Không để Việt Nam thành thị trường dễ dãi
Tại phiên chất vấn, các đại biểu đặt nhiều câu hỏi với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về các vấn đề làm thế nào để Việt Nam có thể tự chủ kinh tế khi hội nhập, giải pháp nào để bảo vệ người tiêu dùng và thị trường trong nước khi Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Võ Trọng Kim chất vấn Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Phạm Kiên /TTXVN |
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, công việc chính và nặng nề nhất sau khi ký các hiệp định thương mại tự do là xây dựng chiến lược để khai thác, tận dụng tối đa các cơ hội mà các hiệp định đem lại, bảo hộ doanh nghiệp trong nước, bảo vệ thị trường và người tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, chúng ta lại đang đang chứng kiến “một hiệu ứng nghịch đáng báo động” là xuất khẩu phụ thuộc quá nhiều vào FDI, thị trường nói chung và thị trường bán lẻ nói riêng đang bị nước ngoài thâu tóm mạnh mẽ. Một số chính sách thuế khuyến khích nhập khẩu làm tổn thương các ngành chế tạo, gia công. Việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ bị xao lãng nhiều năm…
Đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) cũng chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có giải pháp gì để bảo vệ sản phẩm trong nước như ô tô, nông sản…
Trả lời các câu hỏi này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn nhìn nhận, vừa qua hàng rào kỹ thuật còn kém nên khiến có doanh nghiệp thua thiệt trên sân nhà. Thủ tướng nêu lên một thực tế, ở Mỹ khi họ nhập con tôm vào thì họ yêu cầu rất nhiều, trong khi chúng ta lại đang quá dễ dàng.
“Chúng ta đừng biến Việt Nam thành thị trường tiêu thụ dễ dàng cho các nước. Hàng rào kỹ thuật và luật pháp phù hợp sẽ bảo vệ sản xuất trong nước, tiêu thụ hàng hóa trong nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng cho biết, khi ký các hiệp định thương mại tự do thì chúng ta phải có biện pháp bảo vệ người tiêu dùng nội địa, mà thời gian qua còn nhiều bất cập từ sản xuất ô tô đến phân bón, thức ăn gia súc và nhiều mặt hàng khác. “Chúng tôi tiếp thu ý kiến này. Cùng với việc thực hiện tốt cuộc vận động Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam chất lượng cao; cùng với chủ trương xây dựng các tập đoàn, các công ty phát triển, có thương hiệu để sản xuất, tiêu thụ hàng mà chúng ta sản xuất. Đây cũng là yêu cầu cấp bách trong quá trình hội nhập”, người đứng đầu Chính phủ cho biết.
Tự chủ trong những lĩnh vực kinh tế quan trọng
Các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội, quản lý vốn của doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp lớn làm ăn thua lỗ… cũng thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) nêu lên một thực tế, việc quản lý đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước, vai trò quản lý của bộ ngành rất hạn chế. “Có lỗ hổng lớn khiến hàng trăm ngàn tỷ đồng tan thành mây khói mà không xác định được trách nhiệm của cá nhân hay tổ chức. Xin Thủ tướng cho biết, giải pháp nào để quản lý đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước và quản lý vốn đầu tư của Nhà nước tại các doanh nghiệp này có hiệu quả”, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh đặt vấn đề.
Trả lời về vấn đề này, Thủ tướng cho biết, chúng ta đã có cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước qua từng thời kỳ. Bây giờ Trung ương đã cho phép thành lập một cơ quan quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để phát huy đồng vốn tốt nhất. Để có thể quản lý tốt vốn nhà nước, Thủ tướng cho rằng, phải tiến hành cổ phần hóa nhưng không để thất thoát vốn nhà nước và có sự giám sát của số đông. Tuy nhiên, không phải cổ phần hóa bằng bất cứ giá nào. Có những tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nắm như các ngân hàng thương mại lớn. Đi liền với đó là công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. Ngay sau kỳ họp Quốc hội này kết thúc sẽ có hội nghị toàn quốc về quản lý doanh nghiệp nhà nước để tìm những biện pháp cụ thể hơn về vấn đề này. Vai trò của Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh cũng sẽ được đặt ra cao hơn trong giai đoạn tới.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) về việc, làm thế nào đề đạt mục tiêu tốc độ phát triển kinh tế trong giai đoạn 2016-2020 là 6,5-5,7%; trong đó năm 2017 là 6,7% trong điều kiện vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và an toàn nợ công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Thủ tướng đánh giá cao câu hỏi này, mặc dù hiện nay đất nước còn có rất nhiều khó khăn nhưng nếu chúng ta không đặt chỉ tiêu cao như vậy thì không thể giải quyết việc làm cho nhân dân. Mục tiêu này đã được Trung ương và Quốc hội thông qua, là thách thức rất lớn cho Chính phủ.
Để thực hiện điều chỉ tiêu này, sẽ có nhiều giải pháp đồng bộ. Chính phủ căn cứ vào các thành tố cấu thành GDP để triển khai các giải pháp, nhất là tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn nữa cho người dân, để người dân hăng hái đầu tư tạo ra sản phẩm xã hội.
Để nền kinh tế giữ vững độc lập tự chủ trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Trước hết là không phụ thuộc vào thị trường, phụ thuộc vào đối tác. Những lĩnh vực lớn của nền kinh tế như tiền tệ, năng lượng, lương thực… phải được đảm bảo để không phụ thuộc vào nền kinh tế nước khác. Tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó phát hiện các thế mạnh của Việt Nam như nông ngiệp, công nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin… để phát triển. Mở rộng thị trường nhưng không phụ thuộc bất cứ thị trường nào”.
Riêng với việc tái cơ cấu nông nghiệp mà nhiều đại biểu đặt ra, Thủ tướng khẳng định, nông nghiệp Việt Nam có thế mạnh mà không phải nước nào cũng có được. Giải pháp đột phá cho vấn đề này được Thủ tướng đưa ra là: Tháo gỡ về hạn điền, có giải pháp về tích tụ ruộng đất, sự dụng công nghệ cao. Thúc đẩy hợp tác xã hoạt động hiệu quả để thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Phát triển thương mại dịch vụ để giải quyết vấn đề đầu ra. Giải quyết tốt hơn nữa vốn cho nông nghiệp; bảo hiểm sản phẩm nông nghiệp.