‘Hà Nội - Ngày trở về’ của người lính phòng không, không quân

“Cậu đáng lẽ phải ở nhà, rồi đi sang nước ngoài học để khi kháng chiến thành công về xây dựng đất nước. Tại sao lại lên đây, nhỡ ra hy sinh thì có phải phí không?”, 69 năm trôi qua nhưng lời trách nhẹ nhàng, tình cảm đó của những người lính xa lạ trong ngày đầu nhập ngũ vẫn văng vẳng bên tai thiếu tướng Vũ Ngọc Diệp - nguyên Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, nguyên Phó Chánh thanh tra Bộ Quốc phòng.

Hơn cả tình đồng chí

Tuổi 15 trong tâm thức của nhiều người đó là tuổi ăn, tuổi chơi, tuổi cắp sách đến trường. Nhưng với chàng thiếu niên Vũ Ngọc Diệp, lúc bấy giờ chính là độ tuổi “chín muồi” để gia nhập đội thanh niên xung phong, góp một phần sức lực mở tuyến đường huyết mạch 1B (Bắc Sơn - Đình Cả).

Ông kể, ông vốn sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Kinh Kỳ (Hà Nội), khi ông 9 tuổi cũng là lúc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra vô cùng ác liệt, gia đình ông phải tản cư lên vùng quê Phú Thọ. Trên mảnh đất này, những ký ức về tuổi 15, in dấu chân lên tuyến đường 1B đã trở thành một trong những mảnh ký ức đáng trân quý nhất cuộc đời của ông.

Chú thích ảnh
Thiếu tướng Vũ Ngọc Diệp là một trong những chiến sĩ vinh dự đi trong đoàn quân trở về tiếp quản Thủ đô.
Chú thích ảnh
Thiếu tướng Vũ Ngọc Diệp xem lại những bức ảnh kỷ niệm.

Thiếu tướng Vũ Ngọc Diệp bồi hồi nhớ về những ngày đầu tháng 2/1954, khi ông chuyển từ thanh niên xung phong sang bộ đội; cái giây phút hồi hộp, lo lắng khi đi khám sức khỏe. Là một trong những người trẻ tuổi nhất, ông sợ sẽ bị loại không thể ra trận, chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước. Nhưng rất may mắn, chàng trai trẻ đã đủ tiêu chuẩn và trở thành tân binh của Tiểu đoàn 29, Trung đoàn 88, Đại đoàn 308. Sau thời gian được huấn luyện nghiêm ngặt, ông được chuyển lên bổ sung cho đơn vị tại lòng chảo Điện Biên, tiếp tục học tập và chiến đấu trong những ngày tháng cam go nhất.

Những ngày đặt chân vào quân ngũ, ông khắc ghi từng câu nói, từng sự quan tâm của những người anh, người chú “có duyên” gặp gỡ trong những buổi đầu nhập ngũ. “ Tôi đi bộ đội mới có 16, trẻ con nhất trong đơn vị. Mọi người ai cũng giúp đỡ vì thấy còn bé. Hồi đó tôi học hết cấp 2 rồi bắt đầu đi bộ đội, thành ra nhớ nhất lúc mới gặp mặt, các anh, các chú bảo rằng: Cậu đáng lẽ phải ở nhà, rồi đi sang nước ngoài học để khi kháng chiến thành công về xây dựng đất nước. Tại sao lại lên đây, nhỡ rồi hy sinh thì có phải phí không?” - vị Phó tư lệnh của một thời hồi nhớ.

Trong giây phút đó, ông đã cảm nhận được hơi ấm, tình yêu thương từ những người xa lạ. Chỉ một câu nói, một sự quan tâm nhỏ nhưng có sức tác động to lớn đến tâm tư, nỗi lòng của chàng tân binh phòng không. Dù cách đây vài phút chỉ là những con người xa lạ, chưa một lần gặp mặt, nhưng từ lâu, trong lòng mỗi người đã nung nấu một mục tiêu, một quyết tâm chung- bảo vệ nền độc lập của nước nhà. Những người lính bất giác quên đi xuất thân, quên đi tuổi tác... xích lại gần nhau, quan tâm, giúp đỡ nhau như anh em ruột thịt trong gia đình.

