Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban soạn thảo Luật Biên phòng Việt Nam chủ trì hội thảo. Hội thảo còn có sự tham dự của lãnh đạo các sở, ngành các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.
Trung tướng Hoàng Xuân Chiến cho biết, đến nay, dự án Luật Biên phòng Việt Nam đã dự thảo lần thứ 2 và tiến hành các bước theo đúng quy trình. Qua các đợt khảo sát, đã nhận được sự ủng hộ, nhất trí cao của các tầng lớp nhân dân cũng như chính quyền địa phương và các sở ban ngành về sự cần thiết xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam.
Trung tướng Hoàng Xuân Chiến nhấn mạnh, tại hội thảo này, các đại biểu cần tập trung thảo luận và cho ý kiến về quy trình, chất lượng công tác chuẩn bị Hồ sơ dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam; một số nội dung cơ bản trong dự thảo lần 2 của Luật Biên phòng Việt Nam, hoàn thiện phiếu khảo sát phục vụ nghiên cứu, xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam. Thông qua hội thảo, Ban Soạn thảo Luật Biên phòng Việt Nam, Bộ Quốc phòng sẽ có thêm nhiều tư liệu quý, nhằm phục vụ xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao.
Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam gồm 7 chương, 32 điều, quy định phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc hoạt động biên phòng; hoạt động cơ bản về biên phòng; lực lượng bộ đội biên phòng; hợp tác quốc tế và phối hợp thực thi hoạt động biên phòng; đảm bảo thực thi hoạt động biên phòng và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức và trách nhiệm của các cá nhân về hoạt động biên phòng.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp về những nội dung cụ thể tại các điều của dự thảo Luật như: Nhiệm vụ biên phòng; biện pháp thực thi nhiệm vụ quốc phòng; vị trí chức năng, quyền hạn của bộ đội biên phòng; phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức về hoạt động biên phòng...
Theo ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị, tại Điều 19 của dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định về "Kinh phí và cơ sở vật chất bảo đảm cho Bộ đội Biên phòng", ngoài nguồn từ kinh phí của Nhà nước cần đưa thêm một nguồn nữa đó là khuyến khích hệ thống chính trị, các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất để nâng cao năng lực, hiệu quả đảm bảo an ninh quốc phòng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình cho rằng, trong quá trình tổ chức thực thi nhiệm vụ lực lượng biên phòng còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể về cơ sở pháp lý, một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng biên phòng chưa được thể hiện đầy đủ và toàn diện tại các văn bản. Bên cạnh đó, về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật cũng chưa đáp ứng đủ yêu cầu; các chính sách đãi ngộ chưa được thỏa đáng.
Do vậy, việc xây dựng Luật Biên phòng là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật cần phải khẳng định rõ ràng và đầy đủ về vị trí pháp lý của nhiệm vụ biên phòng và lực lượng biên phòng. Từ đó, xác định rõ hơn về chức năng, quyền hạn cũng như những điều khoản liên quan đến lực lượng biên phòng nhằm đảm bảo cho công tác biên phòng được thực thi có hiệu quả...