Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2011: Những giải pháp trọng tâm điều hành kinh tế cuối năm

Chiều qua (26/9), Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2011. Chủ trì buổi họp báo, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Thời gian từ nay đến cuối năm 2011 không còn nhiều, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải tiếp tục nỗ lực hết sức, quyết liệt, kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và duy trì tăng trưởng hợp lý.

Kiên trì chính sách tiền tệ và tài khóa chặt chẽ

Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, 9 tháng đầu năm 2011, nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu. Đáng chú ý, lạm phát từ tháng 5 đã bắt đầu giảm xuống, CPI tháng 9 tăng 0,82%, là mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm và là tháng thứ 2 liên tiếp dưới 1%. CPI tháng 9 tăng chủ yếu do yếu tố giáo dục do khai giảng năm học mới. Nếu không có yếu tố này thì CPI thấp hơn nhiều, chỉ khoảng 0,3%. Mức nhập siêu của cả năm dự kiến cũng chỉ bằng khoảng 13% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn mục tiêu đã đề ra… Các chỉ số này cho thấy ổn định vĩ mô đã có tín hiệu tích cực. Gần đây, cơ cấu vốn đầu tư cũng đã thay đổi với việc cắt giảm và điều chỉnh vốn đầu tư hợp lý hơn. Các chỉ tiêu về an sinh xã hội cũng được đảm bảo.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng nhận diện nhiều khó khăn mà nền kinh tế đang phải đối mặt: “CPI cả năm có thể lên tới 18% vẫn là mức rất cao. Bên cạnh đó, lãi suất mặc dù giảm nhưng vẫn cao và vẫn rất ít đối tượng vay được ở mức lãi suất dưới 17%, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay… Cùng với đó, tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn. Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế GDP ở mức 6% đòi hỏi nhiều giải pháp quyết liệt”.

Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Chinhphu.vn


Theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô trong thời gian tới sẽ tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hợp lý, trong đó, xác định chống lạm phát phải là ưu tiên số 1. Để chống lạm phát Chính phủ chủ trương kiên trì điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chặt chẽ, giữ mức dư nợ tín dụng không vượt quá giới hạn 20% và tổng phương tiện thanh toán không quá 15 – 16%; tăng dự trữ ngoại hối; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định về thu đổi ngoại tệ và kinh doanh vàng; tiếp tục giám sát chặt chẽ các hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại…

Chính phủ sẽ tiếp tục phải cơ cấu lại đầu tư vào các công trình, tập trung ưu tiên cho phát triển các dự án thúc đẩy sản xuất để đạt được tăng trưởng GDP. “Để phát triển sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng GDP, Chính phủ đang tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, cắt giảm đầu tư công nhưng vẫn thúc đẩy các dòng vốn cho các công trình, dự án có hiệu quả. Chú trọng tập trung vốn đầu tư cho các công trình đang hoàn thiện và có ý nghĩa quan trọng”, ông Vũ Đức Đam khẳng định.

Nhiều giải pháp quyết liệt kiềm chế lạm phát

Để tìm lời giải cho việc lạm phát ở Việt Nam có xu hướng diễn biến cao và kéo dài, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ đã giao 3 đơn vị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước có những báo cáo đánh giá độc lập về nguyên nhân của lạm phát. Từ những báo cáo này, Chính phủ cũng thống nhất nhận định, lạm phát ở nước ta trong thời gian qua so với nhiều nước luôn ở mức cao và kéo dài do nhiều nguyên nhân, bao gồm cầu kéo, chi phí đẩy và một số yếu tố đặc thù tác động làm gia tăng các yếu tố cầu kéo và chi phí đẩy. Nhưng nguyên nhân chủ yếu chính là cầu kéo (tổng mức đầu tư vượt quá tiết kiệm, tín dụng, tổng phương tiện thanh toán tăng nhanh…). Trong khi đó, đầu tư chưa thực sự hiệu quả, nhập siêu tăng cao...

Làm rõ nguyên nhân này, ông Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ sẽ có những giải pháp trước mắt và lâu dài để kiềm chế lạm phát. Trong đó, những giải pháp trước mắt bao gồm việc kiên trì chính sách tài chính chặt chẽ; điều phối lượng tiền tín dụng hợp lý trong cả năm, thực hiện nghiêm túc việc cắt giảm đầu tư công, giảm chi thường xuyên và giảm bội chi ngân sách; đồng thời, củng cố lòng tin của công chúng vào VND bằng việc minh bạch chính sách, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiếp tục lộ trình xóa bỏ tình trạng vàng hóa, đôla hóa, kiểm soát thị trường giá cả, lựa chọn lộ trình thực hiện giá thị trường. Về lâu dài, kiểm soát tổng cầu và kiểm soát cung ứng tiền cho nền kinh tế; thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế mà trọng tâm tập trung vào 3 khâu là tái cấu trúc đầu tư, tái cấu trúc doanh nghiệp và tái cấu trúc hệ thống tài chính, tiền tệ, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng lưu ý, việc lạm phát kéo dài và VND mất giá còn do yếu tố tâm lý và các nguyên nhân khác như tỷ giá. Cụ thể, nếu lãi suất tăng 1% thì chỉ làm lạm phát thực tăng 0,03% nhưng lạm phát tâm lý tăng 1% thì lạm phát thực tăng tới 0,64%. Tỷ giá tăng 1% thì lạm phát tăng 2%...

Cân nhắc bài toán điều hành giá các mặt hàng thiết yếu

Tại cuộc họp báo, báo giới đã đặt nhiều câu hỏi về chủ trương điều hành giá điện, giá xăng dầu. Về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết: Điều hành giá xăng dầu theo chủ trương nhất quán và liên tục từ nhiều năm nay trên cơ sở Nghị định 84/CP về quản lý và kinh doanh xăng dầu. Chính phủ chủ trương công khai hóa hoạt động điều hành giá xăng dầu, việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu và cả kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng cho biết: “Ba đoàn kiểm tra giá xăng dầu không phải sau hội thảo mới đây của Bộ Tài chính mới lập ra mà đã được lập ra khi DN có ý kiến xin trích quỹ bình ổn để hỗ trợ DN. Giá xăng dầu biến động rất bất thường nên Chính phủ rất cân nhắc về điều hành giá xăng dầu và giá các mặt hàng thiết yếu theo các bước và lộ trình phù hợp”. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp cho biết, 3 đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra kinh doanh xuất nhập khẩu và chi phí tính toán giá xăng dầu của doanh nghiệp, sau 2 tuần sẽ có kết quả kiểm tra về vấn đề này.

Về việc giá vàng thế giới có biến động trong những ngày qua và giá vàng trong nước chênh nhiều so với giá vàng thế giới, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến khuyến cáo người dân nên cân nhắc kỹ khi đầu tư vào vàng và NHNN sẽ cân nhắc các giải pháp ổn định giá vàng như cho nhập khẩu vàng.

Thu Hường

Kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội
Kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội

Trong 2 ngày 25 và 26/9, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên họp thường kỳ tháng 9...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN