Hà Nội sắp xếp 7 đơn vị hành chính xã, phường

Chiều 4/12, ngày làm việc thứ hai của Kỳ họp thứ 11, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính xã, phường trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019 - 2021, với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt biểu quyết tán thành.

Chú thích ảnh
Quang cảnh kỳ họp HĐNĐ thành phố Hà Nội. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Theo đó, đối với quận Hai Bà Trưng, sáp nhập phường Nguyễn Du với phường Bùi Thị Xuân và một phần diện tích tự nhiên, dân số của phường Ngô Thì Nhậm (từ số nhà 52 đến số nhà 214 phố Huế). Tên đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp là phường Nguyễn Du, có diện tích tự nhiên 0,52 km2, dân số là 11.399 người.

Bên cạnh đó, sáp nhập phần diện tích tự nhiên và dân số còn lại của phường Ngô Thì Nhậm (trừ phần diện tích tự nhiên và dân số từ số nhà 52 đến số nhà 214 phố Huế) với phường Phạm Đình Hổ. Đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp là phường Phạm Đình Hổ, có diện tích tự nhiên 0,48 km2, dân số là 12.611 người.

Đối với huyện Phúc Thọ, sáp nhập xã Cẩm Đình với xã Xuân Phú thành một đơn vị hành chính mới là xã Xuân Đình với diện tích tự nhiên 9,162 km2, dân số là 8.812 người. Đồng thời, sáp nhập xã Phương Độ với xã Sen Chiểu. Tên đơn vị hành chính mới sau sắp xếp là xã Sen Phương. Đơn vị hành chính này có diện tích tự nhiên 7,889 km2, dân số là 11.752 người.

Đối với huyện Phú Xuyên, sáp nhập xã Thụy Phú với xã Văn Nhân. Tên đơn vị hành chính mới sau sắp xếp là xã Nam Tiến, có diện tích tự nhiên 6,5 km2, dân số là 8.638 người.

HĐND thành phố Hà Nội giao UBND thành phố hoàn thiện hồ sơ đề án, báo cáo Bộ Nội vụ để trình Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định. Bên cạnh đó, qua rà soát, toàn thành phố không có đơn vị hành chính cấp huyện phải thực hiện việc sắp xếp.

Sau khi sắp xếp, thành phố Hà Nội còn 579 đơn vị hành chính cấp xã (383 xã, 175 phường và 21 thị trấn), giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã (2 phường, 3 xã). Năm đơn vị hành chính cấp xã đề nghị chưa tiến hành việc sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 là phường Hàng Bạc và phường Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm); xã Kim An (huyện Thanh Oai), xã Mỹ Thành (huyện Mỹ Đức); xã Vân Hà (huyện Phúc Thọ).

Chiều cùng ngày, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV cũng đã thông qua Nghị quyết về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp thành phố Hà Nội năm 2020. Cụ thể, tổng biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2020 và quyết định giao biên chế cho các cơ quan của thành phố, quận, huyện, thị xã có 9.479 biên chế hành chính. Về biên chế sự nghiệp có 142.564 biên chế; trong đó, có 122.765 biên chế viên chức, lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 10.869 chỉ tiêu, lao động hợp đồng theo định mức là 8.930 chỉ tiêu.

Nghị quyết giao UBND thành phố tổ chức triển khai giao biên chế hành chính, sự nghiệp theo đúng Nghị quyết của HĐND thành phố cùng với giao chỉ tiêu kinh tế, xã hội để các cơ quan, đơn vị chủ động thực hiện ngay từ đầu năm. Trong năm 2020, nếu có phát sinh (tăng hoặc giảm) so với Nghị quyết HĐND thành phố về biên chế hành chính, sự nghiệp (bao gồm cả số lượng dự phòng công chức hành chính và viên chức sự nghiệp), UBND thành phố thống nhất với Thường trực HĐND thành phố trước khi thực hiện và báo cáo HĐND thành phố Hà Nội vào kỳ họp trong năm 2020.

Văn Cảnh - Nguyễn Thắng (TTXVN)
Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã: Khó xử lý các cán bộ, công chức dôi dư
Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã: Khó xử lý các cán bộ, công chức dôi dư

Ngày 16/11, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp Phiên toàn thể lần thứ 23, thẩm tra Tờ trình và Đề án của Chính phủ về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019- 2021 của các tỉnh: Hòa Bình, Bắc Giang, Điện Biên, Bình Thuận, Phú Yên, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Phú Yên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN