Tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hải Phòng Vũ Duy Tùng chia sẻ, trước nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách của dự án, UBND thành phố Hải Phòng đã khẩn trương xây dựng Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố thông qua việc đóng góp kinh phí từ nguồn vốn ngân sách thành phố để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng (địa bàn thành phố Hải Phòng). Hải Phòng cũng nhận định việc triển khai Dự án có ý nghĩa tác động rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, góp phần từng bước phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ, qua đó tạo được hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững đúng như mục tiêu Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị đã đề ra.
Hải Phòng đánh giá Dự án sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa trên hành lang Đông Tây, là cửa ngõ giao thương với thế giới qua các cảng biển lớn khu vực Hải Phòng, cũng như kết nối liên vận quốc tế về giao thông đường sắt tại cửa khẩu Lào Cai. Cùng với việc đầu tư phát triển mạnh mẽ cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, hệ thống các cảng đường thủy nội địa và đường hàng không, phát triển giao thông vận tải đường sắt trên hành lang kinh tế Đông Tây "Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng" là vô cùng cần thiết cho giai đoạn đến 2030 và tầm nhìn 2050. Thúc đẩy phát triển chiến lược "Hai hành lang, một vành đai" của Việt Nam và "Vành đai con đường" của Trung Quốc, thúc đẩy kinh tế mậu dịch qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hình thành tuyến thông đạo bằng đường sắt liên kết Đông Á - Trung Á - châu Âu. Tạo không gian phát triển mới, đẩy nhanh quá trình phát triển đô thị, lao động dọc hành lang tuyến và tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ.
Mặt khác, đây là phương thức vận tải bền vững, hiện đại, thân thiện, góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh. Phù hợp với định hướng chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành Giao thông vận tải đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 và UBND thành phố Hải Phòng ban hành tại Quyết định 3962/QĐ-UBND ngày 24/11/2022 về Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane ngành Giao thông vận tải.
Theo Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố thông qua việc đóng góp kinh phí từ nguồn vốn ngân sách thành phố để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng (đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng), để đồng bộ với các nội dung quy hoạch trong Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiến độ đầu tư xây dựng khu bến cảng Nam Đồ Sơn và Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng (đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 1511/QĐ-TTg ngày 4/12/2024), UBND thành phố đã đề xuất về việc Hải Phòng đóng góp với tổng kinh phí khoảng 10.960 tỷ đồng vào nguồn vốn Dự án do Bộ Giao thông vận tải thực hiện để thực hiện giải phóng mặt bằng của Dự án trên địa bàn thành phố (cả 2 giai đoạn) và xây dựng tuyến nhánh Nam Hải Phòng - Nam Đồ Sơn trước năm 2030, chiều dài 12,63 km.
Cần sự đồng bộ cao để phát huy tối đa hiệu quả dự án
Ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng chia sẻ, cộng đồng doanh nghiệp Logistics thành phố Hải Phòng rất mong muốn Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng sớm được Quốc hội thông qua và triển khai xây dựng.
Dự án khi hoàn thành sẽ góp phần tích cực, lâu dài vào sự giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc, thắt chặt hơn mối quan hệ chính trị văn hóa giữa hai quốc gia. Bên cạnh đó, dự án cũng sẽ góp phần tích cực vào việc nâng cao năng lực kết nối, vận chuyển nội địa Việt Nam.
Cộng đồng Logistics thành phố Hải Phòng cũng như trong khu vực hết sức vui mừng khi được tin Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng sẽ được triển khai. Hiện các doanh nghiệp nằm trong khu vực nơi dự án đường sắt đi qua đều đang phải chi trả chi phí Logistics rất lớn cho cách thức vận tải đường bộ, cùng với đó là thời gian vận chuyển kéo dài do ùn tắc giao thông.
Với dự án này, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng năng lực vận chuyển sẽ lớn hơn và thời gian vận chuyển cũng như chi phí Logistics sẽ được giảm đi. Bên cạnh đó, khi tuyến đường sắt được đưa vào khai thác cũng sẽ góp phần giảm lượng phát thải khí carbon trên các phương tiện vận tải ô tô đang sử dụng phổ biến, từ đó giúp các doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng tiếp cận với các thị trường khó tính trên thế giới.
Cũng theo ông Trần Tiến Dũng, với nhiều kỳ vọng như vậy, doanh nghiệp đề nghị và mong muốn các cấp nghiên cứu để có các chính sách đồng bộ, phát huy tối đa hiệu quả của dự án. Cụ thể như trên toàn tuyến, hành lang tuyến, ông Dũng kiến nghị nhà nước nghiên cứu các hệ thống cảng cạn để giúp doanh nghiệp các tỉnh có thể làm thủ tục hải quan, thông quan tại địa bàn, tránh việc phải vận tải hai chiều, góp phần giảm chi phí vận chuyển sâu hơn nữa.