Theo mạch ký ức, Thiếu tướng Vũ Ngọc Diệp hồi tưởng lại quãng thời gian cùng học tập, sinh hoạt,  chiến đấu với anh em, đồng chí: “Ban ngày thì đi bắn súng, lăn lê bò toài... còn buổi tối thì đọc báo, sinh hoạt. Chiều về tắm giặt, ăn cơm chiều, xong lại bắt đầu sinh hoạt. Bây giờ có nhiều phương tiện, có đài, có tivi, chứ bấy giờ có cái gì đâu".

Chú thích ảnh
Thói quen đọc báo in đã ăn sâu vào tiềm thức của ông từ những ngày đầu nhập ngũ.

Ông nhớ mãi những đợt quân địch đánh liên tục cả ngày cả đêm, những người lính phòng không trong đơn vị ông chia thành 2 kíp thay nhau trực ngoài trận địa. Hàng ngày thay ca một lần, mọi sinh hoạt đều diễn ra tại trận địa, việc cơm nước sẽ có anh nuôi hỗ trợ. Tình cảnh lúc bấy giờ vô cùng vất vả, gian khổ, những người lính luôn trong tâm thế “chỉ trực địch vào là đánh luôn, vì đánh nhau với máy bay chứ không phải đánh nhau với bộ binh. Vèo cái là nó đến.

Để nắm bắt được thông tin, mỗi đại đội được phát một tờ báo in và trong mỗi bữa ăn cử một người đọc báo cho cả đại đội nghe. "Ở đơn vị, tôi chuyên nhận nhiệm vụ đọc báo, vì là chiến sĩ có trình độ văn hóa, cũng có giọng đọc dễ nghe. Mà đã đọc báo thì phải ăn sau, lúc các anh em ăn thì mình phải đọc. Bù lại, các anh nuôi bao giờ cũng “ưu ái” để lại suất cơm cho đầy đặn hơn những người khác. Nhiều đồng chí đùa vui rằng sao lại để cho nó nhiều thế? Mọi người mới bảo, thế thì mời cậu lên đọc. Giờ ai lên đọc thì cũng được như thế... .” - người lính già nhớ lại.

Chú thích ảnh
Hàng trăm bức ảnh kỉ niệm được ông Diệp cẩn thận cất giữ, nhưng....
Chú thích ảnh
..... không còn những kỉ vật, những bức ảnh chụp cùng đồng đội trong những năm hào hùng giải phóng thủ đô.

Với nhiều người, đó chỉ là những câu nói đùa vui, tếu táo, những mẩu chuyện nhỏ nhặt đời thường nhưng với người lính không quân Vũ Ngọc Diệp, đó là mảnh ký ức thấm đẫm tình đồng chí. Từ những buổi đầu còn xa lạ, được các anh, các chú trong quân đội hết lòng giúp đỡ, chỉ bảo, ông Diệp đã nhanh chóng hòa nhập với môi trường quân đội và gắn bó thân thiết với các đồng chí trong đơn vị.

Trải qua gần 7 thập kỷ, đến hiện tại, mỗi khi nhớ về những người đồng đội - “những người thầy đầu tiên”, gương mặt thiếu tướng Diệp không giấu nổi niềm vui và niềm biết ơn sâu sắc. Ông luôn nâng niu, luôn dành một “vị trí trang trọng” để lưu giữ những ký ức đó.

Hà Nội - Ngày trở về

Theo lời kể của thiếu tướng Vũ Ngọc Diệp, ngoài việc học cách chiến đấu, cách sử dụng vũ khí... trong môi trường quân đội, ông cùng những đồng đội được học tập, trau dồi từng điều đời thường nhất. “Phần lớn bộ đội của ta là anh em ở nông thôn, thành thị rất ít, thành ra trước khi vào tiếp quản Hà Nội, được học tập rất kỹ từ những thứ nhỏ nhặt nhất như sử dụng nhà vệ sinh, cách ngồi ghế sa lông...” ông kể lại.

Ngày 9/10/1954, đơn vị của ông trở về Hà Nội trước một ngày để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, khi ấy đơn vị của ông tập kết tại vị trí của Đại học Bách khoa bây giờ. Trở lại Thủ đô sau nhiều năm xa cách, ông Vũ Ngọc Diệp không giấu nổi niềm vui, niềm xúc động nghẹn ngào. Ông lặng ngắm từng con đường, con phố nhỏ xưa cũ, từng căn nhà rêu phong, cổ kính... .

