Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu
Trong Bảo tàng Chiến thắng B-52, có một nhóm người nhịp chân chậm dần theo tuổi tác đang dừng bước tại khu trưng bày hình ảnh, hiện vật của quân, dân miền Bắc trong trận chiến cuối năm 1972. Những người tóc bạc mái đầu đó là những ông, bà Phạm Thị Viễn, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Thị Hiếu…, ở tuổi đôi mươi, họ là thành viên của liên đội tự vệ bắn rơi chiếc F-111A trên bầu trời Thủ đô.
Đứng trước bức ảnh chụp cô gái quấn khăn tang bên mâm pháo cao xạ, ký ức hào hùng lại quay về với những người tự vệ Thủ đô năm xưa. Ký ức ấy nói rằng, 12 ngày đêm cuối năm 1972, các thành viên liên đội tự vệ ba nhà máy: Cơ khí Lương Yên, Cơ khí Mai Động và Gỗ Hà Nội vừa lao động sản xuất vừa luyện tập, chiến đấu trong các trận địa pháo tầm thấp ở Hà Nội. Bất kể ngày đêm, họ sẵn sàng trực chiến, chuyển đạn, cứu thương, cứu sập hầm...
Cuối chiều 22/12/1972, liên đội tự vệ được lệnh cơ động 5 khẩu pháo 14,5mm tập kết ở Vân Đồn. Nòng pháo đồng loạt hướng về sông Hồng, nhìn thẳng sang cầu Long Biên để đón lõng máy bay địch đến từ hướng dãy Tam Đảo, theo mặt nước sông Hồng vào tập kích Hà Nội. Chỉ huy trận địa là Trung úy Hoàng Minh Giám, một sĩ quan của Quân khu Thủ đô.
Khoảng 20 giờ 30 phút, Hà Nội có báo động. Đèn thành phố đều vụt tắt. Tất cả sẵn sàng chiến đấu. Đến 21 giờ 30 phút, máy bay địch xuất hiện, bay thấp theo mặt nước sông Hồng. Liên đội tự vệ nhận lệnh nổ súng, các khẩu pháo đồng loạt khạc đạn. Chiếc F-111A cháy rừng rực. Chừng 30 phút sau, xe quân sự của quận Hai Bà Trưng chạy đến. Một sĩ quan nhảy xuống hồ hởi: “Liên đội vừa bắn phải không. Một chiếc cánh cụp, cánh xoè rơi rồi nhé”. Đội tự vệ ôm lấy nhau, vui sướng không sao tả xiết.
Về thời khắc lịch sử đó, ông Nguyễn Văn Trung, nguyên tự vệ Nhà máy cơ khí Mai Động bùi ngùi nói: “Với chiến công này, liên đội tự vệ vinh dự đón Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và biểu dương. Đây cũng là lúc chúng tôi nhớ thương những đồng đội và nhân dân đã hy sinh, thương tật, mất mát...”.
Đồng đội mà ông Trung nhắc là xạ thủ Phạm Thị Viễn, cô gái đeo khăn tang trong bức ảnh. Nay bà Viễn tóc đã pha sương, là bà nội, bà ngoại. Đến Bảo tàng, ký ức một thời lại sống động trong bà. Năm 1967, cô thợ nguội Phạm Thị Viễn bị thương trong trận bom địch rải xuống làng Tương Mai. Vết sẹo lớn trên cổ khiến bà suốt thời con gái phải quàng khăn. Nhưng đau đớn hơn, mẹ bà cũng mất trong trận bom đó. Hôm sau, Phạm Thị Viễn nộp đơn xin vào Đội Tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động. Rồi đêm 26/12/1972, bom B-52 lại cướp đi sinh mệnh bố bà.
Nhớ lại đau thương, bà Phạm Thị Viễn cho hay, rạng sáng 27/12, liên đội tự vệ đang trực chiến thì hai người em gái bà chạy đến khóc, báo tin dữ: “Bố bị trúng bom chết rồi”. Bà Viễn như ngất đi. “Tôi và hai em về làng Tương Mai nhưng không sao tìm được thi thể bố. Căn hầm ông trú ẩn bây giờ là hố bom sâu hoắm. Mãi ba ngày sau mới tìm thấy, nhưng bố chỉ còn một phần thân thể”- Bà Viễn nghẹn ngào kể lại.
Mất mát quá lớn và sự quả cảm của xạ thủ Phạm Thị Viễn được nhà thơ Tố Hữu nhắc đến trong bài thơ Máu và Hoa:
“… Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu
Hỡi em gái mất cha, mất mẹ
Nước mắt em làm nhòa mặt quân thù
Em phải bắn trúng đầu giặc Mỹ…”
Tư thế của người chiến thắng
Hồi ức của bà Phạm Thị Viễn cũng là những ám ảnh đã đeo đẳng hàng ngàn nhân chứng ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. 50 năm qua, họ không thể quên kẻ thù đã sử dụng B-52, thứ vũ khí giết người man rợ để "đưa miền Bắc và Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá". Mục đích đánh phá Hà Nội của kẻ thù là nhằm khuất phục dân tộc Việt Nam, dập tắt khát vọng Thống Nhất - Hoà Bình của người Việt Nam để chiếm ưu thế trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris.
“Linebacker II” là chiến dịch ném bom dữ dội nhất trong chiến tranh Việt Nam và là một trong những cuộc tập kích đường không có cường độ cao nhất trong lịch sử chiến tranh của loài người. 12 ngày cuối năm 1972, Không lực Mỹ đã ném khoảng 40 nghìn tấn bom xuống Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc, làm gần 2.400 người chết và 1.355 người khác bị thương. Thủ đô Hà Nội là nơi bị bom B-52 tàn phá nhất. Những vệt bom huỷ diệt sự sống của con người kéo dài từ ga Hàng Cỏ đến ga Văn Điển, qua ga Giáp Bát. Nhiều phố phường, khu dân cư bị hủy diệt như: Khâm Thiên, Phương Liệt, Làng Tám, Tương Mai, An Dương, khu tập thể Mai Hương. Nhà trẻ, trường học rồi Bệnh viện Bạch Mai và nhiều cơ sở y tế bị san phẳng...
Cho đến ngày hôm nay, bà Trần Thị Xiêm, nguyên dược sỹ Khoa Dược Bệnh viện Bạch Mai vẫn nhớ như in khung cảnh đổ nát của Bệnh viện Bạch Mai vào rạng sáng 22/12/1972, những xác thịt người bị sức mạnh ghê tởm của bom B-52 huỷ diệt, văng ra trong bán kính mấy chục mét. Khoa Cấp cứu, Khoa Da liễu, Khoa Tai – Mũi – Họng bị sập hoàn toàn. Những toà nhà trong bệnh viện gãy đổ, những tảng bê tông cốt thép lớn sụp xuống, chặn lối xuống cửa hầm bị sập.
“Việc tìm kiếm, đào bới tìm người trong hầm bị sập rất khó khăn. Xác của chị nhân viên y tế tên là Thoa nằm chắn lối xuống hầm, đau xót lắm nhưng Ban Giám đốc Bệnh viện lúc đó phải quyết định tháo khớp ra từng đoạn một để đưa chị ấy ra ngoài và cứu những bác sỹ, kỹ thuật viên và y tá ở trong hầm”, bà Trần Thị Xiêm nghẹn ngào nói.
Ghê rợn tội ác man rợ của kẻ thù, lương tri nhân loại đã lên tiếng phản đối. Tổng thống Pháp Georges Pompidou tỏ rõ: “Không có ai trong các nhà lãnh đạo các nước đau buồn hơn tôi về việc Mỹ ném bom trở lại và nhất là ném bom dữ dội như thế ở miền Bắc Việt Nam. Vì lý do nhân đạo, vì chúng tôi đã hy vọng sâu sắc là các cuộc thương lượng thành công và thậm chí chúng tôi tưởng rằng sự thỏa thuận đã dứt khoát. Cho nên sự thất vọng của chúng tôi là cay đắng khi thấy Mỹ trở lại ném bom ồ ạt miền Bắc Việt Nam”.
Từ chính nước Mỹ cũng lên án Nixon là “điên dại” và buộc tội ông ta tiến hành chiến tranh để thoả mãn cơn tức giận. Nhân dân Mỹ choáng váng và căm phẫn bởi “món quà giáng sinh đáng buồn” mà Nixon "tặng" cho họ. Hội đồng giáo hội toàn quốc Mỹ lên án kịch liệt: “Các cuộc ném bom là phi đạo lý và độc ác, vượt phạm vi của bất kỳ sự lựa chọn nào đối với đất nước và những người lãnh đạo chúng ta. Hội đồng giáo hội toàn quốc Mỹ kêu gọi Chính phủ và nhân dân Mỹ sám hối để đất nước Mỹ không bị ghê sợ và bị ghét bỏ vì việc sử dụng sức mạnh quân sự vô trách nhiệm chống một nước nông nghiệp”.
Chiến dịch “Linebacker II” của Mỹ gây ra những tổn thất nặng nhưng không khuất phục được dân tộc Việt Nam. Hào khí của mảnh đất ngàn năm văn hiến đã bừng cháy vào tháng Chạp năm ấy. Trong 12 ngày đêm lịch sử, 34 máy bay B-52 đã bị quân dân miền Bắc tiêu diệt, trong đó có 16 chiếc rơi tại chỗ. Đế quốc Mỹ đã phải xuống thang, đề nghị quay lại hoà đàm Paris. Và ngày 8/1/1973, các Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam trở lại bàn đàm phán trên tư thế của người chiến thắng, trong niềm hân hoan của nhân dân yêu chuộng hoà bình toàn thế giới.
Bài cuối: Hà Nội vươn mình đi lên trong thời đại mới