Giữ vững đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc

Sáng 28/12, Bộ Nội vụ đã tổ chức tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 ngành quản lý nhà nước về tôn giáo.

Phát huy vai trò của chức sắc, tín đồ tôn giáo

Năm 2016, hoạt động tôn giáo trên địa bàn cả nước diễn ra sôi động, tuân thủ pháp luật, thực hiện theo đúng hiến chương, điều lệ được phê duyệt; chủ trương của Đảng chính sách, pháp luật của Nhà nước được cụ thể hóa và đi vào cuộc sống. Đại hội nhiệm kỳ của các tổ chức tôn giáo luôn duy trì và giữ vững được đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc. Các hội nghị, lễ hội lớn của các tổ chức tôn giáo diễn ra trang trọng, an toàn, thu hút đông đảo tín đồ, quần chúng nhân dân và du khách tham gia. Hoạt động xây dựng, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp cơ sở đào tạo, thờ tự tôn giáo được nhà nước quan tâm, tạo điều kiện.
 
Bên cạnh các hoạt động hành đạo, quản đạo, dưỡng đạo, các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động xã hội, triển khai nhiều hoạt động từ thiện, nhân đạo, tập trung cùng với nhà nước hỗ trợ, giúp đỡ người dân ở những vùng gặp khó khăn như: khu vực miền Trung do sự cố ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra, khu vực miền Trung Tây Nguyên bị hạn hán kéo dài, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bị xâm nhập mặn... 

Theo Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Bùi Thanh Hà, ngành quản lý nhà nước về tôn giáo đã chủ động hướng dẫn các tổ chức tôn giáo thực hiện đúng quy định của pháp luật và đúng đường hướng hành đạo, phát huy vai trò của các tôn giáo trong đời sống xã hội. Các hội nghị, lễ trọng của các tôn giáo đều được lãnh đạo chính quyền các cấp quan tâm đến dự và chúc mừng, động viên. Qua đó, đã khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, củng cố niềm tin và phát huy vai trò của chức sắc, tín đồ các tôn giáo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Đại bộ phận chức sắc, chức việc tín đồ các tôn giáo luôn an tâm, phấn khởi, tin tưởng ủng hộ Đảng, Nhà nước trong các hoạt động đối nội và đối ngoại. Đồng bào có đạo tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, sống “tốt đời – đẹp đạo” gắn bó đồng hành cùng dân tộc, góp phần ổn định chính trị xã hội, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư phát triển kinh tế đất nước. 

Công tác tôn giáo đã đạt được kết quả tích cực, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân được đảm bảo ngày càng tốt hơn. Mối quan hệ giữa Nhà nước, chính quyền các cấp với các tổ chức tôn giáo gắn bó hơn, hiểu nhau hơn. Ban Tôn giáo Chính phủ tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác về công tác tôn giáo với cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo các nước trong khu vực Đông Nam Á; duy trì quan hệ với Mỹ và một số nước phương Tây, tranh thủ sự ủng hộ của các nước trong đấu tranh nhân quyền ở Việt Nam; thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Vatican để góp phần ổn định tình hình Công giáo trong nước... 

Giải quyết kịp thời những vấn đề tôn giáo phát sinh

Tuy nhiên, báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cũng như một bộ phận cán bộ, công chức chưa nhận thức đầy đủ, đúng đắn về chức năng, nhiệm vụ, vai trò công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực tôn giáo. Có những người còn có tư tưởng quá tả hoặc quá hữu đối với tôn giáo, điều đó dẫn đến ứng xử và giải quyết các vấn đề liên quan tới tôn giáo chưa phù hợp, còn cảm tính tạo nên tâm lý bức xúc. 

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa chỉ ra rằng sự phối hợp giữa các ngành trong giải quyết các vấn đề phức tạp liên quan tới tôn giáo đôi lúc còn thiếu chặt chẽ, còn có hiện tượng né tránh trách nhiệm. 

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Dũng, để đảm bảo cho các tôn giáo hoạt động một cách tự do theo đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm an ninh tôn giáo, một mình Ban Tôn giáo Chính phủ không làm được mà cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Nên sử dụng yếu tố dân tộc để giải quyết vấn đề tôn giáo nảy sinh. Ban Tôn giáo Chính phủ cần tập trung đề xuất các chính sách ngắn, trung và dài hạn trên lĩnh vực tôn giáo, đặc biệt là lĩnh vực quản lý nhà nước về tôn giáo, chú ý tham mưu cho Đảng, Nhà nước về quản lý hoạt động tín ngưỡng. 

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái kiến nghị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật tín ngưỡng, tôn giáo để triển khai thống nhất, sớm xây dựng thông tư, nghị định để đưa Luật vào cuộc sống. 

Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đề nghị Ban Tôn giáo Chính phủ tập trung đánh giá kết quả việc thực hiện chủ trương, chính sách của Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến một số vấn đề tôn giáo cụ thể. Chủ động thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo phát huy vai trò “hộ quốc, an dân”, “sống tốt đời, đẹp đạo”, đề xuất giải quyết kịp thời những vấn đề tôn giáo phát sinh tại cơ sở; đẩy mạnh công tác đối ngoại tôn giáo, phát huy vai trò của tổ chức, chức sắc tiêu biểu trong các tôn giáo trong việc tham gia đối thoại tôn giáo, đấu tranh nhân quyền… 

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa đề nghị toàn ngành tham gia trách nhiệm vào dự thảo hai Nghị định của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Ban chủ động tham mưu cho lãnh đạo Bộ hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về tôn giáo trong thời gian từ nay đến khi Luật có hiệu lực vào ngày 1/1/2018.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam
Tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam

Đảng và Nhà nước luôn khẳng định chính sách nhất quán, đúng đắn về tự do tín ngưỡng, tôn giáo là tạo mọi điều kiện để các tôn giáo cùng chung sống hòa bình trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN