Từ những trải nghiệm đó, nhân dân hai nước Việt - Lào đã cùng nhau xây đắp nên mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt Việt - Lào, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã đúc kết cô đọng: “Việt - Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”. Sự phối hợp chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau là nhân tố quyết định giúp hai nước Việt Nam - Lào giành được nhiều thắng lợi to lớn trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.
Thành quả cách mạng Lào có vai trò to lớn của quân tình nguyện Việt Nam Trung tướng Nguyễn Quốc Thước. Ảnh: Nguyễn Quốc/Vietnam+ |
Nhắc lại những năm tháng làm nhiệm vụ quốc tế trên đất Lào, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, Phó Trưởng Ban Liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào bồi hồi, xúc động. Ông cho biết, trong kháng chiến chống Pháp (1953 - 1954), sau khi giải phóng xong Trung Lào, Trung đoàn 101 nhận nhiệm vụ tiến công xuống Hạ Lào. Trong suốt 4 tháng (từ tháng 4 đến tháng 7) chiến đấu tại đây, không có tiếp tế, không có hậu cần, quân đội Việt Nam đã sát cánh cùng bộ đội Lào vừa đánh giặc, vừa tìm lương thực, hoàn thành nhiệm vụ.
“Thời điểm đó, từ cơm, muối, thuốc… đều do nhân dân Lào cung cấp; nhân dân các dân tộc Lào đã nuôi dưỡng, bảo vệ để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ lịch sử mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho quân tình nguyện Việt Nam”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhấn mạnh.
Sau năm 1975, hai dân tộc, hai đất nước đã giành được độc lập. Tuy nhiên, các thế lực phản động Lào cấu kết với lực lượng bên ngoài tìm cách lật đổ chế độ mà cuộc cách mạng Lào đã giành được. Trong thời điểm đó, Quân khu 4 đã đưa quân tình nguyện sang, sát cánh với lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc Lào đánh bại ý đồ của các thế lực thù địch trong và ngoài nước. Đến năm 1987, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, lực lượng quân tình nguyện mới rút khỏi đất Lào.
Trong buổi rút quân đó, đồng chí Khamtai Siphandon lúc bấy giờ là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã dặn dò: “Lực lượng vũ trang Quân khu 4 rút về nước nhưng nhiệm vụ quốc tế của quân tình nguyện Việt Nam, Quân khu 4 đối với Lào chưa bao giờ kết thúc”. “Tôi đã trả lời đồng chí Khamtai Siphandon rằng, khi nào hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước yêu cầu, lực lượng Quân khu 4 đều sẵn sàng”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhớ lại.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước khẳng định, thành quả của cách mạng Lào có vai trò to lớn của quân đội nhân dân, quân tình nguyện Việt Nam đã sát cánh trong suốt 38 năm qua.
Hạt giống đỏ vun đắp tình đoàn kết Việt - Lào Phấn khởi khi được gặp lại các cựu quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu tại Lào, Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, nguyên Cục trưởng Cục chính sách, Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Chính ủy Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng chia sẻ, đây là dịp ôn lại kỷ niệm xưa, đồng thời đề ra kế hoạch nhằm thúc đẩy mối quan hệ đặc biệt giữa quân đội và nhân dân hai nước trong thời gian tới.
Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu cho biết, ông sang chiến đấu ở chiến trường Lào từ năm 1964 tại tỉnh Savanakhet. Trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung, quân đội Việt Nam luôn nhận được sự giúp đỡ, phối hợp của Quân đội, nhân dân Lào. “Trong nhận thức của thế hệ chúng tôi lúc bấy giờ, chiến trường miền Nam, chiến trường miền Bắc, chiến trường Lào đều là một bởi chiến đấu với kẻ thù chung. Vì thế, trong sinh hoạt, đời sống, chia ngọt sẻ bùi còn trong chiến đấu cùng nhau chia lửa”, Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu kể lại.
Chia sẻ kỷ niệm khi công tác tại Lào, Đại tá Nguyễn Tự Lạc, nguyên cán bộ Đoàn chuyên gia 576 vẫn nhớ như in cách gọi quen thuộc mà nhân dân Lào dành cho đoàn chuyên gia, đó là “cán bộ tăng cường”. “Cán bộ tăng cường tức là cùng làm việc, cùng học tập, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau”, Đại tá Nguyễn Tự Lạc giải thích.
Nhận thức sâu sắc lời dạy của Bác Hồ: “Giúp bạn là tự giúp mình”, cùng với sự thương yêu, đùm bọc của nhân dân các dân tộc và Quân đội nhân dân Lào, quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt - Lào giao phó.
Tự hào gắn bó với đất nước Lào gần 40 năm, Đại tá Trần Thành, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho biết, ông rất vinh dự đóng góp một phần nhỏ bé vun đắp tình hữu nghị Việt Nam - Lào. Đại tá Trần Thành chia sẻ, trong dịp sang thăm Lào thời gian qua, ông đã gặp lại một số cán bộ cao cấp từng được đào tạo ở những trường Quân đội Việt Nam, bây giờ đã thành cán bộ nòng cốt của Đảng, Nhà nước và Quân đội Lào. Những đồng chí này vẫn rất gắn bó với Việt Nam.
Theo Đại tá Trần Thành, đây là những hạt giống đỏ vun đắp cho tình đoàn kết Việt Nam - Lào. Dù tình hình thế giới và khu vực biến đổi nhưng tấm lòng sắt son, tình đoàn kết giữa hai Quân đội, hai Đảng, hai Nhà nước vẫn không bao giờ phai nhạt.
Phát huy mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt
Nhận thức sâu sắc việc kế thừa, gìn giữ, phát huy mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, thế hệ trẻ hai nước khẳng định sẽ kế thừa xứng đáng truyền thống cha anh, kề vai sát cánh gắn bó, cùng nhau xây dựng và phát triển đất nước.
Bạn Lê Thị Hồng Nhung, Chủ tịch Hội sinh viên Học viện Tài chính cho biết, nhân kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ Ngoại giao Việt Nam - Lào, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu giữa sinh viên, thanh niên hai nước.
Được lựa chọn tham gia hành trình “Theo dấu chân các lãnh tụ Việt - Lào”, Lê Thị Hồng Nhung bày tỏ niềm vinh dự và tự hào về truyền thống lịch sử, mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc. Chuyến hành trình đã giúp thế hệ trẻ đã nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm của thanh niên Việt Nam trong việc vun đắp, sâu sắc hơn tình hữu nghị Việt Nam - Lào.
Bạn Vongphachan Fongmany, sinh viên Lào đang học tập tại Học viện Ngoại giao bày tỏ niềm vui, xúc động trước mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt Nam - Lào. Thời gian qua, quan hệ hợp tác an ninh, quốc phòng, đối ngoại được củng cố; quan hệ kinh tế - thương mại, đầu tư, giáo dục, văn hóa đều có những bước phát triển, mạnh mẽ, liên tục.
Qua học tập, nghiên cứu, lưu học sinh Lào càng hiểu rõ về mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Lào, là tình hữu nghị đặc biệt, thủy chung, trong sáng, là tài sản vô giá mà thế hệ trẻ hai nước cần gìn giữ và phát huy. “Để xứng đáng với sự tin cậy, quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước, chúng em sẽ cố gắng học tập để sau khi tốt nghiệp sẽ mang những kiến thức, năng lực của mình đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước Lào cũng như xây dựng mối quan hệ Lào - Việt Nam ngày càng bền chặt”, bạn Vongphachan Fongmany cho biết.
Có thể khẳng định, mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào là tài sản vô giá của hai dân tộc. Vì vậy việc gìn giữ, phát huy mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt - Lào là trách nhiệm cao cả của cả các cấp, ngành, tổ chức và cá nhân của hai nước.