Hà Nội: Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội thảo luận, cho ý kiến các nội dung quan trọng

Sáng 28/11, Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội (khóa XVII) đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ và các đồng chí Phó Bí thư Thành ủy.

Chú thích ảnh
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Hội nghị tập trung thảo luận, thông qua và cho ý kiến các nội dung quan trọng bao gồm: Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực Thành ủy khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025; Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII, Chương trình kiểm tra, giám sát của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố trong nhiệm kỳ 2020-2025 và Kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát năm 2021 của Thành ủy; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 của Thành ủy.

Đồng thời xem xét, cho ý kiến đối với các báo cáo, tờ trình, kế hoạch liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội như: Phương hướng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố giai đoạn 2021-2025; tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của thành phố; định hướng kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025 và 3 năm 2021-2023; tình hình thực hiện ngân sách của thành phố năm 2020, dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp thành phố năm 2021; định hướng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch đầu tư công năm 2021 của thành phố.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, Hội nghị lần thứ hai này có ý nghĩa rất quan trọng, mang tính quyết định đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII. Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu tập trung trí tuệ, phát huy tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng bộ và nhân dân Thủ đô cho ý kiến vào các văn bản trình Ban Chấp hành. 

Nhấn mạnh những kết quả đạt được trong công tác xây dựng Đảng năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021 của Thành ủy, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận phân tích trong bối cảnh khó khăn do tác động của dịch COVID - 19 nhưng kinh tế của Thủ đô vẫn tăng trưởng tích cực, gấp 1,5 lần mức chung của cả nước; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vẫn đạt dự toán và tăng 3,5% so với cùng kỳ. Tình hình dịch bệnh, thời tiết không thuận lợi nhưng nông nghiệp vẫn tăng 4,2%, mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Chú thích ảnh
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trình bày báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Hà Nội là khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất nhưng lĩnh vực dịch vụ vẫn tăng 3,1%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 2,4%, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng hơn 10% so với cùng kỳ; quốc phòng, an ninh, an sinh, phúc lợi xã hội vẫn được đảm bảo. Trong bối cảnh phải tập trung xử lý khối lượng công việc phát sinh rất lớn nhưng năm 2020 thành phố vẫn giải quyết được những vấn đề dân sinh bức xúc kéo dài nhiều năm như hoàn thành xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại 8B Lê Trực; giải quyết hiệu quả và có những chuyển biến bước đầu trong công tác xử lý rác thải ở Sóc Sơn… 

"Phải chăng là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của các cấp, các ngành; truyền thống đoàn kết, trí tuệ, bản lĩnh của Đảng bộ; sự quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn của Thủ đô; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thủ đô và của cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó là sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ban, ngành; sự liên kết chặt chẽ với các địa phương trong kết nối giao thương. Đây có phải là một bài học mà chúng ta cần được đúc kết để tiếp tục phát huy trong những năm tiếp theo", Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ gợi mở.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình, tập trung thảo luận tìm ra nguyên nhân hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước của thành phố vẫn kém hiệu quả; công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước vẫn còn chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra; công tác giải ngân vốn đầu tư công tuy có tăng so với cùng kỳ nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; một số chỉ tiêu không đạt so với kế hoạch, chỉ số SIPAS và PAPI còn ở mức thấp. "Tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, rác thải vẫn chậm được giải quyết. Nguyên nhân do chưa quyết liệt, tập trung xử lý, vướng mắc cơ chế, chính sách hay chưa tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân, trong cộng đồng doanh nghiệp?", Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đặt câu hỏi.

Thảo luận tại hội nghị, đa số ý kiến đều bày tỏ sự nhất trí cao với các dự thảo và báo cáo đã được trình bày. Các đại biểu đánh giá cao nội dung các quy chế, chương trình công tác được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, bảo đảm tính khoa học, kết cấu chặt chẽ, ngắn gọn, súc tích.

Chú thích ảnh
Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Theo đồng chí Đinh Trường Thọ, Bí thư Huyện ủy Thanh Oai, đợt phòng chống dịch COVID -19 vừa qua, thành phố vừa kiểm soát được dịch bệnh vừa tháo gỡ khó khăn phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Trong báo cáo đã nêu cụ thể, kinh tế thành phố Hà Nội đã đạt và vượt 16/20 chỉ tiêu, thu ngân sách đã đạt kết quả cao. Ngoài ra, Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án trong Hội nghị Hà Nội 2020- Hợp tác đầu tư và phát triển, chưa bao giờ công tác cải cách hành chính nhanh đến vậy. 

"Vì sao năm 2020 chúng ta có nhiều khó khăn như vậy mà kết quả đạt được rất toàn diện. Tôi thấy rằng, kết quả đó là do Hà Nội đã thực hiện xuyên suốt chủ đề năm 2020, chính từ khó khăn chống dịch COVID -19, một tinh thần chủ động từ Trung ương đến thành phố đã giúp ta vượt qua", đồng chí Lê Thị Thu Hằng - Bí Thư huyện ủy Phúc Thọ lý giải.

Đồng chí Lê Ngọc Anh, Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên góp ý, việc cơ cấu lại nền nông nghiệp rất quan trọng, đặc biệt là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng những thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của Thủ đô. Cùng với đó, địa phương mong muốn thành phố có giải pháp thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ sớm trình phê duyệt quy hoạch phân khu trên địa bàn huyện Phú Xuyên để kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế xã hội; đồng thời, quan tâm phát triển trục kinh tế phía Nam Thủ đô như: Ngọc Hồi, Phú Xuyên tương xứng với các trục phát triển khác của thành phố, không để khu vực phía Nam trở thành "vùng trũng" phát triển. 

Bí thư huyện ủy Phú Xuyên cũng cho biết, tại Phú Xuyên đang có thực tế "già hóa" đảng viên, công tác phát triển Đảng gặp nhiều khó khăn. Đồng chí mong muốn Thành ủy sẽ có chỉ đạo nhằm khắc phục thực trạng này...

Phát biểu kết thúc phần thảo luận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá cao các ý kiến đóng góp và khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các đại biểu, trong đó có các nội dung về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đồng chí Thành ủy viên, Ban Thường vụ Thành ủy; công tác xét duyệt cử cán bộ đi công tác nước ngoài; giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý...

Tuyết Mai (TTXVN)
Thông tin kết quả Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025
Thông tin kết quả Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025

Ngay sau khi bế mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, chiều 13/0, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã tổ chức buổi họp báo nhằm công bố thông tin, kết quả Đại hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN