Cấp bách, thần tốc triển khai các gói hỗ trợ an sinh, xã hội
Thể hiện sự đồng tình với báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và những giải pháp cho 6 tháng cuối năm, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, các địa phương phải nhanh chóng triển khai sớm nhất gói hỗ trợ an sinh xã hội trị giá 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, trên tinh thần cấp bách, thần tốc để tiền hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ, của đất nước đến tay người lao động, người yếu thế.
"Đây là vấn đề quan trọng nhất trong giai đoạn hiện này, góp phần thực hiện được các biện pháp giãn cách một cách hiệu quả và có như vậy thì chúng ta mới có thể kiểm soát sớm được dịch bệnh", đại biểu nhấn mạnh.
Bên cạnh gói hỗ trợ an sinh xã hội theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, Quốc hội và Chính phủ cần tính toán có thêm các gói hỗ trợ nữa vì nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách kéo dài, để hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, người lao động và cũng như hỗ trợ cho doanh nghiệp giữ chân người lao động, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.
Về giải pháp dài hạn phát triển kinh tế thời gian tới, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, các bộ, ngành và địa phương phải chủ động lên kế hoạch sớm triển khai khi Quốc hội thông qua gói đầu tư công 2,87 triệu tỷ đồng, để đảm bảo được hạ tầng kinh tế - xã hội cho phát triển. Trong việc đầu tư hạ tầng, Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn, đồng bộ các điểm kết nối mang tính liên vùng như đường vành đai 3, 4 tại Hà Nội, Đông Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh, qua đó tạo điều kiện cho các động lực tăng trưởng đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Một nội dung nữa, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng cần phải sớm tháo gỡ như một nút thắt của nền kinh tế đó là việc sớm rà soát, hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường. Theo đại biểu, chỉ khi gỡ được nút thắt này mới thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp cho đất nước phát triển nhanh hơn.
Người dân đồng hành đẩy lùi đại dịch
Nhấn mạnh cả hệ thống chính trị vào cuộc trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đánh giá cao việc ngay từ giai đoạn đầu của đợt bùng phát dịch thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chủ động phân công các Ủy ban đồng hành với Chính phủ và Chính phủ cũng rất chủ động, tích cực để có kịch bản điều hành kinh tế - xã hội trong điều kiện đại dịch.
Đại biểu ấn tượng trước hình ảnh Thủ tướng Chính phủ xông xáo, thường xuyên quan tâm đến tiến độ triển khai, sản xuất vaccine; Chủ tịch Quốc hội cũng đi thăm cơ sở sản xuất vaccine. Điều đó cho thấy rằng, người đứng đầu cơ quan lập pháp, người đứng đầu cơ quan hành pháp luôn luôn quan tâm đến các thực trạng của kinh tế - xã hội, đặc biệt đến cuộc chiến chống đại dịch. Nhờ sự vào cuộc tích cực đó bộ máy chính quyền cả nước vận động rất tích cực, lôi cuốn được sự tham gia đông đảo của nhân dân, qua đó đạt được những kết quả tích cực.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, đại biểu cũng lưu ý có một số địa phương triển khai chậm, các giải pháp đưa ra chưa sát với thực tế, làm xuất hiện tình hình phức tạp và nhạy cảm. Theo đại biểu, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong lần bùng phát dịch này, đó là làm sao tuyên truyền cho nhân dân biết để bình tĩnh, đồng hành cùng với Nhà nước, từ đó có những giải pháp tích cực hơn trong việc đẩy lùi và đi đến chấm dứt đại dịch. Có như vậy, đất nước mới tập trung được nguồn lực để phát triển kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng.
Cùng quan điểm trên với đại biểu Lê Thanh Vân, đại biểu Rơ Châm H′Phik (Gia Lai) mặc dù đánh giá cao những biện pháp trong 6 tháng đầu năm về phát triển kinh tế mà Chính phủ đưa ra, có những biện pháp căn cơ để đạt được sự tăng trưởng cao trong 6 tháng đầu năm, nhưng cũng bày tỏ băn khoăn về tình hình phát triển kinh tế-xã hội trong 6 tháng cuối năm, trong đó có việc hoàn thành mục tiêu GDP tăng từ 6% trở lên như Quốc hội đã đề ra.
Theo đại biểu, hiện nay, đại dịch diễn biến hết sức phức tạp. Quốc hội cũng đã phải rút ngắn thời gian họp của Kỳ họp thứ nhất để các địa phương lo chống dịch. Đại biểu nhấn mạnh đại dịch diễn biến phức tạp hiện nay chắc chắn sẽ tác động lớn đến các vấn đề liên quan đến nguồn vốn đầu tư sản xuất, các doanh nghiệp, người lao động, đặc biệt đến đời sống của nhân dân.
Trước thực tế này, đại biểu Rơ Châm H′Phik bày tỏ sự đồng tình với quan điểm là phải có sự chung lòng của Chính phủ cũng như hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân thì cả nước mới có thể vượt qua khó khăn và đạt được chỉ tiêu đề ra.
Cùng với đó, để giảm nghèo bền vững, đại biểu cho rằng Chính phủ cần quan tâm đến việc đào tạo nghề cũng như thay đổi suy nghĩ, cách làm của chính quyền địa phương đối với công tác đồng bào dân tộc thiểu số, như vậy mới đảm bảo, phát huy tính bền vững.