Hà Nội và Viêng Chăn trao đổi kinh nghiệm về cải cách hành chính

Ngày 27/3, lãnh đạo thành phố Hà Nội và đoàn đại biểu cấp cao Thủ đô Viêng Chăn (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) đã cùng tham dự tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm về công tác cải cách hành chính.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Tại buổi tọa đàm, ông Sinlavong Khoutphaythoune, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Đô trưởng Thủ đô Viêng Chăn nêu rõ, Viêng Chăn nói riêng và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào nói chung vừa bước vào công cuộc cải cách hành chính, trong khi Hà Nội đã đạt được những kết quả bước đầu. Vì thế, Viêng Chăn muốn học hỏi kinh nghiệm của Hà Nội để xây dựng nền hành chính đồng bộ, hiện đại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, trong chương trình phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2016 – 2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội xác định cải cách hành chính là một trong 3 khâu đột phá. Trong cải cách hành chính, thành phố xác định lấy công nghệ thông tin làm công cụ chính với mục tiêu nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành và hiệu quả làm việc của bộ máy cán bộ, công chức, tạo ra nguồn lực mới cho Thủ đô, nâng cao năng suất lao động.

Ngay từ đầu năm 2016, Hà Nội đã triển khai mạnh mẽ các nội dung, ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính. Tính đến cuối năm 2016, thành phố đã cơ bản sắp xếp xong bộ máy hành chính của các sở, ngành và doanh nghiệp công ích.

Đồng thời, thành phố mạnh dạn loại bỏ các chương trình công nghệ thông tin của 5 năm trước, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin chung từ thành phố đến 584 xã, phường, thị trấn, trở thành một trong những thành phố đầu tiên trên cả nước thiết lập hệ thống mạng dùng chung. Những kết quả bước đầu đã đưa Hà Nội vươn lên đứng thứ 2 cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách bộ máy hành chính.

Với việc triển khai đồng bộ trong cải cách, sắp xếp bộ máy, ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ số năng lực cạnh tranh của Hà Nội tăng 10 bậc từ hạng 24 lên hạng 14 so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Việc cải cách hành chính đã góp phần thu hút mạnh đầu tư nước ngoài với tổng số vốn 3,11 tỷ USD, gấp 3,9 lần so với năm 2015; thu hút đầu tư trong nước vào địa bàn Hà Nội là 439 nghìn tỷ đồng, đứng đầu cả nước.

Ông Trần Huy Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hà Nội khẳng định, đây là nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ đột phá.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo cải cách hành chính do Chủ tịch UBND thành phố trực tiếp làm trưởng ban với 6 nội dung: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục; tổ chức bộ máy hành chính; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính.

Điểm khác biệt lớn nhất của chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2016 – 2020 so với thời gian trước là xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, tổ chức theo hình thức một đầu mối, một công việc xuyên suốt.

Tại buổi làm việc, đoàn đại biểu cấp cao Viêng Chăn đặc biệt quan tâm đến những khó khăn, vướng mắc trong công tác cải cách hành chính và hướng tháo gỡ.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung (bên phải) đón Bí thư Thành ủy, Đô trưởng Thành phố Viêng Chăn Sinlavong Khoutphaythoune. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Nói về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, trong quá trình cải cách hành chính, các sở, ban, ngành của thành phố phải trực tiếp đối thoại với người lao động, công chức, viên chức; đảm bảo cho những công chức, viên chức thuộc diện tinh giản ổn định tư tưởng và công việc.

Bên cạnh đó, thành phố phải sắp xếp lại nội dung cải cách, những nhiệm vụ chồng chéo gom về một đầu mối, đòi hỏi phải có quy chế chặt chẽ và sự đồng lòng tham gia của mọi tổ chức, cá nhân.

Vấn đề quan trọng nhất trong cải cách hành chính là xây dựng hệ thống mạng tập trung hiện đại, thuận tiện, có chương trình bảo mật chặt chẽ ngay từ đầu để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Trong khi đó, trình độ sử dụng công nghệ thông tin của các cán bộ xã, phường và các sở, ngành không đồng đều nên thành phố cũng phải tập trung đào tạo, tập huấn.

Ông Nguyễn Đức Chung khẳng định, thời gian tới, Hà Nội sẵn sàng hỗ trợ Viêng Chăn trong công tác cải cách hành chính, đào tạo, tập huấn về công nghệ thông tin cho các cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ giúp Viêng Chăn thành lập Viện nghiên cứu xã hội trực thuộc UBND thành phố, xây dựng lộ trình cụ thể để hai thành phố tiếp tục hợp tác, phát triển.

Mai Linh (TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng An ninh Lào
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng An ninh Lào

Chiều 16/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Trung tướng Somkeo Silavong, Bộ trưởng An ninh Lào đang thăm chính thức Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN