Công văn số 245/CV-CBC-TTPC do Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc ký nêu rõ: Ngày 23/3, Cục Báo chí đã nhận được công văn số 130-CV/NTNN ngày 23/3/2023 của Báo Nông thôn ngày nay, phản ánh việc nhóm phóng viên của Báo Nông thôn ngày nay phối hợp cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) xuống ghi nhận tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường tại Nhà máy giấy Thuận Phát (xã Tú Lý, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình).
Trong quá trình tác nghiệp, nhóm phóng viên đã bị một nhóm đối tượng tại nhà máy hành hung, phá hỏng phương tiện tác nghiệp, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng quy định pháp luật. Đây là vụ việc nghiêm trọng, vi phạm quy định tại Điều 9 Luật báo chí 2016.
Do đó, Cục Báo chí đề nghị Công an tỉnh Hoà Bình chỉ đạo điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định của pháp luật.
Trước đó, Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã có công văn số 16/CV-HNBVN về việc đề nghị xử lý hành vi hành hung phóng viên khi tác nghiệp.
Nội dung công văn nêu rõ, sau khi nhận được phản ánh của người dân qua đơn thư, chiều 21/3/2023 nhóm phóng viên của Báo NTNN/Dân Việt đã phối hợp với các cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình đến nhà máy giấy Thuận Phát để ghi nhận tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường tại đây.
Trong lúc các phóng viên đang tác nghiệp, nhóm đối tượng gồm 3 người đã có hành vi ngăn cản, bẻ tay, giật và ném, đập camera nhằm hủy hoại tài sản và những bằng chứng đã được lưu trong camera, dùng những lời lẽ hăm dọa, chửi bới, xúc phạm nhóm phóng viên.
Hành vi đe dọa, hành hung của các đối tượng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và cuộc sống của phóng viên, tạo tâm lý bất an đối với phóng viên, các cơ quan báo chí tác nghiệp trên địa bàn.
Để bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của hội viên, nhà báo, phóng viên Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị các cơ quan đơn vị chức năng khẩn trương có biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhóm phóng viên; đồng thời điều tra, xử lý thích đáng các đối tượng theo quy định pháp luật.
Theo biên bản làm việc của Công an huyện Đà Bắc, ngày 21/3, tại hiện trường vụ việc có mặt cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cùng 3 phóng viên Truyền hình Nhân dân và 5 phóng viên Báo điện tử Dân Việt xuống làm việc tại nhà máy sản xuất của chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Thuận Phát (địa chỉ xóm Tân Lý, xã Tú Lý, Đà Bắc).
Trong khi cán bộ phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đà Bắc đang trao đổi với bảo vệ nhà máy, các phóng viên đã chủ động dừng xe tại bãi tập kết nguyên liệu và chụp ảnh, ghi hình hoạt động của Công ty. Khoảng 5 phút sau, ông Bùi Trọng Tâm, Giám đốc Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Thuận Phát có mặt và nói rõ "Không cho phép người lạ quay phim, chụp ảnh trong phạm vi nhà máy". Ông Tâm đã có hành động giằng co, ôm phóng viên, gạt thiết bị tác nghiệp.
Theo xác minh ban đầu của Công an huyện Đà Bắc, việc giằng co giữa nhóm phóng viên và đại diện chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Thuận Phát là có thật. Tuy nhiên, sự việc chưa gây thiệt hại về người cũng như tài sản. Đơn vị tiếp tục phối hợp với các bên liên quan để xác minh làm rõ sự việc.
Công văn số 130-CV/NTNN, ngày 23/3/2023 của Báo Nông thôn ngày nay nêu rõ, trong lúc nhóm phóng viên đang tác nghiệp tại khu vực xử lý chất thải của nhà máy, nhóm đối tượng gồm 3 người (tự xưng là giám đốc và bảo vệ nhà máy) đã bẻ tay, vít cổ phóng viên, giật camera đang sử dụng để tác nghiệp và ném, đập camera nhằm hủy hoại tài sản cùng những bằng chứng đã lưu.
Qua đó, Báo Nông thôn Ngày nay đề nghị, cơ quan chức năng chỉ đạo điều tra, làm rõ vụ việc và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các đối tượng đã hành hung, xâm hại đến thân thể phóng viên, cản trở quá trình tác nghiệp hợp pháp của nhóm phóng viên cũng như phải bồi thường thiệt hại về trang thiết bị chuyên dụng.