Ngày 21/4, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) tổ chức Hội thảo khu vực về thúc đẩy dịch vụ xã hội cho phụ nữ di cư. Đây là hoạt động bên lề của Lễ thành lập mạng lưới doanh nghiệp nữ ASEAN (AWEN).
Hội nghị nhằm hướng tới hiện thực tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về Phúc lợi xã hội và Phát triển liên quan đến các quyền của phụ nữ và trẻ em ASEAN trong đó có phụ nữ di cư, xác định thực trạng, nguy cơ, thách thức của phụ nữ di cư và các dịch vụ xã hội cho phụ nữ di cư; chia sẻ và thảo luận các điển hình tốt trong thúc đẩy các dịch vụ xã hội cho phụ nữ di cư; xây dựng mạng lưới kết nối tăng cường các dịch vụ xã hội cho phụ nữ di cư ASEAN.
Theo Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa, Chính phủ Việt Nam luôn chú trọng đến việc bảo vệ quyền lợi và các dịch vụ xã hội cho người di cư, đặc biệt là di cư đi nước ngoài; tích cực hợp tác với chính phủ các nước nhận lao động để bảo vệ quyền lợi của lao động Việt Nam làm việc ở các nước này.
Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: TTXVN
|
Ngoài ra, Việt Nam cũng là thành viên tích cực của Ủy ban ASEAN về thực hiện Tuyên bố ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư; tích cực cùng các nước ASEAN tham gia vào việc soạn thảo Văn kiện ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư, trong đó có phụ nữ. Luật Quốc tịch cũng đã được sửa đổi nhằm hỗ trợ, bảo đảm quyền lợi về quốc tịch và công dân cho phụ nữ lấy chồng nước ngoài, tăng cường thông tin và truyền thông nhằm nâng cao hiểu biết, phòng tránh rủi ro liên quan cho người di cư trong nước và nước ngoài.
Hội nghị nhận định di cư trong nước và quốc tế đang là hiện tượng khá phổ biến đối với nhiều quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Thông qua di cư quốc tế, người dân giữa các quốc gia được trao đổi, giao lưu văn hóa, hiểu rõ phong tục tập quán của các nước.
Hoạt động di cư đã mang đến nhiều lợi thế cho quá trình phát triển cũng như mang lại các kiến thức, kỹ năng, thu nhập và nhiều lợi ích khác nhau cho người di cư. Tuy nhiên, hoạt động di cư cũng có những mặt trái, thách thức, rủi ro lớn cho người di cư nếu không được quản lý tốt, bao gồm tình trạng không có quốc tịch, nguy cơ bị buôn bán người, bị bóc lột, xâm hại...
Với hai phiên làm việc, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm về các thách thức, thực tiễn tốt cũng như các giải pháp nhằm thúc đẩy dịch vụ xã hội cho phụ nữ di cư; tăng cường mạng lưới hợp tác và các quan hệ đối tác giữa Ủy ban Phụ nữ ASEAN, mạng lưới doanh nhân nữ ASEAN, UNHCR và các bên liên quan nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi của phụ nữ di cư trong khu vực.
Phúc Hằng