Những kinh nghiệm chia sẻ từ Hội thảo đã góp phần giúp các địa phương, đơn vị tìm được các phương thức hợp tác hiệu quả, thích hợp trong việc phát triển đô thị Việt Nam – Cộng hòa Pháp nói chung và mỗi đơn vị nói riêng; trong đó, có quy hoạch không gian xanh và phát triển giao thông bền vững.
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Đỗ Việt Hải, Hà Nội đặt mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045 là hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và giảm thiểu thời gian di chuyển; tăng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng; cải thiện sự thoải mái và an toàn trong vận tải hành khách công cộng; giảm chi phí vận chuyển hàng hóa; áp dụng các công nghệ mới. Trong đó bao gồm phát triển giao thông đường sắt đô thị; thực hiện các chương trình tái thiết đô thị và phát triển các khu công nghiệp; phát triển đô thị theo định hướng kết nối giao thông (TOD); hình thành mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông, các đường vành đai và đường xuyên tâm; tăng công suất của sân bay Nội Bài và hình thành sân bay thứ hai phía Nam hoặc Đông Nam Hà Nội; tăng cường sử dụng vận tải đường thủy nội địa để vận chuyển hàng hóa; thực hiện các tiêu chuẩn của chương trình quốc tế Vision Zero.
Bên cạnh đó, Hà Nội xây dựng trung tâm điều hành tập trung (NOCC) và hệ thống giao thông thông minh (ITS); cải thiện sự tiện lợi của việc lập kế hoạch di chuyển; tích hợp các hệ thống thẻ vé liên thông giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng; loại bỏ các nút thắt cổ chai cục bộ trên mạng lưới đường bộ; áp dụng các phương pháp tiếp cận mới đối với trang thiết bị của các điểm dừng chờ đón trả khách.
Mục tiêu của thành phố là sự thoải mái của hành khách khi tham gia vận tải công cộng; áp dụng các phương pháp tiếp cận mới trong thiết kế các đầu mối giao thông; mở rộng việc sử dụng xe đạp làm phương tiện giao thông "đoạn cuối"; ứng dụng phát triển công nghệ và chuyển đổi kỹ thuật số đối với vận tải đa phương thức; phát triển các dịch vụ hành khách như MaaS; khuyến khích sử dụng xe điện, sử dụng năng lượng xanh.
Kết quả của các giải pháp này sẽ góp phần giảm tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông đường bộ, tỷ lệ đường giao thông đô thị và khu vực hoạt động ở chế độ quá tải, số tụ điểm thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông; cải thiện mức độ tiện nghi của môi trường đô thị và giảm mức độ ô nhiễm không khí trong bầu khí quyển tại Hà Nội...
Tại Hội thảo, ông Phạm Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ đưa ra các đề xuất phát triển giao thông công cộng như: hỗ trợ các nghiên cứu về chiến lược, định hướng phát triển giao thông công cộng, quản lý giao thông thông minh mang tính đặc thù, đưa ra các giải pháp, cơ chế cho thành phố Cần Thơ; hỗ trợ các gói hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý; hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng giao thông công cộng, quản lý giao thông thông minh…
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, trong nhiều năm qua, việc quy hoạch và phát triển đô thị là một trong những nội dung ưu tiên hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa Pháp. Các chương trình được triển khai ở nhiều cấp độ và hình thức nhằm giải quyết các thách thức của đô thị hóa, xây dựng các giải pháp có tính tổng thể, bền vững đảm bảo hài hòa giữa hiện đại và truyền thống, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, hội nhập và giữ gìn văn hóa để đô thị đáng sống hơn.
Riêng với Hà Nội là trung tâm văn hóa - kinh tế - chính trị hiện có dân số khoảng 8,5 triệu người, diện tích xấp xỉ 3.360 km2, chịu áp lực giải quyết khối lượng công việc lớn, phức tạp. Những thách thức này đòi hỏi cách thức triển khai quy hoạch, phát triển đô thị đồng bộ, mang tính chiến lược.
Trong tiến trình đó, Hà Nội chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các quốc gia có bề dày trong phát triển đô thị; trong đó, có thể kể đến vùng Ile - de - France (thuộc Pháp) và nhiều địa phương của Pháp có hệ thống giao thông công cộng hàng đầu thế giới và kinh nghiệm sâu sắc trong lĩnh vực này.
Phó Chủ tịch Hội đồng vùng Ile - de - France, ông Stéphane Beaude cho rằng, phát triển giao thông công cộng xanh, đảm bảo khả năng tiếp cận cơ bản của người dân về không gian xanh, năng lượng, tối ưu hóa nguồn tài nguyên chính là những yếu tố một đô thị bền vững cần có. Đặc biệt, đối với Việt Nam nơi cư dân đô thị chủ yếu sống ở đồng bằng chịu ảnh hưởng sự nóng lên của trái đất, biến đổi khí hậu nên càng phải lưu ý những yếu tố này trong phát triển đô thị.
Đối với Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng vùng Ile - de - France cho biết, điểm tương đồng với Hà Nội và vùng Ile - de - France là chú trọng giảm thiểu chất thải, chất nhựa. Đây cũng là quan tâm hàng đầu trong các dự án xây dựng cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Vùng Ile - de - France có kế hoạch hợp tác giúp Hà Nội nghiên cứu vấn đề này, công bố xuất bản hướng dẫn phát triển bền vững, chiến lược chính sách xử lý rác thải dự án cụ thể, xây những “khu chợ không rác” với sự tham gia của cả cộng đồng cũng như doanh nghiệp khởi nghiệp Cộng hòa Pháp.