Việc bảo vệ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu là nhiệm vụ thiêng liêng và trọng trách lớn lao được Đảng và Nhà nước, nhân dân giao cho quân đội mà trực tiếp là Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh tụ vĩ đại kính yêu của dân tộc đã qua đời. Thể theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, ngày 29/11/1969, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng Quyết nghị: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người”.
Thủ tướng Chính phủ và Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo định hướng tổng kết 50 năm giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện sâu sắc đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Việc giữ gìn thi hài và xây dựng Lăng của Người là ý Đảng lòng dân. Qua đó thấy rõ được sự giúp đỡ của nhân dân Liên Xô lúc bấy giờ, và nay là Liên bang Nga; đây là mối quan hệ đoàn kết của 2 quốc gia. Nói lên ý chí tự lực tự cường, độc lập tự chủ của lớp lớp cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, hiện nay mỗi ngày Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có thể phục vụ nhân dân đến viếng Bác tại Lăng Hồ Chủ tịch mỗi ngày từ 3 - 4 tiếng buổi sáng, một tuần chỉ viếng 5 ngày, một năm nghỉ 2 - 3 tháng để tu bổ định kỳ bảo đảm an toàn tuyệt đối, giữ gìn thi hài Bác trang nghiêm, tránh những tác động xấu của môi trường, thời tiết…
Trong suốt những năm qua số lượng người đến viếng Bác ngày càng đông, năm sau cao hơn năm trước và có ngày lên tới trên 32.000 lượt người. Thực hiện phương châm “Tận tình, chu đáo, văn minh, lịch sự”, đơn vị đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng, Cụm Di tích lịch sử, văn hóa Ba Đình không ngừng đổi mới, hoàn thiện về mọi mặt nhằm phục vụ tốt hơn cho nhân dân cả nước và khách quốc tế đến viếng Bác.
Đặc biệt trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương cùng nhân dân cả nước, đơn vị đã tiến hành nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ sở như: Thay mới hệ thống mái che di động, lắp đặt hệ thống kiểm soát an ninh, hệ thống ki-ốt điện tử, mạng wifi miễn phí và hệ thống âm thanh, màn hình led. Tổ chức tuyến phố đi bộ, chương trình nghệ thuật tại khu Lăng để phục vụ khách đến tham quan, viếng Bác.
Đặc biệt vào các ngày lễ 30/4, 19/5, 2/9 đơn vị đã vận động cán bộ, nhân viên trong đơn vị, các nhà hảo tâm tham gia đóng góp kinh phí để tổ chức phát bánh mỳ và nước uống miễn phí cho tất cả các khách đến viếng Bác. Thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; những năm qua, đơn vị đã phối hợp với các ban, bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội, tiến hành nhiều hoạt động tuyên truyền, sinh hoạt chính trị góp phần lan tỏa hình ảnh cao đẹp của Bác Hồ đến với đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước.
Do làm tốt công tác chuẩn bị, từ năm 1975 đến nay đơn vị đã đón tiếp và phục vụ chu đáo, an toàn trên 57 triệu lượt người, trong đó có trên 9 triệu khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phục vụ hơn 2.500 đoàn tổ chức sinh hoạt chính trị tại Lăng. Phục vụ chiếu phim giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh cho gần 32.000 đoàn; tặng Huy hiệu Bác Hồ cho 214.565 đại biểu. Tổ chức đón tiếp gần 1.000 mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công với cách mạng về Lăng viếng Bác.
Tại Khu di tích K9, từ năm 1998 đến nay, đã đón tiếp phục vụ an toàn hơn 40.000 đoàn với trên 3 triệu lượt khách đến tượng niệm Bác Hồ và thăm quan Khu di tích. Từ ngày 19/5/2017, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, đơn vị đã tổ chức đón thêm khách quốc tế vào tham quan Khu di tích K9.
Cũng tại cuộc họp báo, Cục Tuyên huấn còn thông báo các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2019); kết quả triển khai chương trình khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam.