Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, góp ý trực tiếp vào những nội dung quan trọng trong dự thảo văn kiện như: Kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới; tầm nhìn, định hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021- 2030. Các đại biểu cũng cho ý kiến vào dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 -2025...
Theo ông Phạm Quốc Khánh, Ủy viên Hội đồng thành viên Kinh tế (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nam Định, nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh), dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề cập đến vai trò của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Từ thực tế cho thấy, cần thiết phải có cơ chế kiểm soát quyền lực một cách cụ thể nhằm hạn chế vi phạm quy định và tình trạng lạm quyền...
“Bên cạnh các vấn đề cốt lõi như: Xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân thì Đảng, Nhà nước cần nhìn nhận, đánh giá một cách sát thực thành tựu trong hơn 30 năm đổi mới, dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn rút ra bài học kinh nghiệm hữu ích, bổ sung, hoạch định chiến lược phù hợp với đặc điểm thời kỳ hội nhập của nền kinh tế hiện nay”..., ông Khánh chia sẻ.
Ông Trần Đức Minh, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Nam Định cho rằng, về phần tồn tại, hạn chế trong dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX chỉ rõ, trên địa bàn tỉnh vẫn còn những dự án trọng điểm chậm tiến độ kéo dài, gây lãng phí tiền của Nhà nước, bức xúc trong dư luận như: Khu Công nghiệp Mỹ Trung (huyện Mỹ Lộc), Bệnh viện Đa khoa 700 giường (thành phố Nam Định), Nhà máy Nhiệt điện Hải Hậu (huyện Hải Hậu)... Do vậy, tỉnh cần có biện pháp quyết liệt hơn, xây dựng lộ trình cụ thể, tập trung tháo gỡ vướng mắc cho các công trình, dự án này nhằm tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thu hút đầu tư vào địa bàn.
Thời gian tới, chính quyền từ Trung ương đến địa phương cần phải giao trách nhiệm, quy trách nhiệm cho lãnh đạo đơn vị, địa phương liên quan đến những nội dung, phần việc cụ thể trong từng ngành, lĩnh vực phụ trách, đảm nhận. Nếu trường hợp nào để xảy ra sai phạm, chậm tiến độ, kém chất lượng, hiệu quả thấp sẽ có hình thức xử lý kỷ luật thích đáng.
Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Bùi Đức Long nêu ý kiến, từ nhiệm kỳ 2015 - 2020, Nam Định đã hoạch định, xây dựng 3 vùng kinh tế là: Kinh tế biển; khu vực nông nghiệp và công nghiệp dịch vụ gắn với các vùng, miền của tỉnh. Tuy vậy, các khu vực kinh tế này chưa thực sự phát huy hiệu quả. Nền nông nghiệp của tỉnh dù có bước chuyển tích cực song vẫn chưa mạnh và bền vững, tính liên kết trong sản xuất vẫn ở mức nhỏ lẻ. Khu vực công nghiệp, dịch vụ vẫn ở mức trung bình khá, chưa thu hút được doanh nghiệp có vốn lớn, công nghệ cao...
Từ thực tế này, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nam Định cần thực hiện đồng bộ các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện hạ tầng giao thông, các khu, cụm công nghiệp, phát huy vai trò của làng nghề. Là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, Nam Định chú trọng quy hoạch vùng sản xuất lớn, tập trung, ứng dụng tiến bộ khoa học để nâng cao giá trị sản xuất; xây dựng cánh đồng lớn, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thương hiệu nông sản của tỉnh, hình thành nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch để chiếm lĩnh thị trường.
Nam Định cần tiếp tục ban hành thêm những chính sách ưu đãi, thu hút đâu tư vào nông nghiệp, nông thôn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực này. Tỉnh phải kiên quyết thực hiện phương châm không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, thu hút những doanh nghiệp có vốn lớn, công nghệ sạch, tạo nguồn thu lớn cho tỉnh...
Thượng tọa Thích Quảng Hà, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nam Định phân tích, dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cần nêu rõ, vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội, nhân dân trong các lĩnh vực của đời sống, xã hội. “Người dân, đại diện các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội luôn là lực lượng giám sát quan trọng, nắm bắt nhanh nhất các vấn đề diễn ra trong đời sống xã hội. Do đó, khi huy động được sự quan tâm, vào cuộc, giám sát của cộng đồng thì nhất định tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực sẽ được hạn chế, từng bước bị đẩy lùi”, Thượng tọa Thích Quảng Hà lý giải.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nam Định Đoàn Văn Hùng khẳng định: Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thu nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm, xây dựng và trí tuệ vào các văn kiện của Đại hội Đảng. Chủ trương của Đảng ta là luôn mở rộng dân chủ, phát huy trí tuệ, tâm huyết, sự sáng tạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, mọi tầng lớp nhân dân góp ý xây dựng dự thảo các văn kiện của Đảng.
Các ý kiến góp ý của nhân sỹ, trí thức, các tôn giáo, đại diện tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh góp phần xác định chính xác, rõ ràng hơn các luận điểm cơ bản, bổ sung để làm phong phú, chặt chẽ những nhận định, đánh giá về tình hình thực tế; đóng góp những ý tưởng, cách nghĩ, cách làm mới để hoàn thiện các nội dung, giải pháp phát triển cho từng lĩnh vực, vùng, miền của cả nước và từng địa phương.