Hoàn tất cắm mốc giới quốc gia Việt - Lào

Sự kiện khánh thành cột mốc đại 460 khu vực cửa khẩu Thanh Thủy (Nghệ An) - Nậm On (Bolykhămxay), sau 5 năm nỗ lực triển khai thực hiện “Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào”, hai nước Việt - Lào đã hoàn tất công tác Tăng dày và Tôn tạo mốc biên giới chung trên thực địa.


Địa hình tự nhiên đã kiến tạo nên đường biên giới Việt Nam - Lào trên thực địa chạy dài từ dãy Phù Xám Xậu ở phía Bắc xuống phía Nam đến dãy Trường Sơn. Trong những năm tháng gian khổ nhưng hào hùng của hai dân tộc, nhiều địa danh trên đường biên giới hai nước đã trở nên bất hủ, đi vào lịch sử gắn liền với những chiến công hiển hách của các chiến sỹ cách mạng Việt Nam và Pathet Lào.


Nỗ lực vì đường biên giới hòa bình, hữu nghị


Từ nhiều năm nay, vấn đề biên giới lãnh thổ được lãnh đạo hai Đảng và Chính phủ hai nước đặc biệt quan tâm, coi trọng và chỉ đạo sát sao. Ngay sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến vĩ đại, hai Bên đã liên tục nỗ lực hợp tác, sát cánh cùng nhau tổ chức quản lý, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị trên cơ sở luật pháp và thực tiễn quốc tế đồng thời phù hợp với thực trạng đường biên giới và mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Thongsing Thammavong khánh thành cột mốc đại số 460. Ảnh: Đức Tám - TTXVN


Từ năm 2008, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân hai nước đã có nhiều nỗ lực phối hợp triển khai Dự án Tăng dày và Tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào. Nhiệm vụ trọng tâm là tăng thêm số lượng cột mốc; tôn tạo, xây mới các cột mốc hiện có; hoàn thiện hồ sơ pháp lý đường biên giới hai nước.


Khu vực biên giới Việt Nam - Lào có địa hình hết sức khó khăn, hiểm trở, hầu hết là núi cao, vực sâu, chưa có đường qua lại, thời tiết lại rất khắc nghiệt. Đường biên giới đi theo các dạng địa hình rất phức tạp. Trừ các đoạn biên giới đi theo sông, suối và 21 đoạn với 190 km đường biên giới kẻ thẳng, còn lại đều đi trên các sống núi và triền núi cao (qua 319 ngọn núi cao trên 1.000 m, trong đó có 18 ngọn núi cao trên 2.000 m, cao nhất là ngọn Phu Sai Lai Leng cao tới 2.711 m, còn lại đều có độ cao trên 300 m so với mặt nước biển), đa phần là rừng sâu khí hậu khắc nghiệt. Tại nhiều nơi, để xây dựng một cột mốc giới, phải mở đường tới hàng chục ki-lô-mét đường công vụ cho việc vận chuyển nguyên vật liệu và thân mốc giới. Có nhiều mốc, để khảo sát, xác định vị trí mốc, lực lượng cắm mốc của hai nước phải hành quân bộ cả chục ngày, vượt hàng chục ki-lô-mét đường rừng núi mới tiếp cận được khu vực mốc. Điển hình nhất là các mốc ở khu vực biên giới tỉnh Điện Biên, Tây Nghệ An, Quảng Nam…. Hầu hết địa bàn triển khai công tác cắm mốc là vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa thớt, đời sống kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, nên việc triển khai phương tiện, trang bị kỹ thuật và huy động nhân lực gặp rất nhiều khó khăn. Để đưa các cột mốc nguyên vẹn trong địa hình phức tạp, hiểm trở là một thách thức không nhỏ.


Ngay từ những ngày đầu thực hiện dự án, căn cứ vào Bảng thống kê tọa độ các mốc dự kiến tăng dày và tôn tạo đã được hai bên thỏa thuận, hàng trăm lượt cán bộ chiến sĩ các đồn biên phòng xung kích băng rừng trèo đèo, lội suối đánh dấu tìm đường lên khu vực dự kiến cắm mốc để chủ động trước khi làm công tác bảo vệ dẫn đường cho các đội cắm mốc khảo sát xác định vị trí mốc trên thực địa. Đặc biệt phải kể đến sự hỗ trợ nhiệt tình của hàng nghìn đồng bào các dân tộc trong vùng biên giới hai nước tuy đời sống còn nhiều khó khăn nhưng đều hết lòng ủng hộ và giúp đỡ các lực lượng cắm mốc của hai nước hoàn thành nhiệm vụ. Họ trực tiếp tham gia vào các công việc nặng nhọc nhất của công tác tăng dày, tôn tạo mốc quốc giới, cùng mở đường công vụ, thồ, gùi hàng hóa, lương thực, thực phẩm; cùng vận chuyển máy móc, phương tiện kỹ thuật, vật liệu thi công xây dựng mốc.


Trong quá trình phân giới, cắm mốc trước đây cũng như trong quá trình triển khai công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào trên thực địa, đã có cả những cán bộ, chiến sỹ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Những giọt máu đào của họ đã thấm sâu vào lòng đất góp phần cho thắng lợi của ngày hôm nay.


Cơ hội mới tăng cường hợp tác, cùng phát triển


Tổng số 793 vị trí mốc tương ứng 835 cột mốc đã được cắm và hơn 20 cọc dấu được cắm bổ sung. Thành công này là một bước tiến mới trong hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào. Sự kiện trọng đại này rộng mở thêm cơ hội hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch và an ninh - quốc phòng; tăng cường giao lưu hữu nghị cho các địa phương và nhân dân hai bên biên giới.


Có mặt tại Lễ khánh thành “Cột mốc đại 460” tại Thanh Thủy - Nậm On, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Lào Thongsing Thammavong cùng đông đảo người dân hai nước không giấu được niềm vui, phấn khởi; dành cho nhau những tình cảm thân thiết, thắm tình đồng chí, anh em. Hai nhà lãnh đạo cùng nhận định, đây là thắng lợi chung của hai nước trong việc xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển. Sự kiện này trực tiếp tạo thuận lợi cho việc giao lưu, hợp tác phát triển kinh tế của hai tỉnh Nghệ An - Bolykhămxay; đồng thời mở ra những cơ hội mới thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư của hai nước và quốc tế vào khu vực này; đưa cửa khẩu Thanh Thủy - Nậm On trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các du khách trong và ngoài nước. Hai nhà lãnh đạo cùng đặt quyết tâm phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2014; cùng nhau tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tại các vùng biên giới và các cửa khẩu nhằm tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư và du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thiết thực mang lại đời sống tốt đẹp hơn cho nhân dân vùng biên giới.


Chứng kiến lễ khánh thành cột mốc 460, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng xúc động: “Việc hoàn thành công tác cắm mốc giới quốc gia là sự kiện trọng đại, có ý nghĩa lâu dài trong quan hệ hai nước chúng ta, là “hoa thơm, trái ngọt” được đơm kết từ quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào; là thành quả của tình bạn, tình đồng chí thủy chung, son sắt, thể hiện sự nhất trí cao, sự tin cậy lẫn nhau giữa các cấp lãnh đạo và nhân dân hai nước chúng ta”.


Với hệ thống mốc giới mới hiện đại và trường tồn, đường biên giới hai nước Việt Nam - Lào sẽ mãi mãi trở thành nơi gặp gỡ của tình hữu nghị, của sự hợp tác chặt chẽ vì sự giàu mạnh của hai nước Việt - Lào, xứng đáng với lòng mong đợi của nhân dân và đáp ứng quyết tâm của lãnh đạo hai nước. Đây cũng còn là một mốc son lịch sử của tình hữu nghị truyền thống Việt - Lào để các thế hệ người dân hai nước tiếp tục gìn giữ, phát huy như một tài sản vô giá, một niềm tin vững chắc đưa hai dân tộc Lào -Việt vững bước trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Quang Vũ

Thừa Thiên - Huế: Hoàn thành tôn tạo hệ thống mốc giới Việt Nam - Lào

Ban Chỉ đạo Phân giới cắm mốc tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với hai tỉnh Salavan và Sêkông (nước CHDCND Lào) đã hoàn thành việc tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc giới Việt Nam - Lào qua địa bàn, vượt trước kế hoạch gần 2 năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN