Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chỉ rõ, cuối năm 1946, trước bối cảnh thực dân Pháp một lần nữa quay trở lại nước ta, khi tình thế hết sức khẩn trương, từ tình hình chiến sự ở Hà Nội và vì chiến lược lâu dài của cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định “Ta trở lại Tân Trào”. Ngày 2/4/1947, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên một lần nữa đón Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban ngành lên lãnh đạo cả nước đấu tranh chống lại thực dân Pháp xâm lược. Khẳng định trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến là quyết định lịch sử, tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuyên Quang - Thủ đô Khu giải phóng trở thành Thủ đô Kháng chiến, trung tâm An toàn khu của Trung ương.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích những nội dung trọng tâm như: Trở lại Tuyên Quang, lãnh đạo toàn quốc kháng chiến, quyết định lịch sử, tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tuyên Quang trong tiến trình Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn quốc đến thắng lợi; Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang phát huy truyền thống quê hương cách mạng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, kỷ niệm 75 năm Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến, chúng ta có thêm niềm tự hào, ý chí quyết tâm mới, vững tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, xây dựng đất nước; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm nhấn mạnh, trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, với vị trí chiến lược, Tuyên Quang là "Thủ đô khu giải phóng", nơi Bác Hồ và Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do.
Trong 9 năm kháng chiến, với truyền thống cách mạng, một lòng, một dạ sắt son theo Đảng, Tuyên Quang và nhân dân các tỉnh vùng căn cứ địa Việt Bắc đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử cao cả là bảo vệ an toàn tuyệt đối Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan đầu não của cách mạng, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Gần 6 năm gắn bó với Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại trong tâm khảm các thế hệ cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc nơi đây những tình cảm hết sức thiêng liêng, sâu nặng.
Tham luận tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đình Phong, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, có nhiều lý do Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn Tuyên Quang làm trung tâm căn cứ địa Việt Bắc, địa bàn dừng chân của các cơ quan đầu não kháng chiến, trong đó phải nói đến cách nhìn và tầm nhìn thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, trong 3 điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa, thì “nhân hòa là quan trọng hơn hết”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao yếu tố nhân hòa của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang, nhân hòa không chỉ bó hẹp trong lực lượng quân đội và nhân dân tỉnh Tuyên Quang mà chính từ chọn địa lợi Tuyên Quang mà lan tỏa sức mạnh nhân hòa ra cả nước.
Tuyên Quang là trung tâm căn cứ địa của Việt Bắc, là địa bàn hoạt động, đứng chân đại bản doanh của Trung ương Đảng, Chính phủ và các cơ quan Trung ương. Từ An toàn khu Thái Nguyên thời kỳ cách mạng đến An toàn khu Tuyên Quang thời kỳ kháng chiến tạo nên cụm từ “Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”
Từ Tuyên Quang phát nguồn tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nơi tỏa ra ánh sáng của đường lối và chiến lược đưa cuộc kháng chiến thắng lại hoàn toàn, giành lại thống nhất và độc lập hoàn toàn, lãnh đạo toàn dân thực hiện dân chủ mới, xây dựng điều kiện để tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây được coi là động lực quan trọng để tỉnh vượt qua khó khăn, thử thách, phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cùng với đó, để thực hiện khát vọng xây dựng Tuyên Quang ngày một đổi mới, phát triển và hội nhập, trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía bắc, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Tuyên Quang sẽ xác định 15 chỉ tiêu chủ yếu để tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên 8%, GDP bình quân đầu người đạt 64 triệu đồng; giá trị sản xuất tăng 14%; thu hút trên 3 triệu lượt khách du lịch; phấn đấu có thêm 38 đơn vị cấp xã và 01 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thu ngân sách nhà nước đạt trên 5.000 tỷ đồng...
44 tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các bộ, ban, ngành Trung ương, tỉnh bạn gửi đến hội thảo, trong đó có 8 tham luận trình bày trực tiếp tại hội thảo. Các tham luận chủ yếu tập trung phân tích, luận giải sâu sắc về tầm vóc lịch sử của sự kiện Bác Hồ quay trở lại Tuyên Quang lãnh đạo kháng chiến. Đồng thời, nêu bật vai trò của các địa phương như Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng...trong đóng góp về nhân lực, vật lực, xây dựng địa bàn đứng chân của các cơ quan đầu não kháng chiến, tạo nên bức tường thành vững chắc nhất của thế trận lòng dân, chiếc áo giáp thần kỳ bảo vệ tuyệt đối an toàn Bác Hồ và Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến, kiến quốc đến thắng lợi.
Phát biểu kết luận, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, hội thảo đã khẳng định được giá trị, tầm vóc lịch sử của sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng trở lại Tuyên Quang lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo xây dựng nơi đây trở thành “Thủ đô kháng chiến”, căn cứ địa cách mạng vững chắc về mọi mặt. Tuyên Quang đã in dấu ấn đậm nét trong những chủ trương, quyết sách lớn của Bác Hồ, của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan đầu não kháng chiến; hiện thực hóa thắng lợi đường lối kháng chiến, nghệ thuật quân sự và chiến tranh nhân dân Việt Nam, thể hiện sức mạnh ý chí và con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh; tình cảm, sự quan tâm sâu sắc của của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, rộng hơn là khu căn cứ địa Việt Bắc và tình cảm của nhân dân các địa phương đối với Bác Hồ.