Ngày 29/5, Hội Nhà báo Việt Nam đã có công văn số 36/CV/HNBVN gửi Ủy ban nhân dân tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk về việc đề nghị bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của hội viên. Công văn ghi rõ, ngày 25/5/2023, Hội Nhà báo Việt Nam nhận được văn bản số 276/CV-BTP-2023 của Chi hội Nhà báo báo Tiền Phong về vụ việc phóng viên bị đe dọa khi tác nghiệp.
Theo công văn của Chi hội Nhà báo Tiền Phong, cuối tháng 4 đến giữa tháng 5/2023, nhà báo Nguyễn Văn Tuấn (bút danh Tuấn Nguyễn), hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, phụ trách Văn phòng đại diện Báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên đi triển khai tuyến bài liên quan đến việc mua bán đất nông nghiệp trái phép trên địa bàn xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) đã bị một số đối tượng không rõ danh tính gọi điện đe dọa, uy hiếp tính mạng của anh và gia đình.
Theo Hội Nhà báo Việt Nam, hành vi đe dọa của các đối tượng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và cuộc sống của phóng viên, tạo tâm lý bất an đối với phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp trên địa bàn.
Để bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của hội viên, Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương có biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe của phóng viên Báo Tiền Phong; đồng thời, tiến hành điều tra, xử lý thích đáng các đối tượng trên theo quy định của pháp luật và thông báo kết quả điều tra, xử lý với Hội Nhà báo Việt Nam (qua Ban Kiểm tra) bằng văn bản.
Theo báo Tiền Phong phản ánh, trong quá trình tác nghiệp viết bài về việc mua bán đất nông nghiệp trái phép để thi công một số tuyến đường giao thông ở Đắk Lắk, nhà báo Tuấn Nguyễn đã liên lạc và làm việc với chính quyền xã Ea Ktur. Sau đó liên tiếp có 2 người đàn ông sử dụng cùng một số điện thoại 0915840755 thay nhau gọi đến số máy của nhà báo Tuấn Nguyễn, dọa giết cả nhà anh nếu anh còn đặt chân xuống đất Cư Kuin… Chi hội Nhà báo báo Tiền Phong đã có văn bản gửi Hội Nhà báo Việt Nam báo cáo sự việc.
Nhà báo Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Trưởng Ban Kiểm tra chuyên trách Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, ngay khi nhận được báo cáo từ Chi hội Nhà báo báo Tiền Phong gửi đến, Hội Nhà báo Việt Nam đã có công văn đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk có biện pháp bảo vệ an toàn cho phóng viên báo Tiền Phong; đồng thời, đề nghị điều tra xử lý nghiêm những đối tượng đe dọa, xúc phạm tới uy tín, danh dự người làm báo. Hội Nhà báo Việt Nam sẽ phối hợp cùng Chi hội Nhà báo báo Tiền Phong bám sát quá trình điều tra, xử lý của cơ quan chức năng, để đảm bảo những hiện tượng cản trở, đe dọa các nhà báo - hội viên được xử lý nghiêm khắc, quyền hành nghề, danh dự cũng như tính mạng, sức khỏe của nhà báo được bảo vệ, tôn trọng và tránh tái diễn những vụ việc tương tự trong thời gian tới.
Bên cạnh việc gửi văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc tích cực hơn, Hội Nhà báo Việt Nam cũng đề nghị các cơ quan báo chí cùng vào cuộc chia sẻ, động viên đồng nghiệp; tạo dư luận trên mặt báo để góp phần cùng các cơ quan chức năng răn đe, cảnh tỉnh những đối tượng có suy nghĩ và hành động lệch lạc, trái pháp luật, tạo môi trường an toàn cho các nhà báo tác nghiệp.
Nhà báo Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết, trong nhiều vụ việc tương tự trước đó, Hội Nhà báo Việt Nam đã kiên quyết theo bám đến cùng và có hiệu quả, các cơ quan chức năng đã xử lý nghiêm và phản hồi về Hội.
Được biết, Thường trực Huyện ủy Cư Kuin đã giao UBND huyện chỉ đạo Công an huyện và các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng đe dọa, hành hung nhà báo (nếu có); có biện pháp bảo vệ các nhà báo khi tham gia tác nghiệp trên địa bàn.
UBND xã Ea Ktur và các cơ quan liên quan báo cáo tình hình việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng, khai thác đất trên địa bàn như báo đã nêu. Đảng ủy xã Ea Ktur báo cáo vụ việc các cán bộ, công chức xã né tránh, chậm trễ cung cấp thông tin cho báo chí (nếu có) như báo phản ánh.