Diện mạo Thủ đô tươi mới từng ngày
Từ sân bay quốc tế Nội Bài, chiếc xe ô tô lao nhanh hướng thẳng tiến trung tâm thành phố, qua cầu Thăng Long, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng với hai "mảng màu" rõ rệt, minh chứng cho sự đổi thay và phát triển của Hà Nội. Một bên đường là gam màu ngói đỏ tươi của những biệt thự nhà vườn liền kề, biểu trưng cho vùng ngoại ô trù phú, còn phía bên kia san sát các nhà xưởng của các tập đoàn đa quốc gia... đang đồng hành cùng Hà Nội phát triển.
Anh Cao Thành Trung, trú tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội hồ hởi chia sẻ: Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội đã hơn 30 năm, nhưng quả thật trong những năm gần đây, bộ mặt đô thị Hà Nội thay đổi đến mức "chóng mặt", to đẹp hơn, khang trang hơn, không kém gì với các thành phố hàng đầu trong khu vực. Điển hình như khu vực phường Đại Kim vài năm trước còn nhiều những khu đất trống mọc đầy cỏ dại, đường đi còn lầy lội bùn đất... nhưng giờ đây, những con đường hiện đại, sạch đẹp, các tòa nhà cao tầng, trường học, khu vui chơi thể thao đã lấp đầy.
Quả thực vậy, nhìn lại quá trình phát triển của Thủ đô sau 65 năm Ngày Giải phóng, sẽ thấy những đổi thay nhanh chóng, phát triển toàn diện và bền vững. Việc xây dựng, phát triển không gian đô thị đang tạo ra điểm nhấn cho Thủ đô.
Từ một khu đô thị Linh Đàm ban đầu, đến nay thành phố đã phát triển thêm hàng trăm tòa nhà chung cư. Đi đường vành đai 3 trên cao từ quận Cầu Giấy tới nút giao Pháp Vân thuộc quận Hoàng Mai, sẽ không khỏi ngạc nhiên về tốc độ phát triển các tòa nhà cao tầng, các chung cư, trụ sở cơ quan, đơn vị hoặc văn phòng cho thuê. Các tòa nhà cao hàng chục tầng, mọc san sát nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.
Bên cạnh đó, những công trình giao thông hiện đại nhất của đất nước đang được khai thác, đưa vào sử dụng có hiệu quả như: Cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù, cầu Thanh Trì... với hệ thống chiếu sáng được đầu tư đồng bộ, đêm đêm tỏa sáng lung linh soi bóng nước sông Hồng. Những con đường xuyên tâm, tuyến phố được nâng cấp, mở rộng như: Tuyến đường Võ Chí Công, Võ Nguyên Giáp, đại lộ Thăng Long, đường vành đai 3 trên cao... không chỉ tạo sự kết nối thuận tiện trong nội đô mà còn kết nối Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tiến sĩ, Kiến Trúc sư Jan Gehl, tác giả cuốn sách “Cuộc sống giữa những công trình kiến trúc”, khi nhắc đến sự đổi thay của Hà Nội sau nhiều năm nghiên cứu đã thốt lên: "Diện mạo Hà Nội vụt sáng dậy theo cả chiều rộng lẫn chiều cao”. Thủ đô đã có một sắc diện mới: Tầm vóc và bề thế hơn. Không chỉ những quận nội thành có những đổi thay kỳ diệu với hàng trăm tòa nhà cao tầng đã được dựng xây, mà những khu đô thị mới xanh, sạch, đẹp đã và đang dần hiện hữu trên những mảnh ruộng ngày nào.
Chuyển mình mạnh mẽ
Thủ đô Hà Nội đã và đang thể hiện rõ vai trò là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, đầu tàu của vùng Thủ đô, góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Bộ mặt đô thị khởi sắc từng ngày, mang vóc dáng của một thành phố xanh, văn minh, hiện đại, xứng tầm vị trí đầu tàu, động lực phát triển kinh tế, xã hội của cả nước.
Năm 2019, được các chuyên gia kinh tế đánh giá là một năm khởi sắc của Thủ đô với nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội có thể hoàn thành sớm và vượt cao so với kế hoạch. Chỉ trong 9 tháng năm 2019, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước 185.031 tỷ đồng, đạt 70,3% dự toán năm (tăng 14,3% so với cùng kỳ). Công tác quản lý và phát triển đô thị tiếp tục được tăng cường, thành phố đã phê duyệt được 57/68 đồ án (26/35 quy hoạch phân khu; 31/33 quy hoạch chung).
Đồng quan điểm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố tiếp tục được cải thiện; thu hút đầu tư đạt kết quả cao. Tổng vốn đầu tư xã hội đạt 245,8 nghìn tỷ đồng, tăng 12,9% (cùng kỳ tăng 10,3%). Thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư và điều chỉnh tăng vốn 65 dự án vốn đầu tư trong nước với tổng số vốn 34,35 nghìn tỷ đồng; đặc biệt, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 6,23 tỷ đô la Mỹ, tiếp tục dẫn đầu cả nước.
Hà Nội cũng đã đón 21,55 triệu lượt khách du lịch, tăng 9,5% so với kế hoạch (so cùng kỳ năm 2018 tăng 9,2%); trong đó, khách quốc tế đạt 4,71 triệu lượt, tăng 10,1% so với kế hoạch. Công tác xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội cũng được đẩy mạnh, đến nay đã có 6 huyện và 325/386 xã (84,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Ngoài ra, công tác an sinh xã hội được đảm bảo; các chế độ, chính sách với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo được quan tâm kịp thời, đúng đối tượng.
Đáng chú ý, công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị, đất đai, tài nguyên môi trường tiếp tục có những chuyển biến rõ rệt, ý thức chấp hành pháp luật trong xây dựng của người dân được nâng cao. Hệ thống giao thông, cấp thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, thu gom và xử lý chất thải và các công trình công cộng được thành phố quan tâm đầu tư, cải tạo. Cùng với đó, các công trình giao thông quan trọng, đầu mối được thành phố đầu tư mở rộng, đưa vào sử dụng đã tạo nên sự thay đổi lớn về hình ảnh đô thị, kích thích sự phát triển của Thủ đô.
Có thể khẳng định, không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội có được bức tranh kinh tế - xã hội khởi sắc như ngày hôm nay. Đó còn là sự chỉ đạo xuyên suốt của trong các Nghị quyết của Đảng bộ thành phố, là "dấu chân" ngoại giao của lãnh đạo chính quyền Hà Nội tới các nền kinh tế hàng đầu trên thế giới. Đặc biệt hơn cả là sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị trong việc cải thiện môi trường đầu tư, tiên phong trong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, xây dựng chính quyền phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp hợp tác cùng phát triển.
Bài 2: Phát triển giao thông thông minh là xu thế tất yếu