Đồng tình với việc tiếp tục thực hiện thí điểm, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, đây là một trong những bước để Việt Nam thu hút thêm bạn bè quốc tế, thể hiện trong cải cách hành chính, giảm bớt thủ tục và cũng bớt gánh nặng cho Lãnh sự quán, Đại sứ quán. Tuy nhiên, cũng cần có tổng kết rút kinh nghiệm để đưa ra chính sách cụ thể.
Theo đại biểu, cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là chính sách mới, thể hiện quyết tâm cải cách thủ tục hành chính triệt để của Chính phủ, phù hợp chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.
Sau gần 2 năm tổ chức thực hiện, việc thí điểm đã góp phần tiếp tục thu hút người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, tìm cơ hội đầu tư, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch. Chính phủ đề nghị cần tiếp tục thực hiện thí điểm để có cơ sở đánh giá toàn diện tác động của chính sách trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội), thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam đã đạt được các yêu cầu theo Nghị quyết mà Quốc hội đề ra, khẳng định việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30 ngày 22/11/2016 là đúng đắn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước, phục vụ công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện của Đảng và Nhà nước.
"Việc này dựa trên lợi ích chung của quốc gia, mà mục tiêu của chúng ta là tiếp tục phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nên lần này trình để tiếp tục gia hạn", đại biểu nêu ý kiến.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) dẫn chứng, tác dụng tích cực của thí điểm cấp thị thực điện tử là một trong những nguyên nhân gia tăng lượng khách nước ngoài đến Việt Nam từ đầu năm đến nay. Theo đại biểu, đây là chính sách áp dụng thí điểm và chắc thời gian cũng chưa đủ để có thể tổng kết thành quy định về mặt pháp lý một cách cụ thể, cho nên việc đề nghị gia hạn là việc làm cần thiết để có thêm thời gian xem xét hiệu quả của chính sách. Khi điều kiện chín muồi thì có phương án cụ thể đối với đề xuất này.
Nhiều đại biểu cho rằng, việc tiếp tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là việc làm cần thiết, không chỉ mang lại lợi ích chung của quốc gia, mà mục tiêu là tiếp tục phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để giữ chân được du khách, cần hoàn thiện thêm các cơ chế, chính sách liên quan đến cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần du lịch.
Đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho rằng, cần có nhiều biện pháp phát triển du lịch trong nước, có những sản phẩm du lịch hấp dẫn, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch trong nước tương xứng với du lịch quốc tế để phục vụ khách du lịch nhưng cũng đồng thời thu từ dịch vụ tốt hơn để đóng góp cho kinh tế cả nước.
Bên cạnh đó, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan tư pháp, quản lý, xử lý những sai phạm, tránh những vấn đề liên quan đến an ninh, quốc phòng để tiếp tục tạo môi trường thu hút phát triển du lịch tốt hơn trong thời gian tới.
Các đại biểu phân tích, về góc độ đối ngoại, việc tiếp tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử thể hiện quan điểm nhất quán chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế, nhất là phát triển du lịch; cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính...
Nhìn về góc độ kinh tế - xã hội, các đại biểu cho rằng, nếu không tiếp tục thực hiện cấp thị thực điện tử sẽ gây lãng phí trong quản lý vì không tận dụng nguồn lực về công nghệ thông tin, đồng thời cũng gây ảnh hưởng đến các cơ quan, tổ chức đã đăng ký tài khoản để thực hiện thủ tục cấp thị thực điện tử....