Theo kết quả điều tra, 63/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam đều bị ô nhiễm bom mìn vật nổ sau chiến tranh, với diện tích ô nhiễm gần 61.300 km2, chiếm 18,82% diện tích cả nước (chỉ tính riêng phần diện tích ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên đất liền), khối lượng ô nhiễm khoảng 350-800 ngàn tấn, trong đó Quảng Trị là tỉnh bị ô nhiễm bom mìn nhiều nhất. Với khối lượng khổng lồ như vậy, phải mất nhiều thập kỷ nữa cùng với chi phí lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng mới có thể khắc phục cơ bản sự ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam.
Đoàn Nghị sỹ Quốc hội Hoa Kỳ tham quan công trình xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN |
Hiện có 3 điểm nóng tồn lưu chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh là các sân bay Biên Hòa, Phù Cát và Đà Nẵng. Chất độc hóa học/dioxin tồn lưu tại các điểm nóng có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, môi trường, đồng thời một lượng lớn đất đai không được sử dụng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Vì vậy, việc xử lý các khu vực tồn lưu chất độc hóa học/dioxin là vấn đề cấp bách được đặc biệt quan tâm và cần sớm đầu tư để xử lý triệt để.
Những năm qua, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) về công tác khắc phục, xử lý chất độc hóa học/dioxin. Hai bên đã phối hợp xử lý triệt để khoảng 90.000 m3 đất, bùn nhiễm chất độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng, với tổng mức đầu tư khoảng 100 triệu đô la từ nguốn vốn ODA không hoàn lại của Hoa Kỳ và 60 tỷ đồng Việt Nam từ vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Bên cạnh đó, thực hiện khảo sát, đánh giá môi trường ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa, xác định một số giải pháp cho Dự án tổng thể xử lý dioxin tại Biên Hòa.
Thông qua Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và các cơ quan, tổ chức của Hoa Kỳ đã hỗ trợ vốn, trang thiết bị, tập huấn nâng cao kỹ thuật, đào tạo cán bộ giúp Việt Nam khắc phục triệt để bom mìn, vật nổ sau chiến tranh.
Phía Hoa Kỳ cho biết, từ năm 2003 đến nay đã hỗ trợ Việt Nam 103 triệu USD với hai mục tiêu chính là làm sạch bom mìn nơi có dân cư sinh sống, canh tác; nâng cao năng lực khắc phục bom mìn, quản lý điều hành hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ký bản ghi nhớ với Ban Chỉ đạo 504 Việt Nam về hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam.
Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) đã tiến hành thảo luận, trao đổi để thống nhất về nội dung 9 điểm hợp tác: Hỗ trợ cố vấn kỹ thuật; hỗ trợ xây dựng Trung tâm Cơ sở dữ liệu; quy trình khảo sát kỹ thuật; tập huấn xử lý vật liệu nổ (EOD) trên cạn; tập huấn y tế; rà phá bom mìn dưới nước; xây dựng Trung tâm Huấn luyện; rà phá bom mìn chung; nghiên cứu phát triển.
Từ năm 1988, Việt Nam và Hoa Kỳ phối hợp tiến hành mở rộng các hoạt động tìm kiếm hỗn hợp chung. Đến nay, thông qua hoạt động điều tra hỗn hợp của Việt Nam và Hoa Kỳ, đã có 1.000 hòm hài cốt được trao trả cho Chính phủ Hoa Kỳ, trong đó hơn 700 trường hợp đã được nhận dạng ADN. Bên cạnh đó, hai bên đã hợp tác với Lào, Campuchia tổ chức được 67 đợt tìm kiếm 3 bên, tiến hành phỏng vấn và đưa hơn 200 lượt nhân chứng là các cựu chiến binh Việt Nam sang Lào và Campuchia để giúp xác định, tìm kiếm hiện trường và hài cốt người Mỹ.
Để tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam, hai bên thống nhất trao đổi một số nội dung về khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin, nhanh chóng hoàn thành công trình xử lý môi trường ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin tồn lưu tại sân bay Đà Nẵng; đề nghị Quốc hội và Chính phủ Hoa Kỳ bảo đảm vốn ODA không hoàn lại để khắc phục ô nhiễm môi trường do chất độc hóa học/dioxin tồn lưu sau chiến tranh tại sân bay Biên Hòa, Phù Cát và các điểm nóng khác.
Đồng thời, thực hiện các hoạt động hợp tác để khắc phục hậu quả đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam, giúp họ ổn định cuộc sống và được điều trị về mặt y tế. Cùng với đó, bảo đảm nguồn vốn ODA không hoàn lại và trang thiết bị cho hoạt động khắc phục, xử lý bom mìn, vật nổ và khắc phục các hậu quả do bom mìn, vật nổ gây ra cho con người; tăng cường các hoạt động hợp tác giữa hai bên để sớm hoàn thành các hoạt động tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ mất tích ở Việt Nam và tìm kiếm quân nhân Việt Nam mất tích trong chiến tranh.