Ký ức lớp lớp ùa về, ông nhớ mái ấm gia đình 5 người, nhớ quãng thời gian học tập vui vẻ tại Hà Nội, làm bất cứ việc gì cũng có nhau. Giờ đây, ông đã trở lại mảnh đất thân thương, nhưng mọi thứ chưa được trọn vẹn. Lúc bấy giờ gia đình ông vẫn sinh sống tại Phú Thọ, ông chưa thể gặp lại họ, tâm sự về quãng thời gian rèn luyện trong quân ngũ, xông pha chiến trường và chia sẻ niềm vui chiến thắng. Nhưng dường như điều này không làm người thanh niên trẻ buồn lòng,  bởi những tháng ngày xa nhà đã tôi luyện ý chí, bản lĩnh và tâm hồn ông. Trước niềm vui độc lập của Thủ đô, ông tạm gác lại nỗi niềm riêng tư của mình.

Chú thích ảnh
Cùng hội cựu chiến binh Sư đoàn Phòng không - Không quân Hà Nội thăm chiến trường xưa tại Điện Biên Phủ 11/05/2019.
Chú thích ảnh
Ông cùng đồng đội tham dự lễ kỉ niệm 52 năm ngày ra quân đánh thắng trận đầu của tiểu đoàn tên lửa 61. 

Đúng ngày 10/10, trung đoàn của ông đi từ Đại học Bách khoa theo đường Bạch Mai lên phố Huế. Sau đó, đơn vị ông tiếp quản địa điểm Bảo tàng Cách mạng bây giờ và được giao nhiệm vụ canh gác từ vị trí đó lên đầu cầu Long Biên. Ông cùng đồng đội của mình bước đi đầy hiên ngang trong không khí rạo rực, hàng ngàn, hàng vạn lá cờ đỏ sao vàng tung bay phất phới. Các băng rôn, khẩu hiệu “Hồ Chủ tịch muôn năm!”, “Hoan hô đoàn quân chiến thắng trở về!” cũng đỏ rực các con đường.

“Khi thực dân Pháp chưa rút quân, chúng ngăn cản việc cắm cờ, dân mình không dám ra đường, thế nhưng khi quân Pháp vừa rút, người dân đi đến đâu cắm cờ đến đó… và chào đón bộ đội nồng nhiệt bằng những tiếng vỗ tay, tiếng reo hò không ngớt”, ông tự hào nhớ lại.

Sau thời khắc lịch sử đó, cuộc đời ông Vũ Ngọc Diệp đã rẽ sang một chương mới. Từ năm 1955, ông được chọn về Đại đoàn 367, trở thành trắc thủ rađa và được cử đi học khí tài tên lửa. Sau khi đất nước sạch bóng quân thù, ông Vũ Ngọc Diệp vẫn tiếp tục công việc của mình trong quân đội. Sau nhiều nỗ lực, ông được giữ chức Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân và sau đó là Phó Chánh thanh tra Bộ Quốc phòng.

Chú thích ảnh
Những chuyến công tác với cương vị là Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân.

Mặc dù đã về hưu sau 48 năm cống hiến trong quân đội, nhưng mỗi ngày lễ kỷ niệm quan trọng, ông lại cùng hội cựu chiến binh Sư đoàn Phòng không - Không quân Hà Nội về thăm chiến trường xưa tại Điện Biên Phủ, thăm địa đạo Củ Chi... cùng chia sẻ những câu chuyện về một thời đã đi qua. Dù vậy, đến bây giờ điều làm ông tiếc nuối nhất đó là từ ngày Hà Nội giải phóng, ông và những người đồng đội năm xưa “cùng vào sinh ra tử” chưa có dịp gặp mặt để hàn huyên tâm sự về cuộc sống hiện tại, về những ngày tháng kiên cường, bất khuất. Phần vì tuổi cao sức yếu, phần vì đồng đội của ông phần lớn ở các tỉnh nên việc tìm kiếm địa chỉ, thông tin liên lạc của đồng đội cũ rất khó khăn... Song, người chiến sĩ già luôn vững tin rằng những người đồng đội cũ luôn sống vui vẻ, khỏe mạnh, không ngừng cống hiến cho Tổ quốc.

Hồng Phượng/ Báo Tin tức
Nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10
Nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10

Chào mừng kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023), thành phố Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động trang trí, cổ động trực quan và biểu diễn chương trình nghệ thuật chào mừng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN