Thông tin từ Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, tính đến 18 giờ ngày 16/6, Việt Nam có tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch COVID-19 đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 7.250, trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện 81 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác 6.248 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú 921 người.
Ngày 16/6, Việt Nam có thêm 2 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 gồm: BN301 (29 tuổi, nam, quốc tịch Việt Nam; và BN334 (29 tuổi, nam, quốc tịch Việt Nam. Các bệnh nhân đều có sức khoẻ ổn định, không ho, không sốt, không khó thở và sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.
Việt Nam cũng chỉ còn duy nhất 1 bệnh nhân là người nước ngoài đó là bệnh nhân 91 (phi công người Anh) đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Về tình hình bệnh nhân số 91, Tiểu ban Điều trị cho biết, hiện tại, bệnh nhân đã có thể giao tiếp tốt được bằng lời nói, tự ho khạc đờm qua miệng. Chức năng thận của bệnh nhân đã hồi phục, chức năng tim, gan tốt, men tụy bình thường. Bệnh nhân đã ngưng toàn bộ các loại kháng sinh, chỉ còn thuốc kháng nấm, giảm đau, kháng đông dự phòng huyết khối đường uống xarelto. Bệnh nhân tiếp tục được tập vật lý trị liệu 2 lần/ngày; đồng thời, điều chỉnh bù nước điện giải và săn sóc vết loét vùng cụt. Mặc dù có những tiến triển, tuy nhiên, các bác sĩ cho biết, nam phi công vẫn cần nhiều tuần để phục hồi đáp ứng với gắng sức và chức năng vận động, trong quá trình phục hồi có thể bị những đợt nhiễm trùng mới.
Làm tốt hơn nữa truyền thông về vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế
Chiều 16/6 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị sơ kết công tác thông tin, tuyên truyền về phòng chống dịch COVID-19 do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ đầu tháng 2 đến hết tháng 5/2020, các cơ quan báo chí cả nước đã đăng tải 560.000 tin, bài về dịch bệnh COVID-19. Trong đó, tin bài mang tính tích cực chiếm gần 42%, hơn 35% thông tin trung lập và hơn 22% tin bài mang tính tiêu cực. Tính đến hết tháng 5, đã có hơn 10.000 tin, bài về dịch bệnh COVID-19 được phát sóng trên 5 kênh truyền hình thiết yếu quốc gia, trong đó có kênh Truyền hình Thông tấn - VNews. Báo chí đã thể hiện vai trò xung kích, chấp hành đúng các quy định pháp luật và sự chỉ đạo, định hướng thông tin của các cơ quan chức năng, tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, đưa nhiều bằng chứng để khẳng định Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành của Việt Nam đã, đang làm hết sức mình để phòng ngừa, kiểm soát bằng được dịch COVID-19.
Tham luận tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang nêu bật kết quả của đội ngũ các nhà báo, phóng viên thuộc các đơn vị, các tòa soạn báo, kênh truyền hình của TTXVN, các cơ quan thường trú trong và ngoài nước - một trong những lực lượng “xung kích trên mặt trận thông tin chống “giặc COVID-19”. Theo đó, TTXVN đã xây dựng chuyên trang thông tin về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và nhiều chuyên mục như “Giải mã COVID-19”, “Việt Nam ứng phó với dịch COVID-19”, “Hiểu đúng về cách ly toàn xã hội”; hay “Nhật ký COVID-19”… Các sản phẩm thông tin này được đăng phát trên nhiều nền tảng, và được nhiều cơ quan báo chí trong và ngoài nước, các địa phương, các ngành tái sử dụng và công chúng đón nhận. Trong suốt quá trình đó, TTXVN còn là cơ quan đi đầu về đấu tranh với tin giả.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sự đóng góp to lớn, trực tiếp, nhiều mặt của các cơ quan truyền thông, báo chí của nước nhà đã góp phần quan trọng vào chiến thắng trong công tác phòng, chống COVID-19, một đại dịch toàn cầu hơn 100 năm mới xuất hiện một lần.
Thủ tướng cho rằng, trong mọi cuộc cách mạng, vai trò của truyền thông thông tin có ý nghĩa rất quan trọng. Bày tỏ sự vui mừng được gặp gỡ các cán bộ tuyên giáo, thông tin, các nhà văn, nghệ sỹ, phóng viên, biên tập viên tại hội nghị, Thủ tướng cho rằng đây là một lực lượng với nhiều "quân binh chủng" mạnh và có vai trò hết sức quan trọng trong chiến dịch phòng, chống COVID-19.
Đề cập đến việc tổng kết, rút kinh nghiệm toàn bộ chiến dịch phòng chống COVID-19, Thủ tướng nhấn mạnh tới những quyết sách quan trọng như: "Chống dịch như chống giặc", "thà hy sinh quyền lợi kinh tế trong ngắn hạn để đảm bảo sức khỏe của nhân dân"; "cách ly tập trung", sử dụng doanh trại quân đội nhân Việt Nam mà trước hết các trường học, các trường quân sự của tỉnh, của quân khu; "khóa chặt từ bên ngoài, tích cực chữa trị bên trong"'; "dập dịch tích cực"; "đi từng ngõ gõ, từng nhà"; "thần tốc, thần tốc, hơn nữa"; "giặc đến nhà đàn bà cũng phải đánh" để nâng cao vai trò chị em phụ nữ trong phòng chống dịch bệnh...
Tại hội nghị, Thủ tướng cũng đánh giá cao sự chủ động, công tác phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong vận động nhân dân thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch; vận động tổ chức, cá nhân đóng góp tới 2.000 tỷ đồng giúp nhà nước giảm gánh nặng ngân sách trong công tác này.
Thủ tướng nhắc đến hai kết quả quan trọng: Số người nhiễm trên bình quân số dân ở Việt Nam là thấp nhất và chi phí cho công việc này là thấp nhất. Đặc biệt, "điều thần kỳ" và may mắn là không có người nào tử vong vì COVID-19 trên đất nước Việt Nam.
Nhắc đến bệnh nhân là phi công người Anh được hàng chục người dân Việt Nam bày tỏ mong muốn tình nguyện hiến phổi để chữa trị và việc bố trí máy bay chở các lưu học sinh và kiều bào từ nước ngoài về nước vừa qua, Thủ tướng nhấn mạnh đến văn hóa của người Việt Nam, tình cảm và truyền thống của dân tộc Việt Nam "lá lành đùm lá rách", nhân văn, nhân ái... Thủ tướng cũng nhắc tới những hình ảnh các cụ già, em nhỏ, người nông dân trong điều kiện vô cùng khó khăn nhưng vẫn tình nguyện đóng góp tài sản, vật chất cho công tác phòng, chống dịch... Những hành động, theo Thủ tướng, cũng đã được xuất hiện trên nhiều bài báo trong nước và quốc tế và đem lại hiệu quả rất tốt trong xã hội.
Thủ tướng khẳng định, toàn hệ thống chính trị đã quán triệt, tổ chức triển khai nghiêm túc và hiệu quả các văn bản của Đảng, Nhà nước về thông tin truyền thông đến nhân dân, tạo đồng thuận xã hội, nâng cao nhận thức, sự chủ động của nhân dân, khơi dậy tinh thần yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc để chiến thắng dịch bệnh. Công tác chỉ đạo định hướng thông tin kịp thời, bám sát diễn biến của tình hình dịch bệnh; đảm bảo kỷ luật thông tin.
Đặc biệt, Thủ tướng cũng đánh giá cao các thông tin, hình ảnh ấn tượng về sự nỗ lực, tận tụy của "những chiến sĩ áo trắng", lực lượng quân đội, công an trong "cuộc chiến" chống COVID-19 được các cơ quan báo chí đăng tải. Thủ tướng cũng cảm ơn các tầng lớp nhân dân, các nhân viên y tế, cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, các văn, nghệ sỹ và đội ngũ phóng viên các cơ quan báo chí đã đồng lòng nhất trí dưới sự lãnh đạo của Đảng; quyết tâm phòng, chống dịch bệnh.
Phân tích những nguyên nhân làm nên chiến thắng này, Thủ tướng khẳng định, đầu tiên là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng ta. Cùng với đó là tinh thần yêu nước, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng; sự ưu việt của chế độ, "một tinh thần Việt Nam, văn hóa Việt Nam"
Với thành công trong công tác phòng, chống COVID-19, Thủ tướng cho biết, Việt Nam là một trong số ít các nước đang trong tiến trình "bình thường mới" cuộc sống sớm nhất. Đây là niềm tự hào đối với đất nước ta được thế giới ghi nhận.
Nhấn mạnh việc thực hiện mục tiêu kép trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ trình Quốc hội các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm, quyết tâm đạt cao nhất các mục tiêu đề ra. Do đó, nhiệm vụ của công tác truyền thông là tiếp tục để người dân không chủ quan với bệnh dịch, đồng thời phấn đấu thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu cần làm tốt hơn nữa công tác thông tin - truyền thông trong mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế. Do đó, các cơ quan báo chí phải tập trung tôn vinh, thúc đẩy những tấm gương vượt khó, phát triển kinh tế; nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt… góp phần đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch. Truyền thông cần góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đóng góp vào nỗ lực giải quyết các khó khăn vướng mắc, đề xuất các kiến nghị của người dân và cộng đồng doanh nghiệp… Đi liền với đó, là thúc đẩy nhu cầu nội địa; du lịch nội địa. Phải truyền thông bằng các loại hình nghệ thuật, bằng nhiều thứ tiếng khác nhau; chủ động làm tốt thông tin đối ngoại về Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam; tham gia tích cực góp phần vào thành công của đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Vì sao doanh nghiệp chưa tiếp cận được gói tín dụng 16.000 tỷ đồng?
Để hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn về tài chính trả lương cho lao động ngừng việc do ảnh hưởng của COVID-19, một gói tín dụng 16.000 tỷ đồng đã được Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội, với lãi suất 0%/năm. Thế nhưng, sau hơn một tháng triển khai, đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được với gói tín dụng này.
Tại buổi họp báo thông tin hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2020 tổ chức ở TP Hồ Chí Minh ngày 16/6, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc tích cực để triển khai gói tín dụng này, ban hành hàng lang pháp lý rõ ràng và cũng chuẩn bị sẵn nguồn tiền để Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo báo cáo của các tỉnh, thành gửi về, đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được gói tín dụng này.
Gói tín dụng 16.000 tỷ đồng được triển khai dựa trên Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Điều kiện để người sử dụng lao động tiếp cận gói tín dụng này là có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 30/6/2020.
Đồng thời, người sử dụng lao động đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả cho người lao động ngừng việc. Không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/2019.
“Mục đích của gói tín dụng này tung ra là để hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân người lao động lành nghề, có năng lực trình độ… sau thời gian phải ngưng việc do ảnh hưởng của COVID-19. Chỉ những doanh nghiệp có khả năng phục hồi sau dịch, có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể, có kế hoạch và cam kết trả nợ đầy đủ, đúng hạn thì mới tiếp cận được gói tín dụng 16.000 tỷ đồng. Trên thực tế, đây là những điều kiện khó khăn nên doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được”, ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Để tháo gỡ khó khăn này, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh các tiêu chí để doanh nghiệp sớm tiếp cận được với gói tín dụng này.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 05/2020/TT-NHNN ngày 07/05/2020 để cụ thể hóa Nghị quyết 42 và Quyết định 15 trong việc hướng dẫn cho vay tái cấp vốn, lãi suất 0% số tiền 16.000 tỷ đồng để Ngân hàng Chính sách xã hội cho người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính vay với lãi suất 0% trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch.
Hiện gói tín dụng 16.000 tỷ đồng đã được Ngân hàng Nhà nước chuyển đủ cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo quy định, việc giải ngân của Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ được thực hiện đến hết ngày 31/7/2020. Trường hợp đến thời điểm này vẫn chưa giải ngân hết thì chậm nhất đến 15/8/2020, Ngân hàng Chính sách xã hội phải trả Ngân hàng Nhà nước số tiền không giải ngân hết theo thứ tự từ Khế ước nhận nợ còn dư nợ được ký sớm nhất trong 5 ngày làm việc đầu tháng tiếp theo.
Đưa 343 công dân Việt Nam từ Canada về nước
Trong hai ngày 15 - 16/6, các cơ quan chức năng Việt Nam, các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Canada và Vietnam Airlines đã phối hợp với các cơ quan chức năng Canada đưa 343 công dân Việt Nam từ Toronto trở về nước an toàn. Hành khách trên chuyến bay bao gồm trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, người ốm đau, người đi du lịch bị kẹt lại và du học sinh bị ốm, bị bệnh hoặc không có nơi lưu trú do ký túc xá đóng cửa. Đại sứ quán Việt Nam tại Ottawa đã cử người đến thăm một số cháu bị bệnh nặng từ trước chuyến bay và cử cán bộ tới Toronto trực tiếp hỗ trợ công dân tại sân bay. Trước đó, Đại sứ quán đã làm việc với Bộ Ngoại giao và các cơ quan hữu quan Canada để đảm bảo chuyến bay diễn ra an toàn, thuận lợi.
Với mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho công dân, ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, hãng hàng không đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp về an ninh, an toàn và vệ sinh dịch tễ trong suốt chuyến bay. Ngay sau khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài, những người tham gia chuyến bay đã được giám sát y tế và cách ly tập trung theo đúng quy định.
Trong thời gian tới, trên tinh thần bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở các nước rà soát và tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nước trên cơ sở nguyện vọng của công dân, diễn biến thực tế của dịch bệnh trong và ngoài nước, bảo đảm cân đối chung và phù hợp với năng lực cách ly của các địa phương.