Mặc dù Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có ý kiến chỉ đạo, lãnh đạo UBND thành phố cũng đã nhận trách nhiệm trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc chậm xử lý phần sai phạm tại công trình này, nhưng những lo ngại ảnh hưởng về an toàn kết cấu công trình sau phá dỡ đã khiến cho vụ việc ở 8B Lê Trực vẫn như một “món nợ” lớn, chắc chắn không thể dứt điểm trong năm 2017 theo lời hứa của lãnh đạo thành phố với Chính phủ.
Nỗi lo an toàn kết cấu
Với quyết tâm mạnh mẽ, giai đoạn 1 của tiến trình xử lý sai phạm tại công trình 8B Lê Trực đã được Hà Nội xử lý gọn từ hơn 1 năm nay là "cắt ngọn" tầng 19 do xây dựng vượt số tầng so với Giấy phép xây dựng. Nhưng đến thời điểm này, dù có sự vào cuộc của nhiều cơ quan chuyên môn và quản lý Nhà nước chuyên ngành từ Trung ương, phương án xử lý giai đoạn 2 (xử lý phần không giật cấp) vẫn là một lời “thách đố” lớn đối với nhà chức trách.
Khu vực sàn tầng 19 đã phá dỡ xong. Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN |
Lý do chính dẫn đến việc chậm trễ ở giai đoạn 2 là do phải đặt yêu cầu đảm bảo an toàn lên trên hết cho toà nhà và cư dân sinh sống sau này. Bởi vậy, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng, UBND quận Ba Đình phối hợp với các cơ quan nghiên cứu của Bộ Xây dựng, tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để cùng rà soát, thu thập ý kiến góp ý đa chiều với mục đích cao nhất là đảm bảo an toàn của tòa nhà. Nếu không đạt được tiêu chí này, các cơ quan chức năng buộc phải chuẩn bị phương án khác.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Trần Việt Trung chia sẻ, sau khi nghiên cứu, phân tích kỹ đã có hai phương án phá dỡ cho giai đoạn 2 được đưa ra. Nếu áp theo vi phạm cắt dọc toàn bộ công trình sẽ ảnh hưởng kết cấu, còn nếu dùng phương án cắt ngang sẽ đơn giản hơn nhưng phải thoả thuận với chủ đầu tư.
Việc xử lý này phải làm rất thận trọng vì nếu sai sót sẽ vướng về sau - ông Trung phân tích. Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, thành phố không chỉ xử lý số tầng vi phạm mà xử lý cả phần sai phạm diện tích, chiều cao công trình.
Phương án cắt ngang công trình cũng được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu tại buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình hồi tháng 10 vừa qua. Theo ông Chung, các chuyên gia cho rằng việc xử lý phần giật cấp do chủ đầu tư không thực hiện đúng thiết kế phê duyệt sẽ không đảm bảo an toàn cho toà nhà. Thành phố đang kiến nghị theo hướng cắt bớt tầng để đảm bảo đúng chiều cao, mật độ xây dựng quy định.
Trách nhiệm và kỷ cương Trong công văn phản hồi UBND Hà Nội về việc xử lý vi phạm tại dự án đình đám này, Bộ Xây dựng khẳng định “thẩm quyền quyết định phá dỡ thuộc về UBND thành phố Hà Nội”. Như vậy, trách nhiệm cuối cùng thuộc về UBND thành phố và đây cũng là nỗi lo khiến cho lãnh đạo cũng như các ngành chức năng của Thủ đô không thể “quyết vội, làm nhanh” dù đã hứa với Chính phủ và Quốc hội. Hà Nội phải dựa trên cơ sở những đánh giá khoa học toàn diện, sự đồng thuận của các bộ, ngành đối với phương án cuối cùng được lựa chọn trước khi tiếp tục đưa máy cắt vào công trình.
Dưới góc nhìn của một đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ thi công “cắt ngọn” giai đoạn 1 toà nhà 8B Lê Trực, Công ty cổ phần Tập Đoàn Phương Bắc đã có văn bản góp ý với cơ quan chức năng Trung ương và thành phố. Đơn vị này bày tỏ lo lắng việc phá bỏ phần sai phạm giai đoạn 2 liên quan đến kiến trúc và kết cấu công trình sẽ rất khó khăn, phức tạp, nhất là khi phá bỏ hầu hết phần cột và dầm biên chịu lực của tòa nhà. Nếu không có phương án hội tụ đủ các tính toán kỹ thuật, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kết cấu, độ an toàn, bền vững của tòa nhà - lãnh đạo đơn vị này khẳng định.
Tại phiên họp Chính phủ trực tuyến có sự tham gia của lãnh đạo Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng đặt vấn đề: “Có quyết tâm đập được nhà 8B Lê Trực không hay cứ để mãi mãi như thế?”. Thủ tướng còn đề nghị Hà Nội lấy công trình này làm điểm để chấn chỉnh kỷ cương trong trật tự xây dựng đô thị, xây dựng Thủ đô văn minh, lịch sự.
Thời điểm đầu năm 2017, tại buổi làm việc với Quận ủy Ba Đình, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng nhấn mạnh, vi phạm tại công trình 8B Lê Trực là trường hợp rất điển hình và thành phố đã kỷ luật nhiều cán bộ. Do vậy, quận phải tập trung phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục xử lý nghiêm và dứt điểm các sai phạm tại công trình này.
Dư luận và người dân phần nào yên tâm vì người đứng đầu UBND thành phố đã thẳng thắn nhận trách nhiệm trong việc xử lý sai phạm còn chậm và khẳng định quyết tâm của chính quyền Thủ đô sẽ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc xử lý sai phạm tại 8B Lê Trực.
Tuy nhiên, khoảng 3 năm qua, không chỉ khiến chính quyền đau đầu, người dân thắc mắc mà các khách hàng của dự án cũng chịu nhiều thiệt thòi. Nhiều người bỏ cả chục tỷ đồng mua nhà và giờ chỉ mong số phận dự án nhanh được quyết định.
Đã được hơn 11 năm kể từ ngày chủ đầu tư làm thủ tục đầu tư và gần 3 năm tổ chức phá dỡ phần sai phạm, người dân bỏ tiền mua nhà vẫn đếm từng ngày, chưa thể biết bao giờ mới được dọn về căn nhà mới. Không thể tránh những bức xúc từ sự việc này, nhiều khách hàng đã gửi đơn kiến nghị đến thành phố, Bộ Xây dựng bày tỏ mong muốn sớm có biện pháp “thấu tình, đạt lý” trong xử lý sai phạm, tạo điều kiện cho người dân sớm ổn định cuộc sống.
Ở một diễn biến khác, “sốt ruột” trước những dây dưa, ngổn ngang chưa có lối thoát của công trình 8B Lê Trực, UBND phường Điện Biên đã buộc phải có văn bản gửi chủ đầu tư thông báo sẽ khóa cổng công trình để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn phường.
Kỷ cương phải được duy trì, phép nước phải được thực thi chứ không thể tiếp diễn tình trạng “phạt cho tồn tại” hay “ngâm lâu hóa bùn”. Lời hứa với Thủ tướng Chính phủ, với cử tri vẫn còn đó, đòi hỏi thành phố phải có những xử phạt nghiêm minh đối cho hành vi vi phạm trật tự xây dựng tại tòa nhà 8B Lê Trực.
Ngoài việc lựa chọn phương án kỹ thuật tối ưu thì quyền lợi hợp pháp của những người mua nhà cũng cần được tính đến bởi họ vô tình trở thành “nạn nhân” của “món nợ” chưa có hồi kết.