Hà Nội sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính: Khởi đầu cho hành trình còn gian nan

Đúng ngày 1/8 của 10 năm về trước, Hà Nội chính thức mở rộng địa giới hành chính bằng việc hợp nhất Hà Nội cũ với toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình).

Từ quyết định mang tính kiến tạo ấy, Hà Nội đã đi những bước vững chắc và bài bản để xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển. Trong không khí hào hứng của ngày kỷ niệm, đi trên các đại lộ thênh thang Thăng Long, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, ngắm những cây cầu hiện đại Nhật Tân, Vĩnh Tuy vươn mình qua  sông Hồng, những khu đô thị văn minh Cipucha, Times City, những tòa cao ốc nổi bật… cảm nhận sâu sắc những đổi thay kỳ diệu đã tạo nên tầm vóc mới cho Thủ đô yêu dấu.

Dần hoàn thiện khung hạ tầng giao thông

Chú thích ảnh
Phía Tây Hà Nội yếu tố hạ tầng phát triển nhanh chóng. Ảnh: Hoàng Dương

Để có sự “thay da, đổi thịt” của bộ mặt thành phố đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của các cấp - ngành;  trong đó, ngành giao thông vận tải đóng vai trò quan trọng vào việc phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ  phát triển kinh tế - xã hội, tạo lập không gian sống văn minh ở Thủ đô.

Khi mới sáp nhập, khu vực mở rộng tuy là vùng giáp ranh, hệ thống hạ tầng giao thông vận tải đã có tính gắn kết mật thiết và ảnh hưởng lẫn nhau, nhưng do chính sách đầu tư và cơ chế quản lý khác nhau dẫn đến thiếu đồng bộ về quy mô cũng như hạ tầng kỹ thuật. Thành phố Hà Nội vẫn còn thiếu nhiều hệ thống cầu vượt sông tại những nơi địa giới hành chính cũ là sông và mương thủy lợi lớn.

Hình ảnh những cây cầu tạm, cầu yếu vắt vẻo đưa người dân qua sông là nỗi ám ảnh của nhiều địa phương ngoại thành phía Tây Hà Nội. Hệ thống vận tải hành khách công cộng cũng chưa phát triển, toàn hệ thống mới chỉ có 60 tuyến buýt của Hà Nội và 8 tuyến buýt của Hà Tây.

Nhận diện được những khó khăn đó, ngay sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã tham mưu với thành phố lập Quy hoạch Giao thông Vận tải Thủ đô nhằm kết nối đồng bộ hạ tầng giữa các địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Sau khi quy hoạch được phê duyệt, thành phố đã xây dựng và ban hành hàng loạt nghị quyết, đề án và tập trung đầu tư.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, định hướng chính xác của Chính phủ và chính quyền thành phố, các nguồn lực, thế mạnh về đất đai, con người, công nghệ… của từng quận, huyện sau khi hợp nhất đã được khai thác, phát huy và sử dụng hiệu quả. Việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong những năm qua đã phát triển đáng kể, thể hiện bằng chỉ tiêu diện tích đất dành cho giao thông tăng khoảng 0,28% đất đô thị/năm.

Trong 10 năm qua, hạ tầng giao thông đã có những bước phát triển vượt bậc, từng bước kết nối đồng bộ giữa các khu vực, địa phương với nhau. 6 tuyến cao tốc quan trọng kết nối vùng, lấy Thủ đô làm trung tâm đã hoàn thành, đưa vào khai thác như: Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Hải Phòng; Pháp Vân - Cầu Giẽ... thúc đẩy giao thương, văn hóa, góp phần khẳng định vị thế và sự phát triển ổn định, bền vững của Thủ đô.

Khu vực nội đô, nhiều tuyến đường như: vành đai 1, vành đai 2 và một số đoạn tuyến của vành đai 2,5 cùng vành đai 3 và 3,5...  được tích cực triển khai xây dựng; Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài được mở rộng; đưa vào vận hành tuyến buýt nhanh BRT...

Ngoài ra, thành phố đang phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục đẩy nhanh tiến độ nhiều công trình giao thông có ý nghĩa quan trọng như các tuyến đường sắt đô thị: số 2A (đoạn Cát Linh - Hà Đông), số 3 (đoạn Nhổn - ga Hà Nội); vành đai 3 trên cao và dưới thấp (đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long); cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình; tuyến đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ)...

Sở Giao thông Vận tải đã hoàn thành được 223 km đường xây mới; tổ chức xây dựng và hoàn thành 3 cây cầu lớn là Nhật Tân, Vĩnh Tuy và Vĩnh Thịnh; xây mới 9 cầu vượt nhẹ trực thông tại các “điểm đen” ùn tắc giao thông như cầu vượt nút giao Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng; cầu vượt nút giao Chùa Bộc – Thái Hà; nút giao Trần Khát Chân – Đại Cồ Việt; Nguyễn Chí Thanh – Kim Mã…; xây mới 33 cầu đi bộ, 37 hầm bộ hành, 8 hầm chui cơ giới và 68 hầm chui dân sinh.

Hệ thống giao thông nông thôn cũng có nhiều khởi sắc, đã thay thế hàng chục cầu yếu, cầu cũ tăng cường kết nối khu vực nông thôn, ngoại thành với đô thị trung tâm, đường trục xã, liên xã, trục thôn, đường trục chính nội đồng được cứng hóa. Đường ngõ, xóm được bê tông hóa… đáp ứng mong mỏi của người dân ngoại thành vùng mở rộng và mang lại nét khởi sắc cho bộ mặt nông thôn.

Mạng lưới vận tải hành khách bằng xe buýt Hà Nội có những bước chuyển mình ấn tượng. Cho đến nay đã có 112 tuyến, tăng 51 tuyến so với năm 2008, vận chuyển hơn 430 triệu lượt hành khách/năm (tăng 64%), bao phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã.

Chị Lê Thị Thanh Huyền quận Đống Đa (Hà Nội) nhận xét, giao thông phát triển đến đâu, kinh tế - xã hội của địa phương đi lên, đời sống người dân được cải thiện đến đó.

Hình ảnh những người dân ngoại thành xã Bột Xuyên (huyện Mỹ Đức) và xã Cao Thành (huyện Ứng Hòa) hân hoan khi cây cầu Mỹ Hòa bắc qua sông Ðáy được khánh thành, đưa vào sử dụng chấm dứt cảnh nín thở qua sông vào mùa nước lũ hay cảnh người dân Đông Anh nô nức cờ hoa trong ngày cầu Nhật Tân, Đông Trù thông xe vẫn còn in đậm trong trí nhớ của chị Huyền.

Tăng cường tính kết nối

Bên cạnh những kết quả đạt được, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị của Thủ đô vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao.

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện, 3 khó khăn chính mà Hà Nội đang gặp hiện nay là hệ thống hạ tầng giao thông khung, trong đó có các tuyến vành đai, đường sắt đô thị, cầu vượt sông... chưa phát triển hoàn thiện.

Quỹ đất dành cho giao thông tĩnh quá ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Nguồn vốn ngân sách đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông còn eo hẹp, việc kêu gọi đầu tư xã hội hóa còn gặp khó khăn.

Về định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian tới, ông Vũ Văn Viện cho biết, trước mắt cần tập trung tối đa mọi nguồn lực để đầu tư cho khu vực trung tâm từ vành đai 4 trở vào, cơ bản khép kín các tuyến đường vành đai 1; 2; 2,5; 3; 3,5. Cùng đó là hoàn thành hệ thống cầu vượt sông Hồng và một số trục đường hướng tâm, đường trục chính đô thị chủ yếu, đường vành đai 2 trên cao.

Trong định hướng phát triển hệ thống hạ tầng giao thông khung trên địa bàn, thành phố định hướng đầu tư công trình giao thông kết nối đô thị vệ tinh và khu vực ngoại thành với khu vực đô thị trung tâm thành phố cũng như một số tỉnh lân cận, thông qua các tuyến đường vành đai, hướng tâm, đường sắt đô thị và trục đô thị có tính kết nối.

Bên cạnh, Hà Nội quan tâm đặc biệt đến hệ thống giao thông tĩnh và sẽ sớm hoàn thành 4 bến xe khách liên tỉnh: Yên Sở, Cổ Bi, Sơn Tây, Đông Anh; 6 bãi đỗ xe ngầm bên trong vành đai 3; một số bãi đỗ xe ngầm, nổi và cao tầng khác trên địa bàn thành phố theo quy hoạch.

Chặng đường xây dựng hạ tầng giao thông cho Thủ đô thời gian tới còn nhiều khó khăn, thử thách, những gì đã làm được mới chỉ là bước khởi đầu cho một hành trình còn rất gian nan, nhưng bức tranh Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại sẽ được xây dựng bằng lòng tin “ Ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay” từ chính những thành tựu đã đạt được sau 1 thập kỷ mở rộng địa giới hành chính vừa qua.

Tuyết Mai - Văn Cảnh (TTXVN)
Hà Nội kỷ niệm 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính
Hà Nội kỷ niệm 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính

Sáng 28/7, tại Trung tâm hội nghị Quốc gia (Mỹ Đình-Hà Nội), Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội (1/8/2008 - 1/8/2018), đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN