Người lao động di cư vẫn chịu nhiều thiệt thòi

Việc thực thi pháp luật về quyền của người lao động di cư mặc dù đã được các cơ quan liên quan triển khai, nhưng có nhiều quyền lợi chính đáng của họ vẫn chưa được đảm bảo.


Nhiều thiếu thốn


Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang thu hút hàng triệu lao động di cư từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung đến làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài các khu công nghiệp. Theo thống kê của cơ quan chức năng, số lao động di cư này chủ yếu là người trẻ, phần lớn chưa lập gia đình và tỷ lệ nữ nhiều hơn nam giới.

 

Nhiều công nhân nhập cư phải thuê nhà trọ để ở nhưng không đảm bảo điều kiện vệ sinh, môi trường. Hoàng Tuyết


Điều tra của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Khoa học Huế tiến hành tại tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương cho thấy, phần lớn lao động di cư đều thiếu chỗ ở, điều kiện và môi trường sống không đảm bảo. Hầu hết người lao động di cư phải ở nhà thuê. Trung bình một phòng trọ có diện tích từ 8 - 12 m2, bao gồm cả công trình phụ, dành cho từ 1 đến 4 người ở.


Bên cạnh đó, người lao động di cư phải sử dụng điện với giá cao, khoảng 3.000 đồng/kWh. Theo điều tra, với mức giá điện quá cao như vậy, nếu người lao động sử dụng các thiết bị gia dụng như tủ lạnh, máy giặt hay bàn là, thì chi phí tiền điện mỗi tháng sẽ rất cao. Do đó phần lớn công nhân thuê trọ không dám sử dụng những thiết bị điện tử gia dụng như tủ lạnh, máy giặt…


Bên cạnh những thiếu thốn về vật chất, người lao động di cư hầu như cũng không được hưởng thụ về đời sống tinh thần, các hoạt động vui chơi, giải trí. Những công nhân được nhóm nghiên cứu trường Đại học Khoa học Huế tiếp cận phỏng vấn đều cho biết, phương tiện giải trí hằng ngày chủ yếu là xem ti vi. Việc đọc sách báo và thưởng thức các chương trình giải trí khác hầu như không có. Nguyên nhân là do phần lớn thời gian người lao động làm việc tại xí nghiệp, khi trở về khu trọ chỉ đi chợ, nấu nướng, ăn tối sau đó nghỉ ngơi để chuẩn bị ngày hôm sau đi làm.


Ngoài ra, qua điều tra tại 5 doanh nghiệp có số lượng lao động lớn ở Đồng Nai và Bình Dương thì chỉ có hai doanh nghiệp có xây trường học cho con công nhân. Do đó, phần lớn người lao động phải đi gửi con ở những cơ sở giữ trẻ tư nhân bên ngoài.


Phát huy vai trò công đoàn


Tiến sĩ Lê Thị Kim Lan, điều phối viên Quỹ Rosa Luxemburg (Cộng hòa Liên bang Đức) tại Việt Nam cho rằng, để thực thi tốt quyền của người lao động di cư làm việc tại các khu công nghiệp, thì vai trò của tổ chức công đoàn từ cấp tỉnh đến cơ sở phải được phát huy mạnh mẽ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Thị Định (trường Đại học Khoa học Huế) khẳng định tầm quan trọng của tổ chức công đoàn trong việc thúc đẩy thực thi và bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động trong các doanh nghiệp FDI. Tiến sĩ Định cho rằng, cần tăng cường cán bộ công đoàn chuyên trách tại doanh nghiệp để tăng tính độc lập của tổ chức này.


Trong các doanh nghiệp đều đã có tổ chức công đoàn cơ sở. Tuy nhiên, những tổ chức công đoàn này do doanh nghiệp lập ra và người làm công tác công đoàn do giới chủ trả lương, dẫn đến tình trạng một phần quyền của tổ chức công đoàn không thể thực hiện được. “Để tổ chức công đoàn thực thi các quyền của mình nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động cần phải có lực lượng cán bộ công đoàn chuyên trách tại các doanh nghiệp nhưng không hưởng lương của doanh nghiệp”, TS Kim Lan chia sẻ.


Chứng minh cho điều này, chị Lương Thị Thành, cán bộ công đoàn chuyên trách ở Công ty Shung Huyn Vina (tỉnh Bình Dương), cho biết: “Với vai trò là cán bộ công đoàn chuyên trách, chị không hưởng lương từ doanh nghiệp mà hưởng lương từ cơ quan chủ quản là công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương. Chính vì không hưởng lương từ giới chủ doanh nghiệp, nên thời gian qua, tôi đã mạnh dạn đấu tranh để giành lại nhiều quyền lợi chính đáng cho các đoàn viên công đoàn trong doanh nghiệp”.


Chị Thành dẫn chứng, một số trường hợp nữ công nhân đến thời kỳ thai sản nhưng doanh nghiệp không giải quyết đúng luật, đúng chế độ đã được chị đấu tranh yêu cầu giới chủ phải thực hiện đúng quy định. Nhiều vụ khiếu nại cũng đã được công đoàn đứng ra thay mặt đoàn viên đấu tranh với chủ doanh nghiệp để buộc họ thực hiện đúng cam kết và quy định của pháp luật về lao động của Việt Nam. Chính vì có sự vào cuộc kịp thời của tổ chức công đoàn mà nhiều năm nay doanh nghiệp không xảy ra đình công hay lãn công.


Để bảo vệ quyền lợi của người lao động di cư, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết: “Trong Luật Lao động sửa đổi, chúng tôi coi công đoàn làm trụ cột; trong đó, chú trọng hoạt động tổ chức đối thoại tại nơi làm việc do công đoàn chủ trì; đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để hỗ trợ người lao động trong các khu công nghiệp, nhà máy bằng các chính sách như nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra và xử lý. Chúng tôi đang yêu cầu thanh tra chuyên ngành của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải vào cuộc, mở rộng đối tượng và phải xử lý đúng chế tài”.


Ông Đặng Quang Điều, Trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động) cũng cho rằng: “Trách nhiệm của công đoàn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của lao động di cư rất quan trọng, nhất là nhu cầu lao động di cư như ăn, ở, đi lại, học hành. Đặc biệt là vấn đề lương tối thiểu, hiện theo khảo sát, lương tối thiểu chỉ đáp ứng 60 - 70% mức sống lương tối thiểu. Do đó, mục tiêu đến năm 2015, lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu”.


Sỹ Tuyên - Xuân Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN