Bến Tre bổ sung nhiều giải pháp để đạt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội
Trong hai ngày 5 - 6/12, HĐND tỉnh Bến Tre khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, tổ chức Kỳ họp thứ 16, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết năm 2024, thảo luận, quyết nghị những vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội thời gian tới.
Tại kỳ họp, các đại biểu tập trung thảo luận những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong thực hiện nghị quyết HĐND tỉnh năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, thu chi, phân bổ ngân sách nhà nước trong năm 2025. Các đại biểu đã đề xuất bổ sung nhiều giải pháp nhằm thực hiện đạt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của HĐND tỉnh năm 2025. HĐND tỉnh cũng đã dành thời gian xem xét, thảo luận và quyết nghị 26 nghị quyết được trình tại kỳ họp.
Kỳ họp đã thực hiện thành công phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Tại đây, cử tri, đại biểu HĐND quan tâm tới các vấn đề liên quan đến tiến độ thực hiện công tác quy hoạch, nâng cấp đô thị, phát triển đô thị còn chậm, nâng cao chất lượng nguồn nước…
Quyền Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến cho biết, năm 2024, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp phục hồi và phát triển khá. Các hoạt động văn hóa - xã hội và an sinh xã hội được duy trì và nâng chất; quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được bảo đảm. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh chỉ đạt 5,68%, xếp thứ 12/13 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long; huy động vốn đầu tư toàn xã hội (đạt 79,53% so với chỉ tiêu nghị quyết), thu nhập bình quân đầu người/năm ước đạt 57,4 triệu đồng (chỉ tiêu Nghị quyết là 60,3 triệu đồng).
Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre năm 2025 đã đề ra mục tiêu tổng quát là quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025. Để đạt mục tiêu này, quyền Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre đề nghị UBND tỉnh, các ngành, cấp triển khai ngay các nghị quyết vừa được thông qua để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống; đồng thời, tăng cường tuyên truyền, thông tin để nhân dân đồng thuận và chung sức thực hiện đạt kết quả cao nhất.
Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện nghiêm chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy theo Kết luận của Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW tại phiên họp thứ nhất và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW...
Nghệ An thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù
Sau 2 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, với tinh thần dân chủ, đổi mới và trách nhiệm cao, chiều 6/12, Kỳ họp thứ 25, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và tiến hành bế mạc.
Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Nghệ An đã xem xét và quyết định nhiều nội dung quan trọng về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, trong đó có việc cụ thể hóa Nghị quyết về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kỳ họp cũng đã thông qua 47 nghị quyết trên các lĩnh vực, trong đó có nhiều nội dung rất quan trọng, tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế và đời sống nhân dân như: Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công năm 2025; Nghị quyết về việc phân bổ dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nghị quyết giao biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính tỉnh Nghệ An năm 2024...
Năm 2025, HĐND tỉnh Nghệ An đặt mục tiêu vừa “tăng tốc, bứt phá”, tập trung phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả giai đoạn 2021 - 2025, vừa thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy và tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tập trung vào xây dựng môi trường văn hóa, bản sắc con người xứ Nghệ; thực hiện cơ chế tự chủ trong các cơ sở y tế, cung ứng thuốc, dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối... Đây là những vấn đề được đông đảo cử tri và đại biểu quan tâm, liên quan đến đời sống của nhân dân và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Các đại biểu đã nêu câu hỏi cụ thể, ngắn gọn, rõ ràng, bám sát chủ đề chất vấn, đi thẳng vào vấn đề và mang tính xây dựng, trách nhiệm cao; thể hiện vai trò, trách nhiệm và quyền giám sát của đại biểu HĐND. Các nội dung chất vấn của các đại biểu đã được Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Giám đốc Sở Y tế trả lời đúng trọng tâm, không né tránh.
Sớm giải quyết bức xúc về nước sinh hoạt đô thị ở Sóc Trăng
Trong 2 ngày 5 và 6/12, HĐND tỉnh Sóc Trăng khóa X đã họp Kỳ thứ 27, thông qua 46 nghị quyết quan trọng, liên quan đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch, chủ trương, chính sách, đầu tư…
Tại kỳ họp, đã có nhiều lượt ý kiến của đại biểu đại diện cử tri chất vấn lãnh đạo các sở, ngành xung quanh các vấn đề về đất đai, tài nguyên, quản lý đất công; giải pháp phát triển lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng, thông tin truyền thông, cấp nước sạch sinh hoạt… Đặc biệt, các đại biểu quan tâm và bức xúc với tình trạng thiếu nước sạch, chất lượng nước sinh hoạt đô thị tại thành phố Sóc Trăng và một số khu vực dân cư từ nhiều năm qua, qua nhiều kỳ họp HĐND đã được cử tri phản ánh nhưng chưa có giải pháp khắc phục hay cải thiện…
Bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng đề nghị UBND tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện các nghị quyết vừa được thông qua, đảm bảo đúng trình tự, quy định của pháp luật; các ngành, cấp xem xét, giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất chính đáng của cử tri; những vấn đề bức xúc, cấp bách phát sinh trong thực tiễn; thực hiện đúng những điều đã cam kết trước HĐND và cử tri, đảm bảo các vấn đề được giải quyết triệt để, đúng quy định.
Thường trực HĐND, các ban HĐND, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri, báo cáo kết quả kỳ họp; tăng cường công tác giám sát việc triển khai nghị quyết, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND thời gian tới.
Tại kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn đề nghị HĐND, UBND tỉnh cần có giải pháp khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, nhất là tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các khu, cụm công nghiệp, các dự án kêu gọi đầu tư.
Năm 2024, kinh tế - xã hội của tỉnh có sự phát triển khá toàn diện, trong đó 24/24 chỉ tiêu đề ra thực hiện đạt và vượt kế hoạch; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,07%; sản lượng lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm trên 93,4%; chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5%; giá trị xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD, tăng 20% so với chỉ tiêu; thu ngân sách nhà nước đạt 5.618 tỷ đồng, tăng trên 13,55% so với cùng kỳ năm 2023...