủy ban Chuẩn chi Thượng viện Mỹ, nhằm giảm bớt nỗi đau chiến tranh cho người dân Việt Nam. Ông nhấn mạnh người dân Việt Nam cũng luôn sẵn sàng giúp đỡ các đội hỗn hợp tìm kiếm hài cốt phi công Mỹ mất tích trong cuộc chiến ở Việt Nam.
Tại hội thảo, Thượng nghị sỹ Patrick Leahy đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc triển khai tìm kiếm quân nhân Mỹ bị mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam ngay cả khi Việt Nam đang phải đối mặt với khó khăn, nghèo đói sau cuộc chiến và do lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ. Ông Leahy cũng cho biết trong những năm qua, Mỹ đã giúp Việt Nam trong nhiều dự án rà phá bom, mìn hay những vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh vốn cướp đi sinh mạng của nhiều người dân Việt Nam vô tội, hay các dự án hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam và xử lý những khu vực bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin như khu vực Sân bay Quốc tế Đà Nẵng.
Ông Leahy cũng thông báo Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ ngân sách dành cho người khuyết tật Việt Nam tại các tỉnh bị phun rải chất da cam và cho biết một đoàn nghị sỹ Mỹ, do ông dẫn đầu, sẽ sang thăm Việt Nam vào đầu tháng 4 tới để tham dự Lễ khởi công Dự án Tẩy độc môi trường nhiễm chất độc dioxin tại sân bay Biên Hoà, cũng như dự Lễ ký kết Bản ghi nhớ về triển khai Quỹ hỗ trợ này với Ban Chỉ đạo 701.
Tại ba phiên thảo luận với những chủ đề riêng biệt như “Nền tảng của mối quan hệ Việt Nam-Mỹ sau chiến tranh”, “Hàn gắn vết thương của chiến tranh”, “Chặng đường phía trước: Xây dựng mối quan hệ bền vững”, các bài tham luận của Việt Nam khẳng định khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có hợp tác tìm kiếm quân nhân Mỹ bị mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam (MIA) là nội dung được Đảng, Chính phủ, nhân dân Việt Nam quan tâm hàng đầu trong hợp tác với Mỹ.
Đây là nội dung hợp tác mang tính nhân đạo và là động lực cho những lĩnh vực hợp tác khác trong tương lai, góp phần vào việc xây dựng lòng tin giữa hai quốc gia. Phía Mỹ trân trọng sự giúp đỡ của Việt Nam về việc tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Những hình ảnh, tư liệu phát trên clip tại hội thảo đã nêu bật sự nỗ lực và những vất vả, khó khăn của hai bên trong việc hồi hương các quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam.
Tại hội thảo, những người trong cuộc từ hai phía nói về những khó khăn và thách thức trong quá trình bình thường hóa quan hệ hai nước, trong đó khẳng định khắc phục hậu quả chiến tranh luôn là nền tảng quan trọng trong tiến trình phát triển quan hệ Việt Nam-Mỹ. Hai bên cũng đánh giá cao kết quả hợp tác, cũng như trách nhiệm và nỗ lực hợp tác của Chính phủ Mỹ với Việt Nam trong lĩnh vực này, trong đó có kết quả hợp tác tốt đẹp giữa hai bên trong Dự án xử lý môi trường ô nhiễm chất dioxin tại sân bay Đà Nẵng, cũng như Dự án xử lý môi trường ô nhiễm chất dioxin tại sân bay Biên Hòa.
Đây là những biểu tượng sinh động nhất thể hiện quan hệ giữa hai "cựu thù", nay đã trở thành đối tác hợp tác toàn diện của nhau, góp phần hoà giải nỗi đau chiến tranh và gác lại quá khứ, hướng tới tương lai của hai nước. Các đại biểu Mỹ cũng thấy được những khó khăn và thách thức của Việt Nam trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, đặc biệt ngân sách hỗ trợ và mong muốn Chính phủ và Quốc hội Mỹ tiếp tục cam kết mạnh mẽ hợp trong lĩnh vực này và khẳng định Chính phủ, nhân dân Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ về tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích tại Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Mỹ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ trước hết vì mục đích nhân đạo và xây dựng nền móng cho sự phát triển của hai nước. Trước đây, Việt Nam chỉ tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, làm sạch bom, mìn và làm sạch dioxin. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ nâng lên một mức cao hơn, đó là gắn với vấn đề phát triển, vấn đề môi trường và thậm chí là vấn đề khoa học-công nghệ.
Như vậy, có thể thấy rõ cầu nối giữa quá khứ và tương lai. Ví dụ như đối với vấn đề tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh thì về mặt phát triển, Việt Nam đã làm giảm bớt, khắc phục dần cho tới khi không còn cái gọi là hội chứng chiến tranh nữa. Hội chứng này vô cùng nặng nề, thậm chí hơn cả bom, mìn hay dioxin. Khi bớt được hội chứng này sẽ tạo điều kiện cho thế hệ mới không bị ảnh hưởng bởi hậu quả chiến tranh để xây dựng đất nước.
Còn đối với dự án làm sạch sân bay Đà Nẵng, đây là một vấn đề lớn bởi không chỉ làm sạch dioxin ở một căn cứ cũ của Mỹ mà là 40 ha đất vàng, đất sạch được giao lại cho Đà Nẵng và Bộ Giao thông Vận tải để mở rộng sân bay Đà Nẵng, tạo đà cho Đà Nẵng ngày càng trở thành thành phố đáng sống. Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vinh, đây chính là phát triển.
Ngoài ra, khi làm dự án ở Đà Nẵng, Việt Nam có được bài học kinh nghiệm về xử lý công nghệ, xử lý vấn đề môi trường, một vấn đề nóng của thế giới. Từ dioxin, Việt Nam có thể thấy các vấn đề về chất thải công nghiệp, biến đổi khí hậu và môi trường và tìm cách xử lý. Hiện nay, Việt Nam đang chuẩn bị thực hiện dự án làm sạch sân bay Biên Hòa và nếu như Đà Nẵng chỉ có 40 ha thì Biên Hòa là 1.000 ha. Đây là sân bay rất lớn rất, sôi động trong khu tam giác phát triển Biển Đông. Như vậy, khi làm sạch, có thể đưa 1.000 ha vào phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh.
Hội thảo “Khắc phục hậu quả chiến tranh: Chặng đường hòa giải và hợp tác tương lai giữa Việt Nam và Mỹ”, do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Trưởng Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 701 và Thượng nghị sĩ Mỹ Patrick Leahy, Phó Chủ tịch Ủy ban Chuẩn chi Thượng viện Hoa Kỳ đồng chủ trì, có sự tham gia của Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc, nhiều đại diện các bộ, ngành liên quan của Việt Nam và gần 200 đại biểu từ phía Mỹ là các nghị sĩ, các quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Cơ quan phát triển Quốc tế Mỹ, các tổ chức phi chính phủ và các cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam và các bạn Mỹ có thiện cảm với Việt Nam.