Gỡ 'nút thắt' về tổ chức hệ thống cơ sở giáo dục đại học

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, sáng 6/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Các đại biểu Quốc hội đều tán thành sự cần thiết, nội dung, phạm vi sửa đổi và cho rằng dự án Luật đã đáp ứng yêu cầu, có thể trình Quốc hội xem xét thông qua. Nhiều ý kiến nhận định, dự thảo Luật đã tạo hành lang pháp lý để các cơ sở giáo dục đại học phát huy tự chủ, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đại học một cách thực chất hơn.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên họp Quốc hội sáng 6/11. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại học Quốc gia, Đại học vùng có nhiệm vụ chiến lược riêng

Dự thảo Luật quy định rõ hệ thống giáo dục đại học Việt Nam bao gồm: trường đại học, học viện (gọi chung là trường đại học); đại học (là tổ hợp các trường đại học; trường trực thuộc) và các cơ sở giáo dục đại học khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Hạt nhân cơ bản của hệ thống là trường đại học với cơ cấu tổ chức chuẩn mực theo thông lệ quốc tế. Học viện được điều chỉnh chung với trường đại học do đây chỉ là tên gọi của một số cơ sở giáo dục đại học đã hình thành và đang tồn tại trong thực tiễn mà không có sự khác biệt so với trường đại học cả về cơ cấu tổ chức, chức năng, sứ mệnh.

Đại học là nhóm các trường đại học, viện nghiên cứu thành viên; trường và các đơn vị trực thuộc khác, cùng hoạt động trong một khuôn khổ pháp lý nhằm gia tăng giá trị, khả năng cạnh tranh, đóng góp của toàn hệ thống đối với xã hội.

Đại biểu Huỳnh Thành Đạt (Thành phố Hồ Chí Minh) nhất trí với quy định về tổ chức của hệ thống cơ sở giáo dục đại học được thể hiện như trong dự thảo Luật. Theo đại biểu, đây là những nội dung có ý nghĩa quan trọng thể hiện quan điểm đổi mới hệ thống giáo dục đại học theo xu thế phát triển của thế giới và phù hợp với thực tiễn Việt Nam đồng thời phân biệt, làm rõ khái niệm đại học, trường đại học, học viện, trường thành viên, viện thành viên trong đại học…; quy định rõ vị trí pháp lý của các loại hình trường, xác định Đại học Quốc gia, Đại học vùng là các đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia trong việc phát triển các vùng của đất nước.

Về định hướng hình thành, phát triển các đại học lớn trong tương lai, đại biểu Huỳnh Thành Đạt tán thành với quan điểm rất mới, mang tính chiến lược lâu dài được thể hiện trong dự thảo Luật là trường đại học có thể chuyển thành đại học, các trường đại học có thể liên kết với nhau để trở thành đại học. “Với cách như vậy có thể sớm có trường đại học mạnh, đạt chuẩn mực khu vực và quốc tế. Ở Hoa Kỳ, châu âu nhất là Cộng hòa Pháp, xu thế này đang diễn ra rất mạnh mẽ và có hiệu quả.

Ở Việt Nam, sau 24 năm xây dựng và phát triển, mô hình Đại học Quốc gia đã chứng tỏ quyết định đúng đắn, mang tầm chiến lược của Đảng, Nhà nước. Hai Đại học Quốc gia đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong đào tạo nghiên cứu khoa học và quản trị đại học; đã đóng góp luận cứ khoa học có giá trị trong xây dựng chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước”, đại biểu Huỳnh Thành Đạt phân tích.

Đồng quan điểm, đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) đánh giá, quy định hai cấp độ tổ chức trong hệ thống đại học là bước đột phá trong việc chuyển một hệ thống giáo dục đại học đóng, khép kín, tĩnh sang một mô hình động, linh hoạt hơn, đảm bảo cho việc phát triển đại học thành những trường đa lĩnh vực, quy mô lớn, mạnh…

Theo đại biểu, trên thế giới, ở mỗi nước, tên gọi, mô hình, cơ cấu tổ chức của các cơ sở giáo dục đại học rất phong phú và đa dạng, không có sự phân định rạch ròi. Việc sửa đổi, bổ sung vừa đảm bảo được yêu cầu giữ ổn định hệ thống nhưng cũng mở ra khả năng cho các trường phát triển theo nhiều mô hình khác nhau miễn là nâng cao chất lượng. Theo đó, các trường đại học (gồm các trường đại học độc lập hoặc trường thành viên trong một đại học) được xác định là hạt nhân cơ bản của hệ thống giáo dục đại học.

Ở một góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) cho rằng, vướng mắc, bất cập hiện tại trong tổ chức bộ máy đại học không nằm ở sự tồn tại của Đại học Quốc gia hay đại học vùng mà nằm ở chính trong bộ máy tổ chức của các trường đó. Đại biểu dẫn chứng, theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII, mô hình đại học vùng được thành lập với 3 mục tiêu chính là: giảm đầu mối quản lý và biên chế; dùng chung nguồn lực về cơ sở vật chất; tập trung đầu tư xây dựng thành đại học mạnh. Thực tế trong 24 năm qua cho thấy, các mục tiêu trên đã không đạt được.

Theo đại biểu, nguyên nhân là do đại học bao gồm các trường đại học thành viên và được tổ chức hai cấp, tức là đại học có bộ máy quản lý riêng của đại học và các trường thành viên lại có bộ máy quản lý riêng của mình đã dẫn đến bộ máy chồng chéo.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, việc phân cấp như hiện tại không tận dụng đầy đủ lợi thế khiến cho tài năng tri thức năng lực hiện đang bị phân tán. Theo ông, Ngân hàng Thế giới góp ý sửa đổi luật lần này theo hướng, nên sắp xếp lại các trường đại học thành viên nằm trong đại học, thống nhất một bộ máy, tổ chức để phát triển thành một đại học đa lĩnh vực tiến tới đào tạo và công nhận quốc tế. "Tôi kiến nghị Quốc hội sửa đổi bộ máy tổ chức của đại học theo tinh thần Nghị quyết 19, Nghị quyết 56, có thể tổ chức bộ máy một cấp, hoặc có thể sắp xếp lại tổ chức bộ máy đại học hoặc có thể bỏ mô hình này," đại biểu Nguyễn Anh Tuấn nêu ý kiến.

Không thể có đại học vô chủ

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Thành phố Hồ Chí Minh) đồng tình với nhiều nội dung dự án Luật và cho rằng những nội dung đó sẽ tạo điều kiện để có nền giáo dục hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu của đất nước và nhân dân.

Cho ý kiến vào từng nội dung cụ thể, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề nghị bổ sung khái niệm “chủ sở hữu” vào quy định cơ sở giáo dục đại học bởi đây là vấn đề rất quan trọng. “Chủ sở hữu có 4 quyền: quyền thành lập, quyền đầu tư, quyền quyết định nhân sự và quyền xử lý chế tài đơn vị này khi vi phạm pháp luật. Nếu không làm rõ vấn đề này sẽ thấy đại học như không có chủ, cái đó rất nguy hiểm. Không thể có đại học vô chủ”, đại biểu nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đối với quy định về Hội đồng trường, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng dự thảo Luật nêu Hội đồng trường đại học công lập là tổ chức đại diện cho quyền chủ sở hữu của nhà nước. "Điều này là chính xác, nhưng chủ sở hữu nhà nước là ai, trong dự thảo chưa xác định. Phải xác định ai là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước để họ quản lý, giám sát các trường", đại biểu nói.

Ngoài ra, chủ sở hữu phải có một số quyền liên quan. Ví dụ Hội đồng trường họp sẽ bầu ra Chủ tịch Hội đồng trường và các thành viên, nhưng tất cả những người này về nguyên tắc phải bảo đảm yêu cầu của chủ sở hữu.

Dẫn chứng cụ thể trường hợp một giáo sư làm hiệu phó rồi được bầu làm hiệu trưởng, bầu xong sang cơ quan quản lý lại không đạt, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng trường hợp đáng tiếc này là do chúng ta đang theo quy trình ngược. “Chúng ta quy định Chủ tịch Hội đồng trường do Hội đồng trường bầu theo nguyên tắc đa số, theo tôi là ngược. Chủ tịch Hội đồng trường có thể dự kiến 2-3 người nhưng số người này phải được chủ sở hữu đồng ý. Hội đồng trường bầu trong số đó thôi chứ không phải bầu xong mới đưa chủ sở hữu công nhận, rồi khi đó mới thấy không xứng đáng”, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân chỉ rõ.

Đối với xếp hạng cơ sở giáo dục đại học, ngành đào tạo (Điều 9), một số ý kiến cho rằng đây là quy định rất cần thiết, tạo động lực cho các cơ sở giáo dục đại học phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo, giúp người học có thêm thông tin để chọn trường.

Để đảm bảo việc xếp hạng minh bạch, khách quan, trung thực, đại biểu Lê Quang Trí (Tiền Giang) đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về các tổ chức xếp hạng như điều kiện thành lập, tiêu chí, tiêu chuẩn xếp hạng, trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức này… Nếu các tổ chức xếp hạng này không trung thực, không khách quan thì ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của các cơ sở giáo dục đại học cũng như quyết định chọn trường của sinh viên.

Phan Phương (TTXVN)
Hôm nay 6/11, Quốc hội thảo luận về đẩy mạnh tự chủ đại học và trần quân hàm công an
Hôm nay 6/11, Quốc hội thảo luận về đẩy mạnh tự chủ đại học và trần quân hàm công an

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 6/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Sau đó các đại biểu thảo luận về dự án Luật này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN