Ngày 28/12, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của Ban Chỉ đạo Chương trình số 01-CTr/TU Thành ủy khóa XVII, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện tốt Nghị quyết số 04-NQ/TU của Thành ủy về tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo, trọng tâm là công tác quy hoạch cán bộ các cấp và triển khai kế hoạch luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ thành phố bảo đảm vừa đào tạo, phát huy năng lực, sở trường của cán bộ, vừa phòng, chống tiêu cực.
Nhấn mạnh những nhiệm vụ trong năm 2022 sẽ rất khó khăn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình số 01-CTr/TU ngày 17/3/2021 về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025”, bảo đảm tương xứng với chương trình “xương sống” trong các chương trình công tác toàn khóa XVII.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, chuyên đề, đề án, đề tài, kế hoạch, quy định thực hiện Chương trình; tiếp tục tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn trong Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh theo quy định của Đảng, đặc biệt là theo Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”...; thực hiện công tác quy hoạch cán bộ các cấp và triển khai kế hoạch luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ thành phố bảo đảm vừa đào tạo, phát huy năng lực, sở trường của cán bộ, vừa phòng, chống tiêu cực.
Theo Phó trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Nguyễn Hồng Nhật, sau khi Chương trình số 01-CTr/TU được ban hành, Ban Chỉ đạo chương trình đã giao cho 11 cơ quan, đơn vị chủ trì triển khai thực hiện 34 chuyên đề, đề án, đề tài, kế hoạch. Đến nay, có 16 nội dung đã hoàn thành, 8 nội dung đã hoàn thành dự thảo, đang trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt. Còn lại 10 đề án, đề tài, chuyên đề, kế hoạch đang được các cơ quan chủ trì triển khai thực hiện. Các nội dung trong Chương trình số 01-CTr/TU được các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, đạt kết quả cao. Năng lực lãnh đạo của các cấp ủy, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp được nâng lên. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng được phát huy, hoạt động thiết thực.
Ban Thường vụ Thành ủy và các cấp ủy Đảng tăng cường đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, coi trọng việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, phân công rõ người, rõ việc. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức, trách nhiệm, tính chủ động của các cấp ủy Đảng, các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị, xử lý nghiêm một số cán bộ còn lơ là, thiếu trách nhiệm trong phòng, chống dịch COVID-19...
Về công tác cải cách hành chính, thành phố Hà Nội đã sớm thành lập các tổ công tác đặc biệt nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021; chỉ đạo nhiều giải pháp quyết liệt nhằm cải thiện, nâng cao các chỉ số đánh giá về hiệu quả hoạt động của chính quyền... Các sở, ngành, UBND các cấp đã tập trung rà soát, đánh giá 5 nhóm thủ tục hành chính; công bố danh mục 557 thủ tục hành chính, thay thế 150 thủ tục hành chính và bãi bỏ 520 thủ tục hành chính...
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng, năm 2021 là năm thử thách năng lực lãnh đạo từ thành phố đến chi bộ, là thước đo đối với năng lực lãnh đạo của từng tổ chức cơ sở Đảng, đã cho thấy chi bộ địa bàn dân cư rất quan trọng. Từ thực tế đó đã đặt ra yêu cầu thành phố phải tập trung củng cố hệ thống chính trị từ cơ sở.
Tại hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm, cách làm hiệu quả như đổi mới công tác cán bộ, kịp thời luân chuyển khi có biểu hiện không hoàn thành nhiệm vụ; kiểm tra, xử lý ngay cán bộ, công chức có biểu hiện sai phạm; đổi mới tổ chức họp giải quyết công việc, sinh hoạt chi bộ trong bối cảnh dịch COVID-19... Các ý kiến cũng nêu lên một số khó khăn, hạn chế, như việc phân cấp còn chưa rõ đầu mối, cơ quan kiểm soát, việc thực hiện một số thủ tục hành chính còn chậm... Cũng có ý kiến kiến nghị thành phố có cơ chế thu hút nhân sự có chuyên môn cao về làm việc ở cấp xã…